Sáng nay, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng phối hợp Viện Sinh thái học miền Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) tổ chức Hội thảo Bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên bán đảo Sơn Trà.
Chính quyền Đà Nẵng chịu trách nhiệm chính
Hội thảo này lần đầu tiên có sự tham dự của lãnh đạo TP.Đà Nẵng, với sự góp mặt của ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng.
Tại hội thảo, hơn 150 nhà khoa học, nhà nghiên cứu sẽ trình bày các báo cáo, nghiên cứu mới nhất về đa dạng sinh học và những vấn đề liên quan bảo tồn Sơn Trà. Đây đều là những nghiên cứu có giá trị thực tiễn, góp thêm những luận cứ mang tính khoa học, thêm giải pháp bảo tồn Sơn Trà hiện tại và tương lai.
Trong đó, đáng chú ý là những trao đổi của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa - người đã đóng góp rất nhiều ý kiến liên quan đến bảo vệ và phát triển bán đảo Sơn Trà tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa tại TP.Đà Nẵng sáng nay. (Ảnh: Đình Thiên)
Ông Nghĩa cho rằng, Việt Nam có những di sản thiên nhiên cực kỳ quý báu và khi mất đi thì không bao giờ tái tạo lại được.
“Trên tinh thần chúng ta ra sức bảo vệ các di sản ấy, không phải chỉ để ngắm, đi qua rồi thôi mà còn phải khai thác phục vụ cho mục đích kinh tế. Nhưng, phục vụ kinh tế với yêu cầu phải bảo tồn cho được di sản đó thì mới gọi là phát triển bền vững”, ông Nghĩa nói.
Cũng theo ông Nghĩa, việc tham dự hội thảo giúp ông học hỏi thêm nhiều về Sơn Trà, bên cạnh những tìm hiểu riêng. Điều đó cho thấy phản ứng của ông về Sơn Trà ở Quốc hội vừa qua là đúng hướng và có cơ sở khoa học, cơ sở văn hóa để đưa đến đề xuất nhất thiết không thể tiếp tục phát triển du lịch ở Sơn Trà theo cách hiện nay; không cho phép xây dựng thêm mà phải thay đổi cách làm du lịch ở Sơn Trà. Đồng thời, cơ quan quản lý cần tăng cường hơn nữa cả tài lực, vật lực và quy định pháp lý để bảo tồn Sơn Trà hiệu quả, chặt chẽ hơn.
"Người dân Đà Nẵng là chủ Sơn Trà"
Đánh giá về những động thái của chính quyền Đà Nẵng thời gian qua, ông Nghĩa nhận định: Theo cách hiểu tự nhiên, chính quyền Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp và cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn Sơn Trà. Những hành động phải nằm trong khuôn khổ luật pháp chung của quốc gia.
“Chúng ta có khung pháp lý đầy đủ và Đà Nẵng phải hành động theo luật pháp, sự chỉ đạo, giám sát của Chính phủ, Quốc hội. Hành động của Đà Nẵng phải thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ phục vụ lợi ích của người dân Đà Nẵng”, ông Nghĩa nói và cho biết, một số di sản thiên nhiên có vai trò đặc biệt. Ngoài lợi ích của người dân, phải có cách nào đó để khẳng định đây là di sản quý báu của quốc gia như nó đã từng tồn tại hàng nghìn năm ở đây.
“Chính người dân Đà Nẵng có trách nhiệm trực tiếp, họ mới là những người chủ tài nguyên thiên nhiên của thành phố này. Chúng ta hay nói chính quyền của dân, do dân, vì dân, đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Nếu người dân thấy sự phát triển đi chệch hướng thì phải đấu tranh. Các tổ chức, hiệp hội và cả truyền thông cũng tham gia thì mới đầy đủ”, ông Nghĩa nói thêm.
Bán đảo Sơn Trà có vị trí đặc biệt quan trọng. (Ảnh: Đình Thiên)
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cũng nhìn nhận, việc thu hồi các dự án đã cấp phép trên Sơn Trà là bài toán khó, phải giải bài toán khó đó với cơ sở pháp lý. Bằng sự quan tâm của cả nước, của Chính phủ, công luận… thì bài toán khó đến mấy cũng giải được.
“Cái gì trái phép là phải dẹp, xử lý, thậm chí trừng trị nếu sự vi phạm nghiêm trọng. Cái gì hợp pháp mà nay không hợp lý nữa, không có lợi nữa thì phải tìm giải pháp đáp ứng lợi ích các bên. Thiệt hại thì bàn cách chia sẻ, vận động doanh nghiệp vì tinh thần yêu nước, vì thương hiệu, vì trách nhiệm xã hội. Nếu có thiệt hại thì hy sinh phần nào đó cho Sơn Trà chính là vinh dự và sẽ tăng lòng yêu mến của người dân cho các doanh nghiệp đó”, ông Nghĩa gợi ý.
Phát biểu tại hội thảo này, ông Hồ Kỳ Minh - Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng - cho biết, quan điểm của TP.Đà Nẵng về bán đảo Sơn Trà vẫn là phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, ưu tiên phát triển các loại hình du lịch sinh thái, thể thao, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa tâm linh, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ tài nguyên thiên nhiên…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.