Doanh nghiệp không có dòng tiền, lãi vay cao nhất thế giới: Ông Trương Gia Bình báo cáo lên Thủ tướng thế nào?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 18/11/2022 11:04 AM (GMT+7)
Ông Trương Gia Bình – Trưởng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) nhấn mạnh, hiện doanh nghiệp ở một số ngành phản ánh các khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn. Ông Bình đã có báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ.
Bình luận 0

Nhiều doanh nghiệp "khô máu", lãi vay cao nhất thế giới

Hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực điện tử, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty Máy tính Thánh Gióng cho biết, thời gian gần đây, do đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành, lĩnh vực đều sụt giảm, trong khi chi phí đầu vào cho sản xuất ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng. Điều này đã làm cho nguồn tài chính của doanh nghiệp có nhiều cản trở.

"Rất nhiều doanh nghiệp như chúng tôi đều lo lắng lấy vốn ở đâu để duy trì và phát triển doanh nghiệp. Do không tiếp cận được vốn, gần đây có một số doanh nghiệp đã phải vay tiêu dùng lãi suất rất cao để trả lương công nhân thay vì mua nguyên liệu và đầu tư cho sản xuất", ông Lại Hoàng Dương bày tỏ quan ngại.

Doanh nghiệp Thánh Gióng chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp đang gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh vì "đói vốn".

Lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng đang niêm yết cổ phiếu trên sàn HNX cũng chia sẻ, đảm bảo thanh khoản đang là một thách thức lớn của doanh nghiệp ông, do công tác thanh quyết toán với các chủ đầu tư khó khăn, trong khi "cánh cửa" tín dụng ngân hàng cũng đã đóng lại từ nhiều tháng nay, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn.

Doanh nghiệp không có dòng tiền, lãi vay cao nhất thế giới: Ông Trương Gia Bình báo cáo lên Thủ tướng thế nào? - Ảnh 1.

Tình trạng "cạn tiền" đang xảy ra tại nhiều doanh nghiệp.

Thậm chí, TS. Lê Xuân Nghĩa – chuyên gia kinh tế còn dùng từ "khô máu" khi nói về tình trạng "cạn tiền" của các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.

Ông phân tích, nguyên nhân của tình trạng này là tiền không có trong lưu thông. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước bán ra 26,5 tỷ USD, đồng nghĩa hút 600.000 tỷ đồng về.

Ngoài ra, gần 1 triệu tỷ đồng tiền đầu tư công, phát hành qua trái phiếu Chính phủ, các ngân hàng mua hết, cũng là hút tiền về. Hiện cả 2 món này đóng băng. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh với lãi suất cao nhất thế giới. "Đây là chuyện kỳ lạ ở một quốc gia lạm phát thuộc loại thấp nhất thế giới", TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Doanh nghiệp khó khăn chưa từng có, ông Trương Gia Bình báo cáo lên Thủ tướng thế nào?

Trong báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Trương Gia Bình cũng nêu: Hiện doanh nghiệp ở một số ngành phản ánh các khó khăn chưa từng có trong hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu vốn.

Dẫn chứng cụ thể đối với từng ngành, ông Trương Gia Bình cho hay, đối với các doanh nghiệp ngành thép, các doanh nghiệp ngành này đối diện với "khủng hoảng lớn" khi cung vượt mạnh cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh.

Nhiều doanh nghiệp phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30-40% để có dòng tiền hoạt động với chi phí lãi vay rất cao, trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

Trong khi đó, các doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn.

Thế nhưng, hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về room tín dụng nên doanh nghiệp cũng không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới.

Mặt khác, đối với một số thị trường khó tính, do những cải tiến về quy mô, cam kết môi trường và chất lượng sản phẩm, khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới nhưng do thiếu vốn, doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng yêu cầu này, dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi.

Doanh nghiệp nông nghiệp phản ánh về việc thiếu vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) lại có kì thu mua tập trung ở các tháng cuối năm và đầu năm 2023.

Thời gian thu mua gấp, lượng vốn cần lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại không thể tiếp cận tín dụng nên dự báo rất khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tương tự, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho doanh nghiệp cung ứng vật liệu.

Bên cạnh đó, việc xây dựng bằng vốn đầu tư công cũng đang đình trệ, khiến nhóm doanh nghiệp này thực sự khủng hoảng.

Doanh nghiệp không có dòng tiền, lãi vay cao nhất thế giới: Ông Trương Gia Bình báo cáo lên Thủ tướng thế nào? - Ảnh 3.

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính.

Cũng theo báo cáo từ Trưởng ban Trương Gia Bình, sau hơn hai năm chịu những tác động hết sức tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, ở thời điểm hiện tại lại gặp khó khăn đặc biệt về vốn, cùng với các khó khăn mang tính hệ thống trước nay của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về nền tảng quản trị, về công nghệ…, khiến phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh để duy trì một phần hoạt động, trước khi có thể tính tới việc phục hồi.

Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI vốn có nền tảng quản trị hiệu quả, khoa học hơn, chịu ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn bởi đại dịch Covid-19, lại không phụ thuộc vào vốn vay từ các ngân hàng trong nước đang có nhiều lợi thế trong bối cảnh hiện nay.

Số liệu xuất khẩu tháng 9 năm 2022 từ Tổng cục thống kê cho thấy xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm 1,6% so với cùng kỳ trong khi các doanh nghiệp FDI vẫn giữ được tốc độ tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Tình trạng này nếu kéo dài sẽ tạo ra những khoảng cách và sự chênh lệch ngày càng lớn giữa hai thành phần kinh tế, làm sụt giảm sức cạnh tranh thực chất của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Điều đáng nói, hiệu ứng sụt giảm niềm tin từ thị trường đối với các doanh nghiệp bất động sản đã lan rộng tới mọi loại hình doanh nghiệp khác, khiến kênh huy động trái phiếu không thể giúp doanh nghiệp thu hút được các nhà đầu tư trong ngắn hạn để giải quyết các bài toán cấp bách.

Thị trường chứng khoán theo đó cũng chịu ảnh hưởng mạnh, làm khó khăn về vốn của doanh nghiệp thêm trầm trọng. Nhiều doanh nghiệp lớn phải bố trí nguồn vốn để mua lại trái phiếu trước hạn.

Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo. Thậm chí thông tin từ doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy, có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Việt cho nhà đầu tư nước ngoài (điển hình như doanh nghiệp Thái Lan đang tiến hành nhiều thương vụ đàm phán mua bán các nhà máy dệt may và sản xuất lĩnh vực khác), ông Trương Gia Bình báo cáo.

"Khó khăn này đang ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của nhiều ngành, lĩnh vực và nội tại nền kinh tế trong nước. Thách thức đặc biệt lớn đối với quá trình phục hồi của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam", Báo cáo lên Thủ tướng, Ban IV nhấn mạnh.

Từ đó, thay mặt Ban IV, ông Trương Gia Bình đề nghị Thủ tướng xem xét một số đề xuất, kiến nghị như: Kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch Covid-19; chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, thực chất quy trình tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan, không chỉ lấy ý kiến một vài đơn vị mang tính đại diện;…

Riêng đối với thách thức liên quan thị trường tài chính, ông Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tham vấn các chuyên gia tài chính, chính sách uy tín trong nước, quốc tế để đánh giá bối cảnh và nhận diện giải pháp. Trường hợp cần thiết, đề xuất tính tới các giải pháp đặc biệt trong giai đoạn nhất định nhằm giải nguy cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem