Điều gì xảy ra nếu trong hôm nay 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không nộp tiền?

Quang Trung Thứ tư, ngày 06/07/2022 16:20 PM (GMT+7)
Theo hợp đồng đã ký với UBND TP.HCM, hôm nay (6/7) là hết hạn 180 ngày mà hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm phải nộp đủ tiền. Điều gì sẽ xảy ra nếu hai doanh nghiệp không nộp tiền?
Bình luận 0

Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm hết hạn nộp tiền

Trao đổi với Dân Việt sáng nay, ông Thái Minh Giao - Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho hay, hôm nay nếu hai doanh nghiệp này không nộp tiền, hợp đồng sẽ hết hiệu lực, thành phố sẽ hủy hợp đồng và phía Cục Thuế sẽ thu hồi thông báo nộp tiền sử dụng đất của họ.

"Thực tế đây chỉ là một giao dịch dân sự. Thành phố cũng rất quan tâm đến vụ việc này vì nó cũng ảnh hưởng đến nhiều việc khác của thành phố. Tuy nhiên, theo luật cứ tiến hành mọi việc theo hợp đồng thôi", ông Giao chia sẻ.

Điều gì xảy ra nếu trong hôm nay 2 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm không nộp tiền? - Ảnh 1.

Ngày 6/7, hết hạn 180 ngày, hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vẫn chưa nộp tiền. Ảnh: TL

Cũng theo ông Giao, hôm nay có thể Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tham mưu cho thành phố. Sau khi hợp đồng hết hiệu lực, phía Cục Thuế sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, "không có vấn đề gì cả".

Như vậy, trong 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm, hai doanh nghiệp đã xin bỏ cọc, còn lại hai doanh nghiệp (Công ty CP Dream Republic và Công ty CP Sheen Mega) có khả năng mất cọc nếu không nộp đủ hơn 8.000 tỷ đồng gồm cả tiền trúng đấu giá đất và tiền chậm nộp vào hôm nay (6/7).

Hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm sẽ bị mất cọc?

Trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Lê Hoàng Lan (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, khoản 2 Điều 48 Luật đấu giá tài sản quy định, người trúng đấu giá có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hoặc theo quy định của pháp luật có liên quan.

Nếu người trúng đấu giá vi phạm sẽ căn cứ điểm d khoản 5 Điều 68 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ để xử lý.

Cụ thể, trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền theo đúng phương án đấu giá quyền sử dụng đất, UBND cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Điều 39 Luật đấu giá tài sản quy định xử lý khoản tiền đặt trước mà hai doanh nghiệp đã nộp trước khi tham gia đấu giá. 

Như vậy, doanh nghiệp sẽ không được nhận lại tiền đặt trước (tiền cọc) và tiền sẽ được trung tâm đấu giá nộp vào ngân sách nhà nước, sau khi trừ đi chi phí đấu giá.

"Căn cứ vào hợp đồng đã ký giữa hai doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm với UBND TP.HCM, đến hôm nay, hạn 180 ngày đã hết, nếu Công ty cổ phần Dream Republic (trúng đấu giá lô đất số 3-5, diện tích 6.446m2, phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ) và Công ty cổ phần Sheen Mega (trúng đấu giá lô đất số 3-8, diện tích 8.568,1m2, đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất) không nộp tiền sẽ bị hủy hợp đồng và bị mất khoản tiền đã đặt cọc" – luật sư Lan thông tin.

Nói thêm về các biện pháp cưỡng chế thuế, luật sư Lan cho biết, khoản 1 Điều 125 Luật quản lý thuế 2019 quy định có 7 biện pháp cưỡng chế thuế.

Cụ thể, cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế; Cưỡng chế bằng biện pháp khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.

Cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn; Cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên.

Cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản khác của người nộp thuế bị cưỡng chế do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang giữ.

Cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.

Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.

Như vậy, hai doanh nghiệp không có tiền trong tài khoản, hoặc không có tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng khác, cơ quan thuế sẽ tiến hành biện pháp tiếp theo là ngừng sử dụng hóa đơn của hai đơn vị.

Tiếp đến là tiến hành kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên. Biện pháp cuối cùng là thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư…

Khi đã thực hiện hết các biện pháp mà không thu được thuế, cơ quan chức năng sẽ hủy kết quả đấu giá, doanh nghiệp sẽ mất tiền cọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem