Báo cáo của Chính phủ về tình hình cho các công ty nước ngoài thuê đất trồng rừng gửi đến các đại biểu Quốc hội hôm 23-10, cho biết: Sau 15 năm "mở cửa" cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư trồng rừng, hiện cả nước có 8 dự án đầu tư vốn 100% nước ngoài với tổng diện tích hơn 290.000ha...
Theo báo cáo của Chính phủ, trong 8 dự án nói trên thì có 1 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản (quy mô thuê 9.777ha tại tỉnh Bình Định); 1 dự án của đầu tư Hàn Quốc (quy mô 671ha tại Bình Phước); 1 dự án của nhà đầu tư Việt kiều Mỹ (diện tích 50ha tại Phú Yên).
|
Các dự án cho doanh nghiệp nước ngoài thuê trồng rừng không mang lại nhiều lợi ích kinh tế (Ảnh minh họa, chụp tại Phù Yên, Sơn La) |
Các tỉnh Nghệ An, Lạng Sơn, Quảng Ninh có 3 dự án do Công ty Green Elite Group Co.,Ltd (DN Trung Quốc đăng ký pháp nhân tại Campuchia) đầu tư. 2 dự án còn lại tại Kon Tum và Quảng Nam do Công ty Innov Green (DN Đài Loan, đăng ký pháp nhân tại Hongkong, Trung Quốc) đầu tư.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc, cả hai pháp nhân được thành lập tại Campuchia và Hongkong nói trên đều trực thuộc Tập đoàn Innov Green có trụ sở tại Đài Loan, Trung Quốc. Tổng diện tích đất dự kiến triển khai trồng rừng của tập đoàn này tại 5 dự án ở VN lên đến 328.800ha. Trong đó, tổng diện tích đã cấp phép cho tập đoàn này khoảng 264.848ha, chiếm 87% tổng diện tích rừng đã cho nước ngoài thuê (!).
Theo báo cáo, tổng số vốn đầu tư trên giấy tờ của các dự án là gần 287 triệu USD. Trong khi số vốn đã giải ngân hiện chỉ đạt 22,7 triệu USD (tức chỉ chiếm 8,43%). Điều đáng quan ngại nhất là hiện nay, mới chỉ có hơn 13.800 ha rừng đã trồng, tức chỉ khoảng 6% diện tích rừng đã cho thuê (!).
Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, 8 dự án trồng rừng có vốn đầu tư nước ngoài nói trên hiện chỉ nộp ngân sách khoảng hơn 24,6 tỷ đồng.
Trong đó, riêng dự án trồng rừng tại tỉnh Bình Định (khởi động từ năm 1995) đã nộp hơn 23 tỷ đồng (!)... Hầu hết các dự án đều chưa thu hoạch (triển khai từ 2 - 3 năm) nên đóng góp ngân sách là không đáng kể, chủ yếu là thuế môn bài và thuế thu nhập cá nhân.
Đánh giá nguyên nhân này, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết: Các dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) đã triển khai nhưng chậm và có quy mô thực hiện nhỏ hơn nhiều so với quy mô, diện tích đất dự kiến nêu tại GCNĐT. Nguyên nhân chủ yếu do việc khảo sát, lập dự án chưa kỹ dẫn đến quy mô một số dự án thiếu cơ sở thực tế; khi triển khai diện tích đất cho thuê rời rạc, manh mún…
Báo cáo của Chính phủ cho biết: Đã giao Bộ KH&ĐT xem xét, trình kiến nghị để Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 108 (2006) quy định chi tiết thi hành Luật Đầu tư năm 2005 theo hướng chặt chẽ hơn về thẩm quyền, điều kiện và trình tự thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng nhiều diện tích đất, dự án trồng rừng…
Đặc biệt, Nghị định sửa đổi, bổ sung sẽ bổ sung quy định mới: Phải có ý kiến chính thức của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (hoặc cơ quan quốc phòng, an ninh địa phương) trước khi cấp phép...
Ngoài ra, trước những lo ngại về an ninh biên giới đằng sau các dự án này, báo cáo Chính phủ cũng nhấn mạnh: Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ điều chỉnh theo hướng thu hẹp diện tích các dự án trồng rừng khu vực có liên quan hoặc có khả năng ảnh hưởng tới quốc phòng, an ninh.
Quốc Huy (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.