Doanh nghiệp cùng vượt bão với nông dân

Thứ hai, ngày 18/02/2013 07:24 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với nhiều khó khăn về vốn, dịch bệnh, thị trường xuất khẩu,... năm 2012 đã chứng kiến "sự ra đi" của 300 doanh nghiệp thủy sản và hơn 90% người nuôi cá tra nhỏ lẻ.
Bình luận 0

Những người còn "ở lại" phần lớn đều là nhờ có mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và chưa bao giờ mối liên kết này lại mang tính "cộng sinh" cao như vậy.

Liên kết để tồn tại

Ông Nguyễn Hữu Nguyên, một trong những người nuôi cá tra thâm niên hiếm hoi còn sót lại ở huyện Châu Phú, An Giang cũng vừa quyết định bỏ nghề. "Giá cá xuống quá thấp, gia đình mới thu hoạch 170 tấn cá tra, lỗ hơn 300 triệu đồng. Bây giờ, tôi đã "treo ao" không biết bao giờ mới nuôi lại được" - ông Nguyên buồn bã cho biết.

img
Không có sự liên kết với doanh nghiệp, những hộ nuôi cá tra sẽ khó tồn tại trong thời buổi cạnh trang khốc liệt hiện nay.

Nếu năm 2011, giá cá tra "leo đến đỉnh" với mức giá 28.000 đồng, thậm chí có lúc đến 30.000 đồng/kg thì năm 2012 lại là năm cá tra "rớt xuống đáy" với mức giá còn có 18.000 đồng/kg. Với mức giá này người nuôi lỗ 5.000 đồng/kg, vị chi 1 ao nuôi 100 tấn cá mất hơn 500 triệu đồng, chưa tính lãi suất vay ngân hàng. Hộ nào càng nuôi nhiều thì càng lỗ nặng. Chính vì thế, số lượng hộ nuôi nhỏ lẻ cứ rơi rụng dần, cùng với việc siết chặt tín dụng cho vay ngành cá tra trong năm qua, theo Hiệp hội Thủy sản An Giang, số hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ trong dân hiện còn không quá 10% so với những năm 2005, 2006.

Những hộ còn sót lại phần lớn đều đang nuôi gia công hoặc có mối liên kết, hợp tác với doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Hải- Chủ nhiệm HTX Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, nhớ lại: "Những năm 2004 - 2005, thị trường cá tra lúc đó bặt đầu bất ổn, giá cả lên xuống bất thường. Chúng tôi mới bàn với doanh nghiệp thu mua quen thuộc lâu nay là Công ty Hùng Vương một chính sách liên kết, hợp tác với nhau chặt chẽ hơn. Cụ thể, năm đó doanh nghiệp đặt hàng HTX nuôi bao nhiêu tấn cá tra, doanh nghiệp góp vào phần thức ăn nuôi cá. Còn lại công nuôi, con giống, thuốc,… bao nhiêu thì HTX cùng tính toán thống nhất 1 mức giá với doanh nghiệp. Và cứ thế làm hợp đồng liên kết, cuối vụ Công ty Hùng Vương tới bắt cá theo số lượng, tiêu chuẩn và trả tiền theo đúng như đã thỏa thuận trước đó".

Lúc đó, ông Hải chỉ nghĩ liên kết để đỡ đau đầu về giá cả, nhưng không ngờ "mối lương duyên" này lại vững bền qua 8, 9 năm cho đến tận bây giờ. Mặc cho ở ngoài thị trường "dân tình" khốn khó vì giá cá xuống thấp, HTX Thới An vẫn tà tà kiếm lời từ 1.000 - 2.000 đồng/kg mỗi vụ. "Nói thật, nếu không có mối liên kết này chúng tôi cũng như ai đã chết từ lâu rồi. Nhưng do doanh nghiệp đổ cả tiền tỷ vào thức ăn cho các ao nuôi liên kết với chúng tôi nên dù có thế nào họ cũng phải ưu tiên mua cá cho "ao nhà" này trước" - ông Hải phân tích.

Cứu người là cứu mình

Gian nan như thế nhưng năm 2012 cũng ghi nhận sự nỗ lực, chia sẻ, cùng vượt qua khó khăn với nông dân của nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản.

Tháng 11 - 2012, Tập đoàn Thủy sản Hùng Vương (HVG) đã tung ra gói hỗ trợ người nuôi cá tra trị giá 500 tỷ đồng. Gói hỗ trợ này HVG dành để tiếp sức cho những hộ nuôi cá tra đang nuôi cá nửa chừng (có trọng lượng từ 500g/con trở lên) mà bị thiếu vốn hết tiền mua cám. HVG hỗ trợ cho thức ăn nuôi tiếp trong vòng hai tháng không tính lãi. Đến kỳ thu hoạch HVG sẽ bao tiêu mua hết cá trong ao với giá là 23.000 đồng/kg. Những hộ nào khi đó thấy giá ở ngoài cao hơn, không muốn bán cho HVG thì chỉ cần trả lại họ tiền mua thức ăn với lãi suất 1%/tháng.

Ông Nguyễn Văn Ký - thành viên Hội đồng Quản trị HVG cho biết, khi mua cá của các hộ trong chương trình hỗ trợ này, HVG chỉ trả ngay 30% tiền mặt, 70% còn lại được trả bằng cám cho nông dân nuôi vụ sau. "Mục đích muốn cầm chân, khuyến khích nông dân tiếp tục tái đàn nuôi tiếp để có nguồn cá cung ứng cho thị trường năm 2013" - ông Ký lý giải.

Ông Nguyễn Ngọc Hải-Chủ nhiệm HTX Thới An (Cần Thơ) cho rằng điểm mấu chốt để giữ "mối lương duyên" liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi cá tra tồn tại được qua bao nhiêu sóng gió chính là sự thủy chung. Sự thủy chung ở đây chính là "không ngoại tình", bẻ kèo bán hoặc mua cá bên ngoài khi giá cá ngoài thị trường cao hoặc rẻ hơn. Sự thủy chung còn là sự "thương yêu", cùng giúp đỡ nhau lúc khó khăn chứ không theo kiểu có lợi mới làm"

Gói hỗ trợ ngay lập tức đã cứu nguy cho hơn 80 hộ nuôi nhỏ lẻ ở An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre đang "ngồi trên đống lửa" vì thiếu vốn nuôi tiếp cá trong ao. Tương tự như vậy bên ngành tôm, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng đã có chương trình liên kết với Công ty Grobest & I Mei Industrial Việt Nam để chia sẻ khó khăn với nông dân.

Theo đó, Công ty Grobest cam kết không tăng giá thức ăn thủy sản trong những tháng cuối năm 2012 và những hộ nông dân nuôi tôm có sử dụng thức ăn và nuôi theo công nghệ của Công ty Grobest thì MPC sẽ bao tiêu thu mua hết với mức giá cao hơn thị trường từ 2.000 - 5.000 đồng/kg tùy loại.

Lãnh đạo 2 tập đoàn thủy sản cá tra và tôm nói trên đều cho rằng đây là chính sách mà họ tự cứu họ trước. Bởi với tình trạng treo ao, bỏ nghề, rồi dịch bệnh triền miên khiến nguồn cung thiếu trầm trọng, các nhà máy không có đủ nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu.

"Hiện nay tất cả các nhà nuôi trồng thủy sản trên thế giới đều lỗ do nhu cầu giảm trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Dự báo trong năm 2013 nguồn cung thủy sản trên thế giới sẽ giảm, nên với chính sách này mặc dù bỏ ra 500 tỷ đồng nhưng chúng tôi sẽ đảm bảo có cá nguyên liệu chế biến trong 2 vụ tới. Do nguồn cung thiếu nên khi ấy giá cả xuất khẩu có thể điều đình với mức giá cao hơn" - ông Ký phân tích.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem