Đỗ Thanh Nhơn – cái chết của vị dũng tướng "Gia Định tam hùng"

Thứ sáu, ngày 29/06/2018 19:33 PM (GMT+7)
Đỗ Thanh Nhơn là vị dũng tướng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Ánh. Cùng với Võ Tánh, Châu Văn Tiếp, ông là một trong “Gia Định tam hùng”.
Bình luận 0

Đạo quân Đông Sơn

Nhà nghiên cứu Huỳnh Minh trong Gia Định xưa và nay cho hay, Đỗ Thanh Nhơn là người võ nghệ cao cường, làu thông binh pháp. Thế nên không ngạc nhiên  khi xông pha xa trường, tướng họ Đỗ thường “ca khúc khải hoàn”.

Trưởng thành giữa thời loạn lạc đất Đàng Trong, thấy cảnh loạn thần Trương Phúc Loan một tay khuynh loát triều đình, quyền thế chúa Nguyễn ngày một suy yếu, lại thêm Tây Sơn nổi dậy làm cho chúa phải một phen lưu lạc; vốn sẵn là kẻ anh hùng trí lớn, Đỗ Thanh Nhơn liền một tay chiêu binh mãi mã, tổ chức nghĩa binh, mưu làm việc lớn.

img

Mộ Đỗ Thanh Nhơn ở Bình Dương.

Địa điểm được chọn làm căn cứ là vùng đất Ba Giồng thuộc tỉnh Định Tường. Danh tiếng họ Đỗ từ ấy vang xa và được mọi người kiêng nể.

Vốn có chí phò giúp chúa Nguyễn mà ông cho là chính danh nên ngay buổi đầu dựng nghiệp, Đỗ Thanh Nhơn đã đặt tên đạo quân của mình là Đông Sơn để tỏ rõ lập trường đối địch với quân Tây Sơn của anh em Nhạc, Huệ.

Cứu chúa – lập đại công

Ban đầu ông theo chúa Nguyễn là Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) làm thuyền Hữu đội trưởng. Nhưng người đã chiêu dụ họ Đỗ về làm nha tướng cho chúa Nguyễn lại chính là Nguyễn Phúc Ánh. Việc này được miêu tả tường tận qua Điếu cổ hạ kim thi tập, như sau:

Năm 1771, anh em Tây Sơn hiệu triệu dân chúng: “Đánh đổ Trương Phúc Loan và ủng hộ Hoàng tôn Dương, lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo”, để phất cờ khởi nghĩa. Quân khởi nghĩa ngày càng lớn mạnh, đánh chiếm nhiều nơi thuộc quyền kiểm soát của chúa Nguyễn.

Năm 1775, bị quân Tây Sơn và tướng Bắc Hà là Hoàng Ngũ Phúc rượt đuổi, chúa Nguyễn Phúc Thuần chạy đến Trấn Biên, rồi ra lệnh triệu tướng Tống Phước Hiệp. Nhưng vì quân cứu viện không đến kịp, nhân cơ hội, Đỗ Thanh Nhơn gọi Nguyễn Huỳnh Đức, Trần Búa, Đỗ Vàng, Đỗ Kỵ, Vũ Nhàn, Đỗ Bảng… cùng họp binh ở Ba Giồng được hơn 3000 người, xưng là “Đông Sơn thượng tướng quân”, rồi đi cứu giá.

Từ Ba Giồng, Đỗ Thanh Nhơn đưa quân đánh úp quân Tây Sơn do Nguyễn Lữ chỉ huy, thắng luôn mấy trận. Nguyễn Lữ biết không địch nổi, lấy thóc trong kho chở hơn hai trăm thuyền chạy về Quy Nhơn.

Đỗ Thanh Nhơn lấy lại được Gia Định (lần thứ nhất) bèn đón chúa Nguyễn Phúc Thuần trở lại. Do lập được đại công, Đỗ Thanh Nhơn được chúa Nguyễn cho giữ chức chưởng dinh, phong tước Phương quận công.

Tướng sĩ quân Đông Sơn đều được ban thưởng theo thứ bậc.

Bấy giờ, có viên tướng đi theo Tống Phúc Hiệp là Lý Tài, gốc người Hoa, chỉ huy đạo Hòa Nghĩa quân, trước khi tham gia phong trào Tây Sơn từng kiếm sống bằng nghề buôn bán.

Đi với Tây Sơn một thời gian, Lý Tài, từng làm phó tướng cho Nguyễn Huệ, nhưng do nhiều phen bại trận, thay vì quyết chí lập công, Lý Tài lại tỏ ra bất mãn. Tướng của chúa Nguyễn ở Phú Yên biết rất rõ điều này nên đã chiêu hàng được Lý Tài.

Chúa Nguyễn Phúc Thuần muốn thu dùng Lý Tài, nhưng Đỗ Thanh Nhơn vì muốn tranh giành địa vị nên nói: Lý Tài chẳng qua cũng chỉ là loài chó, loài heo, có dùng cũng vô ích mà thôi.

Bởi lời này, Lý Tài kết oán với Đỗ Thanh Nhơn. Đến khi Tống Phúc Hiệp mất, Lý Tài lo Đỗ Thanh Nhơn làm hại mình, bèn đem thuộc hạ chiếm giữ núi Châu Thới chống lại Thanh Nhơn.

Một lần Lý Tài đem quân đánh úp quân Đông Sơn. Thanh Nhơn chống cự không nổi, phải đắp lũy từ sông Bến Nghé đến Bến Than để cố thủ.

(còn nữa)

Nguyễn Trung Thành (Khoa học & Đời sống)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem