Doanh nghiệp không mặn mà bán tết
Theo Bộ Công Thương, đã qua tháng 11 nhưng tình hình kinh doanh của hầu hết DN chưa có nhiều dấu hiệu khả quan. Hiện các DN đang phối hợp với siêu thị, trung tâm phân phối tổ chức chương trình khuyến mãi để giải phóng hàng tồn. Người tiêu dùng siết chặt hầu bao khiến các DN không kỳ vọng nhiều vào mùa kinh doanh tết.
|
Doanh nghiệp cố giữ giá, bình ổn thị trường các mặt hàng nhu yếu phẩm vào dịp tết. |
Ông Nguyễn Văn Ký - Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Agifish cho biết, cả năm nay công ty không những không tăng giá các mặt hàng bán tại thị trường nội địa, mà còn phải liên tục chạy các chương trình khuyến mãi. Để giữ thị trường, công ty phải chấp nhận chịu lỗ. Do sức mua yếu như vậy nên công ty không mặn mà lắm với mùa Tết năm nay.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tâm Ái - Giám đốc Công ty Trí Đức (nhãn hiệu mứt Lạc Xuân), cũng lo ngại thị trường đến giờ vẫn không có dấu hiệu khởi sắc nên công ty chỉ làm theo đơn đặt hàng chứ không dám sản xuất trước.
Các công ty bánh kẹo cũng không dám mạo hiểm. Ông Phan Văn Thiện - Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica cho biết, công ty ông chọn phương án chuẩn bị trước nguyên liệu, thị trường cần đến đâu sẽ sản xuất đến đó.
Cố gắng giữ giá, bình ổn thị trường
Thông thường, sức mua năm sau tăng hơn so với năm trước là 20%, nhưng Tết năm nay, các DN đánh giá khả năng chỉ tăng khoảng 5 - 10% sản lượng. Nhiều đơn vị cho biết sẽ cố gắng giữ giá hàng tết, vì yếu tố quan trọng thời điểm này không phải là lợi nhuận mà là bán được hàng.
Để kích thích tiêu dùng, từ giữa tháng 11 đến cận tết, Big C giảm giá 5 - 50% hơn 3.000 mặt hàng. Riêng nhóm hàng giỏ quà tết, năm nay Big C sẽ có giỏ quà dưới 100.000 đồng phục vụ khách hàng ít tiền. Co.opMart cũng giảm giá một số mặt hàng thiết yếu 10 – 50% trong những ngày cận tết.
Theo Bộ Công Thương, các địa phương đã chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết khá tốt. Tại Hà Nội, ước tổng lượng hàng hóa dự trữ của các doanh nghiệp trị giá khoảng 6.000 tỷ đồng, đáp ứng được khoảng 20 - 25% nhu cầu tiêu dùng tăng thêm của thành phố trong tháng tết, trong đó nguồn vốn chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường là 2.000 tỷ đồng (tăng 20% so với cùng kỳ năm trước).
Tương tư, tổng nguồn vốn các DN TP.HCM chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau tết đạt 6.681 tỷ đồng, tăng hơn 1.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái.
Phụng Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.