Đàn lợn dịch gần về đích đến
Vào cuối tháng 6, nguồn tin của Dân Việt cho hay, vừa qua lực lượng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lạng Sơn đã dừng kiểm tra 1 xe tải chở lợn tại khu vực huyện Chi Lăng với nhiều biểu hiện nghi vấn. Số 35 con lợn này sau đó đã được gửi mẫu xét nghiệm thì có kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Điều đáng lưu ý, chiếc xe chở 35 con lợn nhiễm bệnh dịch này vừa qua Trạm Kiểm dịch động vật Hữu Lũng (Lạng Sơn) và có giấy chứng nhận kiểm dịch của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang.
Xe tải chở lô hàng 35 con lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi bị bắt giữ tại Công an tỉnh Lạng Sơn.
Tại Công an tỉnh Lạng Sơn, đại diện Phòng Cảnh sát Môi trường cho hay: Vào hồi 2h55 ngày 6/6/2019, tại Km 52+200 QL 1A, thuộc địa phận thôn Đông Mồ, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an tỉnh tiến hành kiểm tra xe ô tô tải BKS 98C-12991, trên xe chở 35 con lợn (tổng trọng lượng 1.400kg). Chủ số lợn trên là Ngô Thị Thu (SN 1965), trú tại thôn Dĩnh Lục 2, xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang.
Bà Thu khai, số lợn trên được mua gom từ Hải Hậu (Nam Định) vận chuyển về Lạng Giang (Bắc Giang) không có bất cứ loại giấy tờ gì. Tuy nhiên, khi đến Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang, chủ hàng đã dùng giấy xét nghiệm của lô hàng trước để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Cán bộ của Chi cục cũng không kiểm tra thực tế lâm sàng và ký cấp giấy, giao luôn dây kẹp chì để chủ hàng tự kẹp thùng xe tải (trái quy định của Luật Thú y và Thông tư số 25/2016 của Bộ NNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn- PV).
Thực tế, số lượng lợn trên xe là 35 con, nhưng trong giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang cấp lại là 38 con. Dù có sai lệch về số lượng như vậy, nhưng khi chiếc xe tải chở lô hàng lợn sống trên di chuyển đến Trạm Kiểm dịch động vật Hữu Lũng (Lạng Sơn), thì cán bộ kiểm dịch không kiểm tra thực tế, vẫn làm thủ tục để xe đi qua Trạm.
Giấy chứng nhận kiểm dịch do Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang cấp ghi lô hàng 38 con lợn.
Chỉ khi chiếc xe tải chở lợn trên đi qua huyện Chi Lăng, mới bị lực lượng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Công an huyện kiểm tra, bắt giữ.
Tại cơ quan Công an, bà Thu khai, số lợn trên khoảng 35-40kg/con, bà Thu mua, vận chuyển đến chợ Bờ Sông (Lạng Sơn) bán cho các chủ cửa hàng chế biến lợn quay trên địa bàn.
Nhận thấy việc vận chuyển số lợn trên là trái quy định, lực lượng chức năng Lạng Sơn đã lấy mẫu gửi xét nghiệm, sau đó tiến hành tiêu hủy đúng quy định. Phiếu trả lời kết quả xét nghiệm do Chi cục Thú y Vùng 2 gửi về Chi cục Thú y Lạng Sơn cho thấy, mẫu huyết thanh trên đàn lợn của chủ hàng Ngô Thị Thu dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Cơ quan thú y có tiếp tay?
Tại Trạm Kiểm dịch động vật Hữu Lũng, ông Mã Văn Hoàng – Trạm trưởng cho biết: “Vào khoảng 2 giờ 30 ngày 6/6, xe tải chở lợn đó qua Trạm Hữu Lũng, có giấy kiểm dịch do Chi cục Thú y Bắc Giang cấp, có đầy đủ thủ tục, xe vẫn còn nguyên kẹp chì. Sau khi anh em xác minh thấy đầy đủ thì cho đi”. Khi PV đặt câu hỏi tại sao số lượng lợn thực tế trên xe (35 con) sai lệch với giấy tờ (ghi là 38 con), nhưng Trạm Kiểm dịch động vật Hữu Lũng vẫn cho xe đi qua, ông Hoàng lý giải: “Bên em quy định không được phép mở chì, chữ ký đây lại là chữ ký của Chi cục trưởng Thú y Bắc Giang cấp, thuộc ngành dọc nên đã cho xe qua”.
Cán bộ Trạm Kiểm dịch động vật Hữu Lũng (Lạng Sơn) đang làm nhiệm vụ.
Lý giải trên của Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch động vật Hữu Lũng đã cho thấy sự thiếu trách nhiệm, hời hợt trong việc điều hành, thực thi công vụ, nhất là ngay trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi đang lan rộng, có diễn biến rất phức tạp. Bởi theo Mục 4, Điều 4 Thông tư số 25/2016 của Bộ NNPTNT quy định rõ: “Cơ quan kiểm dịch động vật nội địa nơi đến chỉ thực hiện kiểm dịch trong trường hợp phát hiện: a) Động vật từ tỉnh khác nhưng không có Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan kiểm dịch động vật nội địa nơi xuất phát; b) Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật không hợp lệ; c) Có sự đánh tráo, thêm hoặc bớt động vật khi chưa được phép của cơ quan kiểm dịch động vật; d) Động vật có biểu hiện mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh truyền nhiễm”.
Để tìm hiểu rõ sự việc, PV Dân Việt tiếp tục làm việc với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang. Tại trụ sở cơ quan, ông Lê Văn Dương –Phó Chi cục trưởng cho biết, kiểm dịch viên trực tiếp thực hiện các bước quy trình kiểm dịch, cấp giấy chứng nhận, hồ sơ cho lô hàng 38 con lợn của chủ hàng Ngô Thị Thu là bà Hoàng Thị Ngọc Ánh.
Phó Chi cục trưởng Lê Văn Dương (áo xanh bên phải) và kiểm dịch viên Hoàng Thị Ngọc Ánh (bên trái) tại buổi làm việc với PV Dân Việt tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang.
Có mặt tại buổi làm việc này, bà Ánh khẳng định: “Sau khi nhận được thông tin của chủ hàng, tối ngày 5/6 tôi đến trực tiếp nhà bà Thu để làm kiểm dịch. Sau khi kiểm tra số lượng đầu lợn đủ 38 con, thấy động vật khỏe mạnh, thuộc đúng theo lô xét nghiệm trước đó vào ngày 22/5, tôi đã cấp giấy cho chủ hàng xe vận chuyển lợn 38 con, vận chuyển đến điểm cuối cùng là chợ Bờ Sông, phường Vĩnh Trại, TP.Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Về quy trình tôi đã làm đầy đủ”.
Cũng theo bà Ánh thì số lợn trên bà Thu tự nuôi tại nhà, địa điểm kiểm tra tại chuồng trại nhà bà Thu đúng theo lô hàng đã có giấy xét nghiệm số 7438 của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương. Tuy nhiên, theo lãnh đạo phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn, tại biên bản ghi lời khai chủ hàng Ngô Thị Thu khai nhận: " Đối tượng mua 35 con lợn từ Hải Hậu (Nam Định) vận chuyển đến Lạng Giang (Bắc Giang) không có bất cứ loại giấy tờ gì. Đến đây, đối tượng lại dùng phiếu xét nghiệm của lô hàng cũ đề làm hồ sơ trình cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng này".
Kết quả xét nghiệm lô hàng 35 con lợn của chủ hàng Ngô Thị Thu bị nhiễm dịch tả lợn Châu Phi.
Cũng theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an tỉnh Lạng Sơn, sau khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch cho lô hàng trên xuất đi Lạng Sơn, kiểm dịch viên Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang đã không kiểm tra thực tế số lợn lên xe và không trực tiếp buộc dây kẹp chì.
“Lời khai của đối tượng cho thấy, do không có cán bộ kiểm dịch ở đó nên nửa đêm chủ hàng chỉ cho 35 con lên xe, 3 con không đủ trọng lượng nên để lại, sau đó người nhà tự buộc dây kẹp chì” – Phòng CSMT Công an Lạng Sơn cho hay.
Từ những thông tin, tài liệu mà PV Dân Việt thu thập được, có thể nhận thấy nguồn gốc, đường đi của lô hàng gồm 35 con lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi có những dấu hiệu thiếu minh bạch. Phải chăng có sự vô trách nhiệm hay hữu ý tiếp tay của các cơ quan chuyên môn? Để trả lời rõ câu hỏi này, cần sự vào cuộc của Bộ NNPTNT cùng các cơ quan chức năng.
Dân Việt sẽ thông tin tiếp về vụ việc này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.