Trao đổi với phóng viên NTNN, nhiều chủ trang trại nuôi heo gia công cho Công ty CP thừa nhận, làm ăn với CP, vấn đề con giống, dịch bệnh, thức ăn chăn nuôi và đầu ra sản phẩm không còn là gánh nặng. Chủ trang trại học được thêm kỹ năng quản lý chăn nuôi lớn (quy mô của trang trại nuôi gia công cho CP thông thường từ 600 nái trở lên, mỗi chủ trại phải đầu tư từ 4 tỷ đồng trở lên, chứ không phải tay không hợp tác với doanh nghiệp này). Tuy nhiên, không phải tất cả đều là màu hồng.
|
Nhiều người chăn nuôi đang thua thiệt vì “lỡ” ký hợp đồng với CP (ảnh minh họa). |
Chỉ được cái tiếng "làm ăn lớn"
Trao đổi với phóng viên NTNN vào chiều hôm qua (8.9), anh Lê Văn Tuấn - chủ trang trại lợn quy mô 500 nái ở xã Bình Xuyên (Bình Giang, Hải Dương) bức xúc:
"Nói thẳng với nhà báo, khi ký hợp đồng với CP vào năm 2005, chúng tôi thiếu kinh nghiệm, còn bỡ ngỡ, chỉ mong muốn được làm ăn lâu dài với CP. Nhưng sau một thời gian, chúng tôi mới thấy có nhiều bất cập. Họ có quá nhiều kinh nghiệm, có phần lấn át, lợi dụng cả 2 phía: Lợi dụng chính sách ưu đãi đầu tư của Nhà nước và lợi dụng cả tình thế khó khăn của người chăn nuôi Việt Nam.
Càng ngày chúng tôi càng nhận thức được, mình bị bóc lột, lạm dụng. Chính chúng tôi là người muốn làm ăn lâu dài, chứ không phải họ. Họ không bỏ tiền đầu tư chuồng trại, không phải thuê đất, chủ dùng vốn lưu động đầu tư lấy lời. Nếu có sự cố, họ ra đi, còn chúng tôi ở lại. Nếu xảy ra ô nhiễm môi trường, chính chúng tôi phải chịu trách nhiệm với khu dân cư...".
Cũng theo ông Tuấn, làm gia công cho CP, người chăn nuôi được tiếng là làm ăn lớn, nhưng chỉ "dễ thở" từ năm 2005-2008. Còn từ 2008 đến nay, giá nuôi thuê thấp, nhiều trang trại gia công chỉ từ hòa đến lỗ.
Ông Tuấn chia sẻ: "Trong thời điểm giá thịt heo cao như bây giờ, nếu thật tiết kiệm và chịu khó, tôi cũng chỉ đến mức hòa, không còn lời. Hạch toán sòng phẳng, tôi vẫn lỗ. Theo dự kiến ban đầu, sau 5-7 năm là hết khấu hao, nhưng nếu như theo hợp đồng đã ký với CP mà không có điều chỉnh thì không biết bao giờ tôi mới lấy lại đủ vốn".
Cũng theo ông Tuấn, ở Hải Dương đã có trang trại nuôi gia công cho CP phá sản. Trước câu hỏi tại sao không chuyển đổi cách làm ăn khác, ông Tuấn nói: "Chúng tôi đã lỡ đầu tư tiền tỷ, lỡ ký hợp đồng rồi, đâm lao đành phải theo lao, đau không biết kêu ai giúp được. Vì vậy, chúng tôi dự kiến sẽ lập hiệp hội để cùng tiếng nói, cùng giúp đỡ nhau".
Mất vị thế đàm phán sòng phẳng
Ông Nguyễn Văn Lộc - chủ trang trại lợn (xã Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) cho biết: "Hiện nay trong hợp đồng, Công ty CP vẫn coi chủ trang trại chăn nuôi gia công là đối tác kinh tế. Hợp đồng đưa ra là thế, nhưng bản chất không phải là thế. Chưa nói vấn đề lợi nhuận chia sẻ ra sao, ngay trong hợp đồng đã có các chênh lệch giữa các điều khoản không bình đẳng. Doanh nghiệp đưa ra điều kiện, chủ trang trại có ký thì ký, không ký thì thôi, chứ không chấp nhận đàm phán. Đó là một sự bất công…
Ông Hoàng Văn Hòa - Chủ trại chăn nuôi gia công ở An Lão (Hải Phòng):
Hiện nay những người đang chăn nuôi gia công cho Công ty CP ở 18 tỉnh thành ở miền Bắc đã ký 234 hợp đồng nuôi gia công với Công ty CP. Tính sơ bộ, người chăn nuôi đã huy động để đầu tư vào những trang trại này lên tới khoảng 800 tỷ đồng cộng với khoảng 500ha đất. Đây là lượng vốn đầu tư cơ bản khá lớn mà người chăn nuôi cho Công ty CP "mượn" để làm giàu những năm qua.
Về các khoản hỗ trợ cụ thể như chi phí môi trường, nhân công, Công ty CP cũng hỗ trợ người chăn nuôi chưa tương xứng trong điều kiện trượt giá cao như hiện nay, rất thiệt thòi cho người chăn nuôi. Chúng tôi đề nghị Công ty CP cũng như cơ quan nhà nước hỗ trợ để được chia sẻ lợi nhuận công bằng hơn".
Còn ông Dương Quang Phụng - Giám đốc Công ty TNHH Dương Hoàng (xã Thi Sơn, Kim Bảng, Ninh Bình) cũng cho biết: Năm 2005, ông đầu tư hơn 4 tỷ đồng xây dựng trang trại lợn quy mô 600 nái nuôi gia công cho CP.
Giá gia công khi đó tổng cộng là 137.000 đồng lợn con xuất chuồng là chấp nhận được. Nhưng sau những đợt trượt giá, lạm phát cao những năm gần đây, chỉ riêng lương ông trả cho lao động đã tăng gấp 3 lần (từ 800.000 đồng lên 2.500.000 đồng/người/tháng, chưa kể tiền ăn).
Sau nhiều lần đề nghị, năm 2008, Công ty CP đã tăng giá gia công lên 20.000 đồng/con. Tháng 3.2011, tăng thêm 20.000 đồng nữa. Nhưng mức tăng giá này quá thấp, đến tháng 4.2011, người chăn nuôi tiếp tục đề nghị tăng thêm từ 30.000-50.000 đồng/con để bù chi phí.
"Nhưng công ty chỉ đồng ý tăng 10.000 đồng/con và yêu cầu chúng tôi ký vào phụ lục hợp đồng. Ai ký thì được hưởng, ai không ký thì không được hưởng. Công ty CP không chấp nhận đàm phán".
Ông Phụng cũng cho biết thêm, hiện trang trại của ông chưa hết khấu hao, và hợp đồng làm ăn với CP còn đến năm 2014. "Giờ đây mỗi tháng tôi thu lại khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, nhân công. Nhưng tôi vẫn còn nợ 3 tỷ đồng, mỗi tháng tôi phải trả gốc và lãi hơn 100 triệu đồng". Ở huyện Bình Lục, Hà Nam, có nhiều trang trại nuôi gia công cho CP đang gặp khó khăn, một số chủ trang trại đang từng bước phá sản" - ông Phụng cho biết thêm.
Hoàng Sơn - Gia Tưởng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.