Lễ hội rước sinh thực khí nam ở Lạng Sơn, Việt Nam
Lễ hội Ná Nhèm hay lễ hội rước sinh thực khí nam ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn, diễn ra vào 15 tháng Giêng hàng năm, với ý nghĩa cầu an, cầu mùa màng tươi tốt cho một năm mới.
Nếu như trước kia, ngày hội được tổ chức 3 năm một lần, thì sau này đã duy trì mỗi năm và được chính thức công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể quốc gia vào năm 2015.
Nét đặc biệt nhất trong ngày hội chính là đám rước lễ vật "tàng thinh" mô phỏng "bộ phận nhạy cảm" của phái mạnh và "mặt nguyệt" tượng trưng cho bộ phận sinh dục nữ khiến nhiều du khách "ngượng đỏ mặt".
Được biết, "tàng thinh" là linh vật của người đàn ông, được làm bằng gỗ với chiều dài hơn 1m, đường kính hơn 40cm, được bọc kín trong đình trước khi đem ra làm lễ.
Mỗi năm, "tàng thinh" và "mặt nguyệt" đều được làm mới, thậm chí có sự thay đổi liên tục cả hình dáng lẫn kích thước. Theo người dân địa phương, khi hai linh vật này giao hòa sẽ tạo ra sự bình an, sinh sôi trong cuộc sống. Tới cuối ngày, những vật cúng tế này được đem đốt.
Lễ hội rước "của quý" ở Nhật Bản
Honen-sai là lễ hội phồn thực nổi tiếng, tổ chức hàng năm vào ngày 15/3 tại Nhật Bản. Nổi tiếng hơn cả là ngày hội "rước của quý" diễn ra tại thành phố Komaki, tỉnh Aichi.
Ngày hội được tổ chức để người dân cầu nguyện cho một năm mới mùa màng bội thu, làm ăn phát đạt. Những năm gần đây, lễ rước thu hút rất đông khách quốc tế, với điểm nhấn là hoạt động chở hình tượng "của quý" khổng lồ bằng gỗ đẽo từ cây bách, tới ngôi đền Shinmei Sha nằm tọa lạc trên đồi cao.
Tượng mô phỏng bộ phận nhạy cảm của phái mạnh có thể nặng tới 400kg, đường kính hơn 100cm, được hơn chục người đàn ông cùng nhau vác lên đền. Đám rước tới đâu đều nhận được sự hưởng ứng của người dân và du khách đứng hai bên đường.
Lễ hội tôn vinh "của quý" ở Hy Lạp
Từng một thời gian bị cấm ở Hy Lạp vì cho rằng đi ngược lại tiêu chuẩn đạo đức của con người, ngày nay, lễ hội này đã trở nên rất nổi tiếng, tổ chức vào ngày thứ 2 đầu tiên của mùa ăn chay tại thị trấn Tirnavos. Ngày hội phồn thực này vốn để tôn vinh vị thần của rượu.
Theo người dân địa phương, người tham gia sẽ diễu hành với chủ đề chính là "bộ phận nhạy cảm", thưởng thức món ăn mô phỏng hình "của quý" và chơi đùa cùng trò chơi liên quan tới bộ phận sinh sản này, với hi vọng cầu mong năm mới nhiều sinh sôi, nảy nở.
Lễ hội "dương vật thép" ở Nhật Bản
Được tổ chức vào ngày chủ nhật đầu tiên của tháng 4 hàng năm, lễ hội Kanamara (Lễ hội dương vật thép) là một trong những ngày độc lạ nhất trên thế giới.
Được biết, đây là ngày lễ để thờ vị tổ nghề rèn sắt thép - vị thần có công chế tác ra các mô hình sinh thực khí nam, tiêu diệt ma quỷ chuyên quấy nhiễu chọc ghẹo các cô gái trẻ.
Ngày hội ra đời từ thế kỷ 17 khi các kỹ nữ tới đền để cầu xin tránh các bệnh tình dục. Trong khuôn khổ lễ hội, người dân sẽ rước kiệu có hình "của quý" khổng lồ trên đường phố với sự tham dự các nam thanh nữ tú. Người tham gia rước kiệu đều mặc trang phục kimono truyền thống, đưa kiệu chính vào khu đền chính.
Ngày nay, lễ hội này được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về an toàn tình dục và gây quỹ cho các hoạt động nghiên cứu HIV.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.