"Đoạn trường" đổi CMND sang thẻ căn cước công dân

Bảo Linh Thứ ba, ngày 17/12/2019 14:53 PM (GMT+7)
Đổi chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân, nhưng thời hạn quá ngắn, vừa đổi xong đã sắp hết hạn, làm thẻ căn cước nhưng vẫn phải giữ thẻ CMND cũ, ... là những bất cập bạn đọc phản ánh về Dân Việt.
Bình luận 0

Phản ánh lên báo Dân Việt, bạn đọc Nguyễn Thanh Xuân (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, cuối năm 2018 chứng minh nhân dân (CMND) của anh hết hạn. Khi đi làm lại thẻ, anh được hướng dẫn chuyển sang thẻ căn cước công dân.

Thẻ căn cước công dân của anh được cấp từ ngày 26/12/2018, tuy nhiên, chỉ có giá trị đến ngày 10/8/2021. Điều này đồng nghĩa anh Xuân sẽ phải làm lại thẻ căn cước khi vừa mới làm hơn 2 năm.

Việc đổi CMND sang thẻ căn cước, buộc anh Xuân phải tốn thêm nhiều thời gian đi đổi, tích hợp thông tin trên các giấy tờ liên quan như thẻ ngân hàng, hộ chiếu.... 

img

Thẻ căn cước của anh Xuân có giá trị chưa đầy 3 năm. Ảnh: NVCC

Anh Xuân cho biết: "Trong khi bạn của tôi ở Thanh Hóa có thể làm thẻ căn cước với hiệu lực lên tới 15 năm thì thẻ căn cước của tôi chỉ có giá trị hiệu lực hơn 2 năm. Thời hạn ngắn nên tôi lại phải phải tốn thời gian, công sức cho việc đổi lại thẻ căn cước mà còn liên quan đến rất nhiều giấy tờ liên quan khác. Nếu chưa có thể làm thẻ căn cước dài hạn thì sao bắt buộc người dân phải đổi ngay như vậy?".

Còn theo anh Mai Phan Lợi (quận Ba Đình, Hà Nội) việc chuyển đổi chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước là một quá trình nan giải.

Chứng minh nhân dân của anh Lợi bị hết hạn. Tháng 4/2019, anh đến Công an quận Ba Đình để làm lại CMND. Anh được thông tin không làm CMND nữa, thay vào đó là làm thẻ căn cước công dân. Anh Lợi làm thủ tục, hồ sơ chuyển đổi CMND sang thẻ căn cước.

“Trong quá trình làm Công an quận phát hiện ra trên sổ hộ khẩu của tôi chỉ ghi năm sinh, không đầy đủ ngày tháng năm sinh như trên CMND. Mặc dù cả 2 giấy tờ này đều do công an Hà Nội cấp nhưng hồ sơ của tôi vẫn không được chấp nhận” – Anh Lợi cho hay.

Để làm được thẻ căn cước, anh Lợi buộc phải đi làm thêm một thủ tục hành chính khác là đính chính hộ khẩu bằng cách tìm lại giấy khai sinh.

“Việc ghi thêm ngày tháng sinh vào sổ hộ khẩu tôi phải mất hơn 1 tuần đi lại. Sau khi làm xong, tôi phải mang sổ hộ khẩu đã đính chính và CMND cũ để làm thẻ căn cước. Khi nhận tờ khai, tôi lường trước sẽ có rắc rối đối với các giấy tờ liên quan CMND cũ và thẻ căn cước mới nên đã đánh dấu vào ô có yêu cầu cấp giấy xác nhận CMND. Đến khi trả kết quả, tôi vẫn không được nhận giấy xác nhận.

Tôi đã hỏi nhưng không nhận được câu trả lời. Vậy nên tôi phải tiếp tục đến để làm thêm thủ tục xin giấy xác nhận CMND” – Anh Lợi chia sẻ thêm.

Về những bất cập trong quá trình thực hiện chuyển đổi CMND sang thẻ căn cước công dân anh Lợi bức xúc: “Các giấy tờ như sổ hộ khẩu, CMND cũ của tôi đều do ngành công an cấp nhưng họ không chấp nhận nên dù đủ dữ liệu nhưng công dân vẫn phải đi lại rất mệt mỏi.

Giờ đây, khi ra ngân hàng, hay làm bất cứ các vấn đề liên quan đến giấy tờ tôi đều phải mang theo CMND cũ, giấy xác nhận CMND. Tôi phải giữ gìn như “bảo bối”.”

Tương tự, bạn đọc Dung cũng có ý kiến gửi về Dân Việt: “Việc thay thế như thế có ảnh hưởng đến các giấy tờ cũ như sổ bảo hiểm xã hội, nhà đất. Trong quá trình này đề nghị cấp xác nhận như thế nào để người dân tiện sử dụng.

Còn một bạn đọc giấu tên cho rằng: “Căn cước của mình chỉ có giá trị 3 năm. Điều này không phù hợp với hộ chiếu hay bằng lái xe đề nghị Bộ Công an nên xem xét lại cho phù hợp”.

Bạn đọc Kiểng Thành bày tỏ: “Nếu làm đại trà đề nghị cho tổ công tác mang theo trang bị xuống địa phương làm sẽ tiết kiệm được tiền bạc, thời gian của dân”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem