Muôn nẻo… thất nghiệp
Ngày 25.8, có mặt tại Trung tâm Giới thiệu việc làm thành phố ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) – cũng là điểm đăng ký thất nghiệp, dù chưa đến 7 giờ nhưng lượng người chờ ngoài cổng đã lên đến vài chục.
Chị Nguyễn Thị Tuyền, quê Thanh Hoá, cho hay, chị vừa nghỉ việc tại Công ty Tosok ở KCX Tân Thuận, quận 7 vì thu nhập không đủ chi tiêu hàng ngày khi phải “gánh” thêm 1 đứa em nữa ở quê vào học.
|
Đăng ký Bảo hiểm thất nghiệp ở quận Bình Tân, TP.HCM ngày 25.8. |
Cô công nhân này còn tiết lộ, đã đi làm ngay tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Văn Linh, quận 7, nhưng vẫn đến đăng ký thất nghiệp vì “tội gì không đi đăng ký để lãnh tiền BHTN”. Nếu việc đăng ký “thuận lợi”, Tuyền sẽ rủ thêm vài người bạn nghỉ việc để được… đăng ký thất nghiệp.
Ông Nguyễn Cao Thắng – Trưởng phòng Đăng ký thất nghiệp TP.HCM cho hay, 8 tháng qua đã có tới 79.291 người đăng ký thất nghiệp, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tổng số tiền BHXH đã chi trả là hơn 225,5 tỷ đồng. Tính bình quân 300-500 người đăng ký thất nghiệp/ngày - con số khủng khiếp và gây quá tải cho nhiều điểm đăng ký ở thành phố.
Tại Hải Phòng, ngày 25.8, Phòng đăng ký BHTN thành phố cũng chật ních người đến đăng ký. Chị Vũ Thị Hoa (huyện An Dương) băn khoăn: “Nhà neo người nên em phải nghỉ việc ở KCN Numora Quán Toan để trông con. Đây là lần đầu tiên em đăng ký BHTN. Chờ nhận tiền trợ cấp này xong thì em đi tìm công việc nào đó vừa phải để trông nom bọn trẻ”.
Bà Vương Thị Phương Thúy - Phó trưởng phòng Đăng ký thất nghiệp thông tin: “Có ngày, hàng trăm công nhân của một công ty vừa phá sản đi làm BHTN khiến chúng tôi làm việc không xuể”. Số đăng ký BHTN ở Hải Phòng tới nay là 3.375 người, gấp đôi cả năm 2010.
Coi chừng lạm dụng
Về số người đăng ký BHTN tăng đột biến, ông Võ Năm – Trưởng phòng Đăng ký thất nghiệp quận Bình Tân (TP.HCM) cho rằng, do các chính sách đã được thông, điều kiện hưởng BHTN dễ dàng.
Chẳng hạn ở TP.HCM, cơ quan BHXH thành phố phối hợp một ngân hàng để làm thủ tục liên hoàn cho lao động: Người lao động đến trung tâm nhận quyết định hưởng BHTN đồng thời nhận luôn thẻ BHYT, thẻ ATM có số tiền hưởng BHTN trong đó. Vì vậy, người lao động đỡ phải chạy đi chạy lại.
Ông Vũ Trung Chính – Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết: Nếu như năm 2010 có 4.192 người đăng ký BHTN thì chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2011 đã có 6.482 người đăng ký BHTN. Theo ông Chính, có rất nhiều nguyên nhân số người đăng ký BHTN tăng cao, trong đó có sự tác động của suy thoái kinh tế, lãi suất cao… nhiều doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản nên lao động thất nghiệp.
Tuy nhiên, “ẩn” đằng sau đó còn là thực tế các doanh nghiệp đang hết sức khó khăn, phải cắt giảm lao động. Và còn thực tế nữa là người lao động lạm dụng chính sách.
Bà Bùi Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm (Sở LĐTBXH Hải Phòng) cho biết: Theo quy định, người lao động khi có đủ 12 tháng đóng BHTN sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp khi nghỉ việc. Do đó, những công nhân muốn nhảy việc ồ ạt đi đăng ký, để vừa có việc làm mới, vừa có tiền trợ cấp. Thậm chí có công ty còn cho công nhân nghỉ hàng loạt để được hưởng BHTN rồi quay lại làm tiếp. Biết họ rõ ràng là trục lợi nhưng không xử lý được vì họ vẫn làm đúng luật.
Trong khi đó, cũng có khá nhiều người thất nghiệp thực sự lại không được hưởng chính sách vì doanh nghiệp còn nợ BHXH, chưa thể trả sổ cho lao động. Anh Nguyễn Đức Thông vừa nghỉ việc ở Công ty TNHH Thông Thiên (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay: Do công ty phá sản, anh đã đi đăng ký thất nghiệp và theo hẹn thì 25.8 là hạn cuối cùng anh phải nộp sổ BHXH trong bộ hồ sơ đăng ký. Nhưng tới giờ công ty vẫn chưa trả sổ BHXH cho anh. Không được trả sổ BHXH, coi như việc đăng ký thất bại và anh bị mất quyền lợi.
Phạm Thọ - Bùi Hương - Thanh Xuân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.