Báo cáo tài chính quý 1/2021 của Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) – doanh nghiệp gắn tên tuổi với Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn (đại gia 8X “Tuấn mượt”) báo doanh thu đạt 4.413 tỷ đồng, tăng 26% so với doanh thu 3.527 tỷ đồng cùng kỳ năm 2020.
Trong 3 tháng đầu năm giá vốn bán hàng của doanh nghiệp cũng tăng mạnh từ 2.921 tỷ đồng của quý 1 năm 2020 lên thành 3.898 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Gelex giảm chỉ còn 515 tỷ đồng, trong khi cùng kì đạt 579 tỷ đồng.
Gelex gắn liền với Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn với nhiều thương vụ M&A đình đám
Với hoạt động sản xuất kinh doanh chính, biên lợi nhuận gộp trên doanh thu Gelex đạt 11,7%, giảm so với mức 16,5% của cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, giá trị hàng tồn kho trong quý I tăng hơn 60%, chủ yếu tồn kho nguyên vật liệu và thành phẩm.
Trong quý 1/2021, doanh thu tài chính Gelex tăng vọt lên 206 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ các khoản lãi cho vay, hợp tác đầu tư và kinh doanh chứng khoán. Riêng lãi từ hoạt động kinh doanh chứng khoán lên đến 114 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chưa đến 10 tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm, chi phí tài chính của Gelex cũng tăng mạnh từ 232 tỷ đồng lên thành hơn 304 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là hơn 220 tỷ đồng.
Nhờ quản lý tốt phần chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và phần lãi từ công ty liên kết hơn 126 tỷ đồng, gấp 5 lần cùng kỳ đã giúp lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Gelex đạt 329 tỷ đồng, tăng gần 200 tỷ đồng so với con số 132 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2020.
Doanh nghiệp báo lãi trước thuế 333,6 tỷ đồng, tăng 196 tỷ đồng so với cùng cùng kỳ năm 2020. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, Gelex lãi ròng 291,3 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với số lãi 93,5 tỷ đồng quý 1/2020.
Gelex cũng cho biết đến ngày 5/4, Viglacera chính thức trở thành công ty con của Gelex, khép lại thương vụ thâu tóm kéo dài trong khoảng 2 năm qua.
Tính đến cuối tháng 3, Gelex có tổng tài sản gần 30.000 tỷ đồng. Nhưng doanh nghiệp của đại gia 8X “Tuấn mượt” ghi nợ 21.366 tỷ đồng, tăng hơn 2.400 tỷ đồng so với cuối năm 2020, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 62%.
Vay nợ của Gelex chủ yếu là vay ngân hàng và thông qua kênh phát hành trái phiếu có kỳ hạn. Số vay nợ của Gelex gấp hơn 2,6 lần vốn chủ sở hữu.
Tại báo cáo thường niên 2020, ban lãnh đạo công ty nhấn mạnh định hướng năm 2021 là tiếp tục theo đuổi và đầu tư có hiệu quả trong 2 mảng kinh doanh cốt lõi là sản xuất công nghiệp và hạ tầng. Với mảng sản xuất thiết bị điện, công ty cho biết sẽ tiếp tục duy trì chiến lược củng cố vị thế trên thị trường và mở rộng thị phần.
Với mảng hạ tầng, Gelex đặt mục tiêu hoàn thành và đưa vào vận hành cụm dự án điện gió Hướng Phùng 2, 3 và Gelex 1, 2, 3 trong tháng 10/2021 để được hưởng giá FIT ưu đãi của Chính phủ.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng tiếp tục các thương vụ mua bán, sáp nhập để tăng tỷ lệ sở hữu tại các đơn vị khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.