Nằm phía Tây dãy núi Hồng Lĩnh, tọa lạc ngay dưới chân núi Bạch Tỵ là nơi thờ một vị danh nhân rất nổi tiếng: Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ, vị quan Ngự sử ở ba triều vua đầu thời Lê (1428 - 1527). Tại đền thờ ông hiện còn lưu giữ nguyên vẹn những di vật như: Áo, mũ, cân đai phẩm phục lúc sinh thời ông sử dụng, cùng đạo sắc phong của các triều vua.
Bùi Cầm Hổ - Làm quan nhờ tài xử án
Bùi Cầm Hổ (1390 - 1483) là con trai thứ ba của cụ Bùi Tôn Đường, sinh sống tại chân núi Bạch Tỵ, xã Độ Liêu (nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).
Theo sử sách, năm 1390, khi mẹ ông là Bạch Thái Bà trở dạ, quanh nhà nghe tiếng hổ gầm, người thân sang chùa bên cạnh thỉnh cầu nhà sư, được phán là điềm lành. Cậu bé mới sinh sau đó được gia đình đặt tên là Bùi Cầm Hổ, nghĩa là họ Bùi bắt được hổ.
Từ nhỏ, Bùi Cầm Hổ đã có tướng mạo phi phàm, học hành thông minh, sáng dạ, tính tình ngay thẳng. Kỳ vọng vào con trai, bố mẹ sớm cho ông ra kinh đô Thăng Long học tập để dùi mài kinh sử. Bấy giờ, ở Thăng Long, một lái buôn làm ăn xa, lâu ngày về nhà.
Người vợ mừng vui, bèn mua lươn nấu canh cho chồng ăn. Người chồng ăn xong, lăn đùng ra chết. Nhà chồng nghi ngờ cô vợ ngoại tình, sợ chồng phát hiện nên ra tay sát hại. Họ thưa kiện lên quan hữu ty, người vợ bị tống giam vào ngục, chờ ngày xét xử.
Tin về vụ án lan ra khắp kinh thành, Bùi Cầm Hổ nghe được. Xuất thân con nhà nông, ông ngờ rằng có sự khuất tất ở mấy con lươn, nên nói với bạn đồng môn: "Án này, nếu tôi là pháp ty, ắt xử ra". Chẳng ngờ, lời của thư sinh họ Bùi đến tai quan hữu ty. Đang lúc chưa tìm được lối ra, quan lập tức mời ông đến phá án.
Nhận lời quan, Bùi Cầm Hổ nhờ người đi mua những con lươn vàng lẫn đen, cổ có chấm lốm đốm, hay ngóc đầu lên ba đến bốn tấc. Khi lên công đường, Bùi Cầm Hổ cho làm thịt những con lươn đó nấu cháo rồi cho chó (có tư liệu ghi nấu cho tử tù). Kết quả, sau khi ăn xong chó sùi bọt mép và chết.
Lúc này, ông mới thưa rằng có một loài rắn tên là hoàng xà trông giống lươn khiến người bán lẫn người mua đều rất dễ nhầm. Người phụ nữ kia thương chồng mua lươn về nấu cháo bồi bổ nhưng do không hiểu biết nên mua nhầm rắn độc về nấu canh khiến anh chồng trúng độc tử vong.
Quan tòa biết góa phụ bị oan nên tha bổng. Bùi Cầm Hổ phá được vụ án hóc búa, cứu được người dân vô tội.
Sau khi minh oan cho người phụ nữ kia, chuyện vụ án bát canh lươn được truyền tai đến tận triều đình, vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) sau khi nghe tấu trình về cậu học trò giải án oan thì rất phục. Nhà vua đã mời Bùi Cầm Hổ vào triều trọng thưởng, đặc cách ban cho chức quan Ngự sử, dù thời điểm đó ông chưa thi đỗ.
Một lòng vì nước, vì dân
Bùi Cầm Hổ là vị quan thanh liêm, chính trực. Ông làm quan 30 năm dưới 3 triều vua đầu thời Hậu Lê (Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông), 2 lần đi sứ sang nhà Minh làm rạng danh đất nước, đồng thời cũng là người có công đi dẹp loạn ở biên giới và đi thị sát ở châu xa và hơn 2 năm trấn thủ ở Lạng Sơn.
Theo các ghi chép, thời Lê Thái Tổ, Bùi Cầm Hổ được xem là một trong hai vị khai quốc công thần và đã được cử làm thái sư dạy học cho con trưởng của Lê Lợi là vua Lê Thái Tông; con gái Bùi Cầm Hổ cũng được tiến cung trở thành Bùi Quý Phi, vợ của vua Lê Thái Tông, sinh ra cung vương Lê Khắc Xương.
Sau khi Lê Lợi qua đời, vua Thái Tông lên ngôi lúc mới 11 tuổi, Đại Tư đồ Lê Sát làm phụ chính, ỷ thế khai quốc công thần, chuyên quyền, có nhiều quyết định trái ý vua, không theo di chiếu của Lê Thái Tổ.
Lê Sát đã cố tiến cử với vua Thái Tông các gian thần như: Trình Hoàng Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư. Những nhân vật này từ thời Lê Thái Tông đã có công về phe với Lê Sát để vu cáo Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn nhưng vua Thái Tổ đã có lệnh cấm những người đó tham dự triều chính.
Lúc đó Bùi Cầm Hổ và Nguyễn Thiên Tích đã thẳng thắn can vua Lê Thái Tông nên theo lời di huấn của cha. Vua Thái Tông nghe theo, cương quyết giữ phép tắc của Lê Thái Tổ, không phục chức cho những người này.
Vì vậy Lê Sát ghét Bùi Cầm Hổ. Ông bị đổi ra làm An phủ sứ trấn Lạng Sơn. Thủ đoạn trù dập của Lê Sát là thế ông vẫn không vì thế lấy đó mà nản chí.
Khi vua Lê Thái Tông lớn lên, biết được âm mưu của Lê Sát nên cùng các quan kìm hãm quyền lực của tể tướng, bãi chức rồi xử tử năm Đinh Tỵ (1437). Bùi Cầm Hổ được triệu về kinh đô làm Ngự sử trung thừa. Bùi Cầm Hổ một lần nữa can gián vua không nên áp dụng hình phạt đó đối với một đại thần từng là phụ chính vốn là khai quốc công thần.
Ông tâu vua: "Tội của Sát đáng xử tử, nhưng đã là đại thần mà lại đem xác đi rao làm nhục, sự rằng để tiếng chê cười cho đời sau". Vua Thái Tông nghe theo, cho Lê Sát được tự tử ở nhà. Vua khen Bùi Cầm Hổ là người trọng nghĩa, cương trực. Hành động cao cả này của ông được Phan Huy Chú đánh giá cao: "Bùi Cầm Hổ là người lấy thẳng để báo oán, như thế thật hiếm có trong thiên hạ".
Trong việc chọn cộng sự ông cất nhắc trước hết những người trung trực kiên quyết dám nói sự thực bảo vệ lẽ phải. Tiêu biểu là việc tâu xin nhà vua đề bạt Trần Hiển làm Thị Ngự Sử bởi ông nhận thấy thái độ cương trực thẳng thắn của Trần Hiển đã dám dâng sớ tố cáo Lê Hiệu là viên Tổng quản cậy mình có uy quyền cho lấp đoạn sông mà thuyền bè thường qua lại thuận tiện để làm của riêng.
Tài đức của Bùi Cầm Hổ ngày càng được triều thần mến mộ, cũng có người muốn lợi dụng lời lẽ của ông để chống nhau, nhưng Bùi Cầm Hổ không bị mắc lừa. Các vua Lê thời ông phụng sự ngày càng nhận rõ vai trò can gián đúng đắn của quan Ngự sử trung thừa Bùi Cầm Hổ, càng tin cậy ông.
Về sau này, vua Lê Thánh Tông hiểu rõ những oan sai của Nguyễn Trãi, của Bùi Cầm Hổ, đã ra sắc dụ giải oan cho ông cũng như giải oan cho Nguyễn Trãi và nhiều vị quan trung thần khác.
Đời vua Lê Nhân Tông, ông kiêm làm Đồng tri Tây Đạo, rồi được thăng làm Tham tri chính sự.
Bùi Cầm Hổ cũng được sử sách đánh giá là nhà ngoại giao có tài. Mùa Đông năm 1438, ông được phong chức Phó sứ sang nhà Minh bàn việc biên giới. Bấy giờ, quan tổ châu Tư Lãng phủ Thái Bình (thuộc Quảng Tây ngày nay) nổi loạn, Bùi Cầm Hổ đã sang tố cáo vua Minh việc viên quan này định vượt biên lấn chiếm đất đai Đại Việt, giải quyết ổn định vùng biên.
Được dân thờ làm phúc thần
Bùi Cầm Hổ còn có nhiều công lao với quê hương làng xóm. Năm 1459, khi đã 70 tuổi, Bùi Cầm Hổ về trí sĩ ở quê nhà tại xã Độ Liêu (nay là phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) sống tuổi già. Về quê, chứng kiến vùng đất quê hương khí hậu khắc nghiệt, đồng ruộng khô cháy vì không có nước, trong khi chỉ cần một trận mưa là nước trên núi đổ về ngập trắng đồng.
Tìm hiểu, cất công lên núi biết rõ sự tình, sau đó ông vận động dân làng đắp một bờ đá chắn dòng Thác Bạc và đào một khe sâu dẫn nước về đồng ruộng. Nhờ đó trên một nghìn khoanh ruộng của cả một vùng rộng lớn đã có nước, đồng ruộng lúa khoai tươi tốt, và dân làng khai khẩn thêm được đất hoang. Nhờ công của Bùi Cầm Hổ mà vùng đất Độ Liêu trở nên trù phú, người dân ấm no vì liên tiếp được mùa nên ai cũng ghi lòng tạc dạ công lao to lớn của ông.
Năm 1483, Bùi Cầm Hổ mất, thọ 93 tuổi, được triều đình phong là Thượng đẳng phúc thần. Đền thờ ông được người dân lập ngay bên hữu ngạn ngọn khe Vẹt trước chân núi Bạch Tỵ trong dãy núi Hồng nhân dân cả vùng quen gọi là đền Đô Đài: "Tháng Giêng Đô Đài, tháng Hai Hương Tích".
Đền thờ xưa khá đồ sộ, trong đền có đủ các loại đồ tế khí, nghi trượng. Trước cửa hai ông phỗng to gần bằng người lớn, tóc tết hai xoáy, chắp tay quỳ gối kính cẩn nghiêm trang.
Trong hai cuộc chiến tranh, ngôi đền bị bom đạn phá huỷ. Hoà bình lập lại, nhân dân địa phương tự nguyện đóng góp lập lại ngôi đền mới. Ngôi đền hiện có 3 tòa nhà Thượng, Trung và Hạ điện hướng Đông Nam. Trong đền hiện có đủ các loại đồ tế khí, nghi trượng, hoành phi…
Điều đặc biệt đền thờ Đô Đài Bùi Cầm Hổ hiện còn lưu giữ nguyên vẹn những di vật như: Áo, mũ, cân đai phẩm phục lúc sinh thời ông sử dụng... Trong đó, có 28 đạo sắc phong của các triều vua, chúa ban cho Đô Đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ.
Năm 1992, đền thờ Bùi Cầm Hổ được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Hàng năm, ngày 12 tháng Giêng, đại lễ hội và lễ tế đền Đô Đài được nhân dân Đậu Liêu và các vùng xung quanh, cùng con cháu họ Bùi tổ chức trang nghiêm, kính cẩn. Lễ hội Đô đài còn gọi là "Lễ Báo Ân", là một trong những lễ hội lớn từ xưa ở xứ Nghệ để tưởng nhớ công ơn của quan Ngự sử Bùi Cầm Hổ.
Đền thờ Đô đài Ngự sử Bùi Cầm Hổ cũng là địa chỉ đỏ để các trường học tại thị xã Hồng Lĩnh và các vùng lân cận đến tham quan, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Thầy Đinh Hữu Tài - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Đậu Liêu cho biết: "Hằng năm, cùng với người dân, chính quyền địa phương, nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh lao động giữ gìn vệ sinh khu di tích. Đầu năm học, chúng tôi cũng chọn đây là địa chỉ tham quan cho học sinh, qua đó giới thiệu cho các em về lịch sử địa phương, văn hóa cũng như con người Hồng Lĩnh. Từ những lớp học lịch sử sinh động như vậy càng bồi đắp thêm cho các em niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước".
Hằng năm, cùng với con cháu trong dòng họ thì chính quyền địa phương cũng thường xuyên huy động các nguồn lực xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo, phục dựng và sưu tầm các hiện vật. Đồng thời giữ gìn bản sắc văn hóa qua các lễ báo ân và số hóa 100% các sắc phong để lưu giữ muôn đời cho con cháu mai sau - Bà Trần Thị Kiều Khánh (Phó Chủ tịch phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.