Điều ít biết về ngôi đình Chèm cổ nghìn năm tuổi bên dòng sông Hồng
Điều ít biết về ngôi đình Chèm cổ nghìn năm tuổi bên dòng sông Hồng
Song Phúc
Thứ hai, ngày 26/02/2024 15:34 PM (GMT+7)
Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Nghi môn ngoại là kiểu nghi môn trụ với bốn cột xây cao to, gần đỉnh trụ đắp hình lồng đèn...
Nằm ẩn mình bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, cách trung tâm Hà Nội về phía Tây khoảng 12km là một ngôi đình uy nghi cổ kính, có niên đại hơn 2.000 năm lịch sử. Đình Chèm thuộc làng Chèm, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được coi là một trong số ít những ngôi đình cổ nhất Việt Nam.
Dấu ấn kiến trúc nghìn năm lịch sử
Theo sử sách ghi lại, đình Chèm thờ Hy Khang Thiên vương Lý Ông Trọng (Lý Thân hay Đức Thánh Chèm), một nhân vật huyền thoại và Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung sống vào thời An Dương Vương. Trong thánh phả nước Việt, Lý Ông Trọng đứng hàng thứ ba sau Thánh Tản và Thánh Gióng.
Đình Chèm được xây dựng theo lối kiến trúc nội công ngoại quốc, chắc chắn và công phu. Nghi môn ngoại là kiểu nghi môn trụ với bốn cột xây cao to, gần đỉnh trụ đắp hình lồng đèn, đỉnh trụ và thân trụ được trang trí tứ linh, tứ quý và đắp các câu đối chữ Hán ca ngợi Đức Thánh Lý Ông Trọng.
Nghi môn nội (hay còn gọi là Tàu tượng) là một nếp nhà bốn mái, ba gian, hai chái, mái lợp ngói mũi hài, các góc uốn cong tạo thành những đầu đao đắp nổi hình đầu rồng.
Khu vực chính của đình Chèm gồm tòa tiền tế và tòa đại bái, hai tòa nhà này có kết cấu giống nhau và nối với nhau bằng hệ thống xà nách đỡ máng đồng. Mỗi dãy nhà gồm 5 gian, hai chái theo kiểu nhà 4 mái.
Trên các bộ vì ngắn, bức cốn chạm hình rồng mây, rồng cuốn thủy, cá hóa rồng, tứ linh với những đường nét chạm mềm mại, trau chuốt, mang đậm phong cách nghệ thuật cuối thời Lê – thế kỷ thứ 18. Đây là nơi bài trí hương án và các đồ tế khí quan trọng của đình Chèm, đồng thời cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng hàng năm cũng như trong dịp lễ hội.
Hậu cung đình xây liền với nhà đại bái bằng một nhà cầu nhỏ tại gian giữa, khu hậu cung gồm 3 dãy nhà nối liền nhau tạo thành kết cấu kiến trúc kiểu chữ "Công". Nhà ngoài và nhà trong nằm song song với nhau bằng nhà ống muống ở gian giữa.
"Các công trình kiến trúc của đình Chèm được kết cấu bền chắc và bố trí hài hòa trong một tổng thể không gian rộng lớn. Đến tham quan đình Chèm, nhiều người đều ngạc nhiên trước lối kiến trúc cổ, hài hòa này", ông Nguyễn Ngọc Thanh, ở quận Cầu Giấy chia sẻ.
Theo ông Thanh, điểm nổi bật nữa, xung quanh đình là những cây cổ thụ cành lá sum suê, góp phần tôn thêm vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm cho ngôi đình thiêng hơn 2.000 năm tuổi.
Lưu giữ nhiều cổ vật
Trong khuôn viên nghi môn nội có đặt tượng ông quản tượng, voi chiến và ngựa chiến của Đức Thánh. Khu nhà bia, sân đình, tả hữu mạc, phương đình 8 mái và tòa đại bái, hậu cung tạo thành hình chữ công.
Nhà ngoài và nhà trong chính là nơi tôn nghiêm nhất tại đình Chèm, đặt long ngai và tượng thờ của Đức Ông, Đức Bà cao khoảng 3,2m, hai bên là tượng 6 người con của Đức Thánh, còn gọi là Lục vị vương.
Theo thủ từ đình Chèm, hiện nay đình còn lưu giữ được cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, 3 đạo sắc phong của các vua Nguyễn phong thần cho ngài Lý Ông Trọng. Bốn tấm bia đá, trong đó có 1 tấm thời Lê Cảnh Hưng và 3 tấm thời Nguyễn, 10 tượng thờ, 8 bức hoành phi câu đối, 2 chuông đồng đúc thời Nguyễn. Đặc biệt là hệ thống máng đồng là di vật độc đáo, hiếm có ở các di tích khác, có niên đại thời Lê, Tây Sơn và Nguyễn.
Để tri ân công đức của Đức Thánh, hàng năm cứ vào dịp rằm tháng 5 Âm lịch nhân dân ba làng gồm: làng Chèm (nay là phường Thụy Phương), làng Hoàng và làng Mạc (phường Liên Mạc) cùng nhau tổ chức lễ hội truyền thống. Nhắc đến hội Chèm, ca dao xưa có câu:
Lễ hội đình Chèm diễn ra trong 3 ngày 14, 15, 16 tháng 5 Âm lịch với các hoạt động như: rước nước từ sông Hồng về Đình Chèm; rước văn từ chùa Chèm về đình Chèm; lễ dâng hương hoa; Ba dân nhập tế.
Hội đình Chèm là một trong những lễ hội kết hợp rất chặt chẽ giữa tín ngưỡng thờ Thành hoàng làng với một tín ngưỡng cổ xưa của cư dân nông nghiệp liên quan đến nước là cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an thông qua lễ rước nước.
Ngoài ra, hội đình Chèm phản ánh niềm tin tín ngưỡng của người Việt, không chỉ trong truyền thuyết Lý Ông Trọng mà còn là niềm tin vị đức thánh này hiện hình về phù hộ cho Cao Biền, cho các quan vua đời nhà Trần. Đây là một niềm tin tâm linh bất diệt và được ghi trong sử sách, truyền thuyết lưu truyền mãi đến các thế hệ sau.
Với những giá trị tiêu biểu, đình Chèm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990 và được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt năm 2017.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.