Điều dưỡng chăm sóc BN Covid-19: "Chồng chở hai con gái đến cổng viện, đứng từ xa nhìn mẹ"
Diệu Linh – Ngọc Hải
Thứ bảy, ngày 16/05/2020 08:19 AM (GMT+7)
Đã hơn 2 tháng nay, chị Nguyễn Thị Thường (Điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) chưa được về nhà. Để bớt nỗi nhớ mẹ, hai con gái chị thi thoảng lại đòi bố đèo đến cổng viện, nhìn mẹ từ xa...
Chị Thường nghẹn ngào cho biết, hai con gái chị, cô lớn mới học lớp 5, con bé mới học lớp 1. "Tuổi này các con đang cần mẹ lắm, mỗi khi tôi đi làm về hai cháu đều quấn quýt lấy mẹ, kể chuyện, tâm sự liến thoắng không ngừng. Giờ mẹ phải ở trong viện hơn 2 tháng, các con nhớ mẹ lắm.
Thi thoảng các cháu lại đòi bố đèo đến cổng viện chỉ vì "để con nhìn mẹ một cái". Ba mẹ con cũng không dám tiếp xúc gần, chỉ đứng từ xa nhìn nhau qua cổng viện, rồi cầm điện thoại nói chuyện. Nhìn các con gầy hẳn đi, mặt buồn bã, thương lắm".
Trước khi "khăn gói lên đường" vào viện trực chiến, chị Thường đã tâm sự với hai con rằng, mẹ phải vào viện, điều trị, chăm sóc cho các bệnh nhân bị bệnh nguy hiểm, không thể về được. Hai cô con gái chị tỏ vẻ rất thương mẹ, thông cảm cho công việc cứu người cao quý của mẹ. Dù các cháu không hề níu kéo, năn nỉ mẹ ở nhà nhưng chị biết các con quyến luyến mẹ.
Hàng ngày, sau giờ trực căng thẳng, niềm vui sung sướng nhất của chị là điện thoại tâm sự chuyện "trên trời dưới bể" với các con. Đây là lần đầu tiên chị xa các con lâu đến vậy và 3 mẹ con đều động viên nhau vượt qua thử thách này.
Bây giờ, bệnh viện chỉ còn 7 bệnh nhân Covid-19, Khoa chị chỉ còn 2 bệnh nhân, một số nhân viên y tế khác đã được về với gia đình, nhưng chị Thường với nhiệm vụ là điều dưỡng trưởng vẫn cần ở lại, cùng chia sẻ gánh nặng với anh em.
Khoa Hồi sức tích cực gánh nhiệm vụ chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 nặng.
Những người thầm lặng
Nói về công việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19, chị Thường cho biết, Khoa chị có 22 điều dưỡng, đa số đều là phụ nữ đã lập gia đình, có con nhỏ nên ai cũng nhớ con, nhớ nhà. Tuy nhiên, mọi người đều gạt niềm riêng, nghiêm túc vào bệnh viện tá túc suốt từ đầu tháng 3 đến nay.
Một số người đã cách ly đủ 14 ngày, xét nghiệm âm tính và "tái hòa nhập" với gia đình, cộng đồng. Còn chị Thường và một số đồng nghiệp vẫn ở lại, tiếp tục làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân Covid-19.
"Lúc đầu thấy trên thế giới nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh, bệnh viện cũng có 2 đồng nghiệp lây nhiễm chéo từ bệnh nhân nên anh chị em khá lo lắng. Những ngày đầu hết ca trực về phòng ở ký túc xá, mọi người đều nằm liệt, mệt cả về tinh thần lẫn thể xác.
Nhưng sau đó, được trang bị bảo hộ an toàn, quy trình chặt chẽ, việc chăm sóc bệnh nhân ngày càng có kinh nghiệm hơn, nên mọi người yên tâm hơn. Tuy nhiên, vất vả thì khó mà kể được", chị Thường tâm sự.
Chị Thường cho biết, điều dưỡng là những người ở bên bệnh nhân với thời gian lâu nhất, làm nhiều việc tiếp xúc với bệnh nhân nhất. Từ việc thực hiện các y lệnh của bác sĩ, cho bệnh nhân uống thuốc, truyền dịch, tham gia các quy trình cấp cứu, đặt máy thở, đặt tim phổi nhân tạo ECMO cùng với bác sĩ... đến việc cho bệnh nhân ăn, lau rửa, gội đầu, vệ sinh, thay bỉm... đều do điều dưỡng thực hiện. Đây đều là các tiếp xúc gần, nguy cơ lây nhiễm chéo virus từ bệnh nhân rất lớn.
Với những bệnh nhân nặng, các điều dưỡng phải ở bên giường bệnh 24/24h để theo dõi sức khỏe, các chỉ số huyết áp, máu, nhịp tim... gần như phải "nhìn bệnh nhân trừng trừng"... để kịp thời thông báo cho bác sĩ khi có các chuyển biến khác lạ...
Ngoài ra, theo chị Thường, việc vệ sinh của bệnh viện do công ty có hợp đồng phụ trách. Tuy nhiên, dịch Covid-19 nên chỉ có nhân viên y tế được ở lại. Do đó, việc vệ sinh lau chùi phòng bệnh, các bề mặt, sàn nhà, giường bệnh, bàn ghế đều do điều dưỡng phụ trách.
"Vất vả nữa là việc phải mặc đồ phòng hộ suốt ca trực 12 tiếng, 5-6 tiếng mới được cởi phòng hộ nghỉ trong vòng 30-40 phút để ăn uống, đi vệ sinh. Trời thì nóng, để đề phòng virus lây nhiễm nên không được bật điều hòa, phải nhịn uống nước, nhịn đi tiểu. Nhiều người đeo khẩu trang đến mức rách hết da. Nhìn xót lắm", chị Thường tâm sự.
Chị Thường cho biết, vất vả nhất là chăm sóc 2 bệnh nhân người Anh (bệnh nhân 26 và 28). Hai bệnh nhân này đều phải thở máy trong thời gian hơn 1 tháng. Các bệnh nhân này "nặng" theo đúng nghĩa "trọng lượng" nên việc chăm sóc rất vất vả.
"Bệnh nhân nặng 90-95kg, trong khi điều dưỡng mình chỉ nặng 45-50kg. Việc phải trở mình cho bệnh nhân, nâng dậy để dùng thuốc, ăn uống hay việc lau rửa đều rất khó khăn. Các điều dưỡng phải "vật lộn" toát mồ hôi. Hơn nữa, việc hạn chế ngôn ngữ, văn hóa cũng khiến cho việc giải thích, hướng dẫn bệnh nhân gặp hạn chế, nhiều khi phải nói đi nói lại nhiều lần", chị Thường nói.
Rất may, hai bệnh nhân đã khỏe mạnh và được xuất viện, cho dù tuổi cao và có nhiều bệnh lý nền. Chị Thường và đồng nghiệp đã rất cảm động khi bệnh nhân người Anh dù chưa nói được, nhưng đã viết ra giấy những dòng chữ tiếng Anh đầy tình cảm như: "Cô bé đó đâu?", khi thấy một điều dưỡng đi vắng hay "Cảm ơn các bạn!"...
"Chỉ đơn giản như vậy là chúng tôi có thể cảm nhận được họ biết nỗi vất vả của chúng tôi", chị Thường tâm tình.
Tính đến hết ngày 16/5, Việt Nam có 314 ca Covid-19, trong đó có 260 ca đã khỏi bệnh. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã điều trị cho 147 bệnh nhân Covid-19, trong đó 140 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Bệnh viện là nơi điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng ở khu vực phía Bắc.
Tin cùng sự kiện: Dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.