Doanh nghiệp địa ốc “khát” dòng tiền, mong được… “trợ thở” qua mùa dịch
Doanh nghiệp địa ốc “khát” dòng tiền, mong được… “trợ thở” qua mùa dịch
Quốc Hải
Thứ sáu, ngày 27/08/2021 12:00 PM (GMT+7)
Việc thiếu dòng tiền có thể làm cho doanh nghiệp bị "ngộp thở" do không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, không còn tiền để duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động, cũng như "cầm cự" qua giai đoạn quá khó khăn này…
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhấn mạnh, việc thực hiện giãn cách xã hội diện rộng khiến doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) gặp khó khăn bủa vây, trong đó, khó khăn nhất là thiếu dòng tiền. Do đó, nếu không được tiếp cận vốn mới, các DN BĐS sẽ đứng trước nguy cơ mất thanh khoản.
"Được tiếp cận tín dụng trong lúc này hơn lúc nào hết chính là 'oxy cấp cứu' cho doanh nghiệp" - ông Châu, khẳng định.
Dòng tiền đã cạn
Nhìn vào BCTC nửa đầu năm 2021 của hàng loạt DN BĐS đang niêm yết trên sàn chứng khoán, có thể thấy nhiều tên tuổi lớn cũng đang bị âm dòng tiền kinh doanh.
Cụ thể, bị âm dòng tiền lớn nhất trong 6 tháng đầu năm là Hải Phát Land (HPX) với 1.550 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (âm 181 tỷ đồng). Nguyên nhân khiến HPX bị âm dòng tiền tăng đột biến là do hàng tồn kho tăng gần 1.455 tỷ đồng và các khoản phải thu tăng thêm 591 tỷ đồng.
Tính đến 30/6, Hải Phát Land có 3.833 tỷ đồng hàng tồn kho, bao gồm 902 tỷ đồng BĐS đã hoàn thành và hơn 2.886 tỷ đồng BĐS dở dang.
Một DN khác có dòng tiền kinh doanh âm chỉ thấp hơn Hải Phát Land là Cen Land (CRE), với dòng tiền âm tới 885 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương hơn 261 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền hoạt động đầu tư tại Cen Land 6 tháng qua cũng âm gần 514 tỷ đồng.
Nguyên nhân là tồn kho tăng gần 1.260 tỷ đồng, tăng hơn 40 lần so với cùng kỳ, trong khi tổng nợ phải trả tăng 66% so với đầu năm, chiếm tới 56% tổng tài sản, gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu. Khoản nợ ngắn hạn phải trả tại DN này cũng tăng 50% so với đầu năm, lên mức 1.976 tỷ đồng. Nợ dài hạn phải trả tăng mạnh 111% lên mức gần 954 tỷ đồng.
Khang Điền (KDH) cũng bị âm dòng tiền kinh doanh 841 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ năm trước dương 455 tỷ đồng. Nguyên nhân do giảm các khoản phải trả 752 tỷ đồng và tăng thuế thu nhập DN đã nộp gần 461 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước chỉ 71 tỷ đồng).
Một loạt DN BĐS khác cũng đang bị âm dòng tiền kinh doanh như: Năm Bảy Bảy (NBB) âm 464 tỷ đồng; Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) đang âm 352,6 tỷ đồng; Nam Long (NLG) âm 156 tỷ đồng; Đất Xanh (DXG) âm 33 tỷ đồng…
Theo các chuyên gia kinh tế, dòng tiền kinh doanh là tiền thu vào hoặc chi ra từ hoạt động sản xuất chính. Nếu dòng tiền kinh doanh âm, cho thấy DN gặp khó trong quá trình tiêu thụ sản phẩm hoặc khó thu hồi tiền... Về trung và dài hạn, dòng tiền kinh doanh âm có tác động tiêu cực đến tài chính doanh nghiệp như ứ đọng vốn, vốn bị chiếm dụng tăng, chi phí sử dụng vốn tăng... Đặc biệt, nếu kéo dài tình trạng này, DN sẽ mất khả năng thanh toán.
Trong văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhấn mạnh, cái khó thiếu dòng tiền có liên quan trực tiếp đến cái khó về tín dụng vì trong lúc này lãi suất vay ngân hàng chưa giảm như kỳ vọng và DN vẫn phải trả lãi ngân hàng đều đặn hàng tháng.
Mỗi một ngày qua đi, DN phải chạy đôn chạy đáo vay mượn, thậm chí phải "vay nóng" để trả lương, để duy trì hoạt động tối thiểu, để trả lãi ngân hàng, nhất là các khoản vay tín dụng đến hạn.
Bởi lẽ, theo quy chế hoạt động của ngân hàng, nếu không trả được các khoản vay đáo hạn thì ngay lập tức ngân hàng "tự động" chuyển sang "nợ xấu", hoặc nhóm "nợ xấu hơn", mà đã bị xếp loại "nợ xấu, nhóm nợ xấu hơn" thì DN sẽ lâm vào "bế tắc" vì không thể tiếp cận được các khoản vay mới để vượt qua khó khăn….
"Kẹt tiền, kẹt vốn, bị mất thanh khoản" là rủi ro và là nguy cơ lớn nhất của mọi DN phải đương đầu, mặc dù có thể vẫn còn tài sản nhưng do chưa bán được dẫn đến "thiếu dòng tiền", nên DN có thể bị "chết trên đống tài sản" của chính mình", HoREA nhận định.
Mong sớm tiếp cận dòng tín dụng
Theo tìm hiểu của Dân Việt, hiện các DN BĐS dường như đang đứng ngoài cuộc trong các giải pháp hỗ trợ lãi suất từ ngân hàng, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ quan niệm BĐS không phải ngành sản xuất - kinh doanh, trong khi ngành này tác động dây chuyền rất lớn đến nhiều ngành khác.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, kiến nghị: Các DN BĐS cần được tiếp cận nguồn vốn mới, đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng được chủ động xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng, bao gồm cả DN BĐS, hộ gia đình, cá nhân và được áp dụng đối với số dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày 30/6/2022.
Song song đó, hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước khuyến nghị các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi cho vay khoảng 2%/năm cho các khách hàng là DN BĐS.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, thời điểm này, các DN BĐS đã quen với bối cảnh khó khăn và chủ động hơn. Tuy nhiên, những vấn đề về thuế, thủ tục pháp lý… lại là rào cản lớn, chưa kể, ngay cả khi dịch được kiểm soát thì sức mua thị trường cũng sẽ giảm đi nhiều, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
"Để tiếp sức cho các DN BĐS, bên cạnh xem xét giảm thêm lãi suất, hoãn nợ, giãn tiến độ trả nợ, sự hỗ trợ liên quan tới nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư với Nhà nước như tiền thuế, tiền sử dụng đất... cũng rất quan trọng, góp phần 'tiếp máu' cho DN vượt qua khó khăn hiện tại", ông Hoàng đề xuất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.