Điêu đứng vì mua phải lợn giống nghi nhiễm dịch tả của Mavin?

Trần Quang Thứ năm, ngày 19/12/2019 06:16 AM (GMT+7)
Chiều 18/12, PV Dân Việt liên tiếp nhận được thông tin phản ánh từ các hộ chăn nuôi lợn tại Thái Bình, Thái Nguyên về việc họ bị lừa mua phải heo giống nghi nhiễm dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) của Công ty CP Mavin (Tập đoàn Mavin) ở Tuyên Quang khiến các hộ này đang phải gánh chịu thiệt hại nặng.
Bình luận 0

img

Sau khi được mua về từ trang trại của Mavin ở Tuyên Quang được 2 ngày, số lợn giống 200 con của anh Hường nghi ngờ nhiễm dịch tả heo Châu Phi đã chết la liệt. 

Lợn giống mới mua về đã chết, nông dân lãnh đủ

Kêu cứu với chúng tôi, anh Đinh Văn Hường, một hộ dân chăn nuôi lợn ở xã Đông Đô, huyện Hưng Hà (Thái Bình) cho biết, chiều ngày 14/11 anh mua 260 con lợn giống tại trang trại của Mavin tại thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang với giá 1,7 triệu đồng/con loại heo khoảng 6-7kg/con. 

Tuy nhiên, ngay sau khi mua về 2 ngày thì đàn lợn bắt đầu xuất hiện dấu hiệu mệt mỏi, chán ăn, tìm chỗ mát để nằm, túm tụm lại gần nhau, thở gấp, da bừng đỏ (đặc biệt ở vùng bụng và các chi) và sau đó lăn ra chết la liệt, chồng đống, đến ngày thứ 15 thì xóa xổ toàn đàn.

Cùng tình trạng đó, 60 con lợn giống anh Hường mua giúp anh Huy ở cùng xã cũng lăn ra chết hết. Nghi ngờ lợn bị nhiễm DTLCP, ngay sau khi lợn xuất hiện hiện tượng bất thường, anh Hường đã nhờ cán bộ kỹ thuật ở địa phương mổ phanh lấy mẫu nội tạng thì thấy các bộ phận nội tạng như tim, lách... bị xuất huyết rất nặng. 

img

 Các con lợn giống mệt mỏi, bỏ ăn, người xuất huyết tím tái chết la liệt trong chuồng nuôi của anh Hường.

Ngay sau đó, anh Hường cho biết có liên lạc với phía người môi giới được cho là đại lý của Mavin để thông báo sự việc thì được cho số điện thoại để liên hệ với người phụ nữ tên Giang. Theo giới thiệu của người môi giới, Giang là phụ trách bán hàng của Mavin ở Tuyên Quang.

Điều đáng nói là anh Hường và mọi người thân, bạn bè của anh đã nhiều lần nhắn tin, gọi điện nhưng người phụ nữ tên Giang này đều không có thiện chí hợp tác mà còn thoái thác trách nhiệm với lý do không bán hàng trực tiếp với mọi người. Anh Hường cho biết, đến thời điểm này anh vẫn không thể liên hệ được với các đấu mối của Mavin ở Tuyên Quang để hợp tác giải quyết vụ việc.

"Lúc đầu mua lợn họ mời chào rất vui vẻ, thiện chí nhưng đến giờ khi gặp vấn đề họ lại trốn tránh, chúng tôi thực sự rất bức xúc", anh Hường nói.

Thê thảm hơn anh Hường, hiện gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên) đang rơi vào tình trạng khốn đốn, thua lỗ nặng nề vì mua phải lợn giống nghi nhiễm DTLCP của Công ty CP Mavin ở Tuyên Quang. 

img

img

Các mẫu nội tạng được lấy ra từ các con lợn giống của anh Hường có dấu hiệu xuất huyết nặng.

Anh Mạnh cho biết, sau khi mua 40 con lợn giống cùng ngày với anh Hường, Huy ở Thái Bình đưa về gia đình, anh đã cho thả chung đàn với gần 100 con để nuôi thì 2 ngày sau đã xảy ra vấn đề. Theo đó, các con lợn giống mới mua về bắt đầu xuất hiện dấu hiệu ốm yếu, mệt mỏi, bỏ ăn và chồng lên nhau chết dần đến giờ các con lợn khác trong chuồng cũng bắt đầu chết theo khiến vợ chồng anh đổ gục.

Anh Mạnh cho biết, buổi sáng ngày 14/11 đến trang trại của Công ty CP Mavin mua lợn do quá giờ nên đã bị công nhân của đơn vị này đuổi ra nên anh và anh Hường, Huy phải ra ngoài chờ đến chiều mới được vào bắt lợn.

"Chiều chúng tôi đến mua lợn thấy các cán bộ ở trại này tất tưởi đuổi lợn ra ngoài rồi mới lần lượt bấm tai đã thấy có vấn đề rồi nhưng chúng tôi cho qua không nói, ai ngờ về trại đến giờ mọi chuyện đã quá muộn", anh Mạnh nhớ lại.

"Các trại ở khu xóm nhà tôi biệt lập với các khu dân cư khác nên chưa xuất hiện dịch, bệnh, nhất là dịch tả lợn châu Phi, nhưng giờ tôi lại thành kẻ rắc dịch về làm hại bà con, gia đình, đau xót quá", anh Mạnh ngậm ngùi.

img

Sau khi đàn lợn giống mua về chết hết, anh Hường phải tự mình mua vôi, thuốc sát trùng về xử lý chuồng trại.

Cũng liên quan đến thông tin trên, trước đó trao đổi với báo chí ngày 6/11, anh Hà Quang Đạo ở Phú Thọ cho biết, anh bắt lợn giống tại thôn Cây Cọ, Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang được cho là của Mavin, nhưng ngay ngày hôm sau 7/11 lợn đã bị chết, ngày 8/11 gửi mẫu xét nghiệm, ngày 9/11 cho kết quả dương tính với dịch tả heo Châu Phi thì có khả năng lô lợn 400 con trên đã ủ sẵn bệnh dịch trước đó là rất cao.

Cùng với thông tin sự việc, anh Hà Quang Đạo đã đưa ra bằng chứng chứng minh mình có mua 400 lợn giống tại trang trại của Mavin với người đại điện ký giấy kiểm dịch là ông Trần Văn Dương, đại diện trang trại của Mavin ở thôn Cây Cọ, Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang.

img

Ngày 9/11, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trả kết quả xét nghiệm với kết luận dương tính với dịch tả heo Châu Phi cho gia đình ông Hà Quang Đạo ở Phú Thọ.

Theo đó, thông qua quen biết, anh Đạo có liên hệ một người tên Hưng tại Vĩnh Phúc, được giới thiệu là người bán hàng của anh Vũ, đại lý Mavin tại Vĩnh Phúc đặt mua 400 con lợn giống về nuôi. Ngày 6/11, anh Hưng trực tiếp dẫn anh Đạo tới trang trại ở thôn Cây Cọ, Sơn Nam, Sơn Dương, Tuyên Quang làm việc với ông Trần Văn Dương để bắt 400 con lợn trọng lượng trung trình 7 - 7,8kg/con mà theo giới thiệu là trại của Tập đoàn Mavin.

Kèm theo 400 con lợn anh Đạo được phía ông Trần Văn Dương và cán bộ thú y địa phương gửi 1 phiếu trả lời kết quả xét nghiệm số 20878/CĐ-XN do Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương trả ngày 5/11 với nội dung 30 mẫu gộp thành 6 mẫu, nơi gửi mẫu: Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang, Công ty Cổ phần Mavin AusFeed; nơi lấy mẫu: thôn Cây Cọ, xã Nam Sơn, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Kết quả: 6/6 mẫu âm tính với dịch tả lợn châu Phi. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang cũng gửi kèm 1 bảng kê mã số đánh dấu gia súc ngày 6/11 thể hiện số lượng 400 con lợn; biên bản niêm phong, mở niêm phong phương tiện vận chuyển chứa đựng động vật, sản phẩm động vật do kiểm dịch viên Nguyễn Trung Sơn lập tại trang trại với đại diện là ông Trần Văn Dương lúc 15 giờ 45 phút ngày 6/11; Biên bản ghi nhận tình trạng vệ sinh thú y của động vật, sản phẩm động vật do ông Nguyễn Trung Sơn, kiểm dịch viên Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang cấp ngày 6/11; Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh đại diện là ông Trần Văn Dương cũng do ông Nguyễn Trung Sơn ký ngày 6/11.

img

Tờ phô tô kết quả xét nghiệm dịch tả heo Châu Phi phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tuyên Quang gửi cho anh Hường khi viết giấy thú y vận chuyển ngoài tỉnh 260 con lợn từ trại của Mavin.

Thoái thác trách nhiệm

Để rộng đường dư luận, tối 18/12, PV Dân Việt đã gọi điện theo số điện thoại mà anh Hường cung cấp được cho là người phụ nữ tên Giang, một cán bộ phụ trách bán hàng của Mavin thì bà này nhận mình đang nuôi gia công cho Công ty CP Mavin tại Tuyên Quang. Bà Giang cho hay, lâu nay trang trại không bán lợn giống ra ngoài. Khi được chúng tôi truy vấn cụ thể về các trường hợp người dân mua lợn giống bị nghi nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại trại Tuyên Quang thì bà Giang tỏ ra lúng túng, nói sẽ cho kiểm tra lại thông tin.

Phân trần thêm về trường hợp khách hàng Hà Quang Đạo ở Phú Thọ mua lợn giống về bị bệnh dịch, người phụ nữ này khẳng định, do quá trình vận chuyển lợn về trại của gia đình anh Đạo không đảm bảo nên đã bị nhiễm dịch.

Theo khuyến nghị của OIE và FAO và các chuyên gia về dịch tễ, dịch tả heo Châu Phi có thời gian ủ bệnh 7 - 15 ngày, tức từ lúc nhiễm bệnh đến lúc phát bệnh ra bên ngoài thời gian thường 7 - 15 ngày, chính vì vậy giấy xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi hiện nay được Bộ NNPTNT quy định có hiệu lực trong thời hạn tối đa 10 ngày.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem