Lịch sử nước ta từng xuất hiện những nữ tướng kiệt xuất, lập nhiều chiến công, khiến kẻ thù bao phen khiếp sợ. Trong đó, bà Phạm Thị Uyển được sử sách ghi nhận là hoàng hậu duy nhất từng cầm quân đánh giặc.
Bà Phạm Thị Uyển - Hoàng hậu của Mai Hắc Đế
Theo sử sách và thần tích của đình làng Hòa Mục (Cầu Giấy, Hà Nội) nơi bà được tôn thờ làm thành hoàng thì bà Phạm Thị Uyển quê ở quận Nam Xương (Hà Nội ngày nay), có bố là ông Phạm Huyên, còn mẹ là Phùng Thị Thảo. Bà Thảo là em của Phùng Hạp Khanh.
Ông Phùng Hạp Khanh chính là thân phụ của Bố Cái Đại vương Phùng Hưng - vị vua quê ở làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) từng có công lãnh đạo nhân dân, đánh đuổi quân Đường xâm lược, giúp nước ta giành được độc lập trong một thời gian.
Huyền tích cho biết, gia đình ông Phạm Công vốn ăn ở phúc đức nhưng lại muộn đường con cái nên ông bà ngày đêm đến chùa cầu cúng. Sau này, bà mang thai và đồng sinh một lúc 3 người con, gồm một gái hai trai. Phạm Thị Uyển là chị cả, tiếp đến là 2 em Phạm Miện và Phạm Huy.
Hai người em bà sau này đều là các danh tướng trong cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng chống lại nhà Đường đô hộ. Còn Phạm Thị Uyển nổi tiếng xinh đẹp, năm 18 tuổi bà được gả cho Mai Thúc Loan (vua Mai Hắc Đế sau này).
Theo "Việt sử tiêu án", Mai Thúc Loan quê gốc ở Hà Tĩnh, sau di cư sang làng Hương Lãm, huyện Nam Đường, nay là thị trấn Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông vốn mồ côi cha từ nhỏ, lớn lên cùng mẹ, có sức khỏe hơn người, học giỏi, có chí lớn.
Lớn lên trong cảnh đất nước bị đô hộ, sưu cao, thuế nặng, căm giận trước chính sách bóc lột của nhà Đường, khoảng năm 713, Mai Thúc Loan cùng hào kiệt trong vùng dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi kẻ thù xâm lược ở vùng Nam Đàn, Nghệ An. Cuộc khởi nghĩa sau đó nhanh chóng lan rộng ra nhiều vùng cả nước. Đến khoảng tháng 4 năm 713, Mai Thúc Loan lên ngôi vua, lấy hiệu là Mai Hắc Đế.
Bấy giờ, vì mến phục tài năng của Mai Thúc Loan, Phùng Hạp Khanh đã đem cháu gái của mình là Phạm Thị Uyển gả cho Mai Thúc Loan. Nhờ đó, đã tạo nên mối lương duyên lịch sử này.
Cầm quân đánh giặc
Sau khi về nhà chồng, Phạm Thị Uyển cùng với vợ cả của Mai Thúc Loan là Đinh Ngọc Tô chung vai gánh vác, lo toan chia sẻ niềm vui, nỗi lo với ông. Vốn là người có chí khí, văn võ song toàn, am hiểu binh thư, sách lược đánh trận, bà thường bàn luận giúp việc cơ mật cho chồng.
Bấy giờ, quân Đường thua trận nhưng không chịu bỏ mộng xâm lăng nước ta một lần nữa. Bởi vậy, nhà Đường sai Dương Tư Húc và Quang Sở Khách mang 10 vạn quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan.
Thế giặc mạnh làm cho đội quân gồm những nông dân khởi nghĩa phải lui dần, qua nhiều trận đánh, vì yếu thế, Mai Hắc Đế rút hết quân về Hoan Châu. Riêng Hoàng hậu Phạm Thị Uyển vẫn ở lại đánh giặc, chặn đường truy kích của chúng.
Trong trận quyết chiến ở phủ Tống Bình, Hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã dẫn một cánh quân, đem binh thuyền bày trận trên sông Tô Lịch. Bấy giờ, Tô Lịch vẫn đang là một nhánh của sông Hồng và cũng là mặt án ngữ phía Tây của thành Đại La. Tại đây, nghĩa quân của Hoàng hậu Phạm Thị Uyển đã giao tranh, chiến đấu ác liệt với kẻ thù.
Tuy nhiên, do chênh lệch về lực lượng, dù chiến đấu dũng cảm nhưng cuối cùng, nghĩa quân do bà chỉ huy bị đánh tan vỡ. Thế cùng lực kiệt nhưng quyết không để rơi vào tay giặc, bà Phạm Thị Uyển cùng số ít binh tướng còn lại đã nhảy xuống sông Tô Lịch tự vẫn vào khoảng tháng 7/722.
Sau khi tuẫn tiết, xác bà trôi dạt đến địa phận trang Nhân Mục (nay là làng Hòa Mục - Cầu Giấy - Hà Nội) được nhân dân lén vớt lên chôn cất rồi lập đền thờ, phụng tôn là Ả Đại Nương. Đó chính là đền Dục Anh ngày nay. Ngôi đền quay mặt ra sông Tô Lịch ở đoạn gần cầu Trung Hòa.
Đến thế kỷ XV, khi nghĩa quân Lam Sơn thực hiện tổng công kích quân Minh xâm lược. Trong một lần hành quân Lê Lợi có nghỉ qua đêm ở miếu Dục Anh - nơi thờ bà Phạm Thị Uyển. Sau khi lên ngôi, vua Lê Thái Tổ đã sắc phong cho bà làm Khiêm Sung đại vương.
Ngày nay dân làng Hòa Mục thờ cả 3 chị em bà ở đình làng, tôn ba chị em bà làm Thành hoàng làng. Vào tháng 8 hằng năm lại tổ chức hội lớn để tưởng nhớ những anh hùng đánh giặc giữ nước.
Có thể thấy, trong lịch sử phong kiến Việt Nam, nữ tướng đánh giặc theo truyền thống Bà Trưng, Bà Triệu không hiếm. Có thể kể đến những nữ tướng tiêu biểu như Lê Chân, Nguyễn Thị Bành, Bùi Thị Xuân…
Đến thời Tây Sơn, lịch sử nước ta còn có thêm một bà Hoàng hậu chính cung khác cũng giỏi trận mạc, từng cầm quân đánh trận, được sử sách ghi chép là bà Bùi Thị Nhạn - Hoàng hậu chính thất của vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) nhưng khác với bà Phạm Thị Uyển, bà Nhạn chỉ cầm quân khi bà chưa làm vợ vua Quang Trung. Sau khi xuất giá, bà đã rời bỏ quân ngũ để chăm lo việc hậu cung. Do đó, bà Phạm Thị Uyển trở thành hoàng hậu duy nhất từng cầm quân đánh giặc khi còn tại vị đã được sử sách ghi chép lại.
Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trước khi tuẫn tiết, bà Phạm Thị Uyển cũng chính là hoàng hậu duy nhất trong sử Việt được ghi nhận hy sinh trên chiến trường, trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược, bảo vệ nước nhà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.