Hầu hết các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành chăn nuôi, buôn bán thức ăn gia súc đã có báo cáo tài chính quý 1.2017 với doanh thu và lợi nhuận giảm sút so với cùng kỳ.
Giá lợn hơi giảm khiến nhiều DN ngành thức ăn chăn nuôi cũng ngậm ngùi ghi nhận doanh thu quý 1.2017 giảm so với cùng kỳ
“Ông lớn” cũng ngậm ngùi vì... giá lợn hơi
Tình hình giá lợn hơi giảm mạnh nhiều tháng qua có thể là nguyên nhân khiến Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) tạm hoãn xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ 3 tại Phú Thọ. Theo ghi nhận, hiện HPG đang có 2 nhà máy thức ăn chăn nuôi với công suất hoạt động của nhà máy số 1 vào khoảng 30 - 40% và nhà máy số 2 chỉ vừa mới đi vào hoạt động vào tháng 4 năm nay. Việc giá lợn hơi giảm sâu có thể sẽ khiến doanh thu của HPG giảm sút trong quý 2.2017 này khi tỷ trọng thức ăn cho lợn chiếm 60 - 70% mảng thức ăn chăn nuôi của HPG.
Tuy nhiên, ảnh hưởng có lẽ cũng không lớn bởi doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi của HPG trong năm 2016 chỉ đóng góp khoảng 5% tổng doanh thu. Trong đó, riêng mảng thức ăn cho lợn đóng góp khoảng 3,5% doanh thu của HPG.
Ngoài ra, mảng cung cấp con giống của HPG cũng có thể bị ảnh hưởng trong thời gian tới do hiện tại các hộ dân nuôi lợn đang giảm đàn. Còn nhớ, HPG đã nhập khẩu 1.800 lợn giống cụ kỵ từ Đan Mạch vào giữa năm 2016 và dự kiến sẽ có lợn giống bố mẹ bán cho người dân nuôi vào khoảng tháng 6 năm nay.
Tình hình này cũng tương tự với Công ty CP Tập đoàn Masan (mã MSN), theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 1.2017 của tập đoàn này, do giá lợn hơi giảm sâu trên cả nước đã khiến tổng sản lượng thức ăn cho lợn của MSN giảm khoảng 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ dòng sản phẩm Bio-zeem tăng đến 15% doanh thu so với cùng kỳ nên tính chung những ảnh hưởng của việc giá lợn giảm sâu với MSN là có nhưng không đáng kể. Được biết, năm 2016 doanh thu từ thức ăn cho lợn của MSN đạt khoảng 15.630 tỷ đồng, đóng góp 36% tổng doanh thu thuần toàn tập đoàn và đóng góp 64% doanh thu thức ăn chăn nuôi của MSN.
Giá lợn hơi giảm lại giúp doanh thu của Visan tăng mạnh trong quý 1.2017
Một loạt các DN kinh doanh thức ăn gia súc và chăn nuôi lợn khác như Tổng Công ty Chăn nuôi Việt Nam (Vilico); Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam... cũng gặp khó khăn không kém bởi giá lợn hơi giảm mạnh.
Cơ hội cho doanh nghiệp “cá mập”?
Dù vậy, theo các chuyên gia kinh tế thì về dài hạn, đây lại là cơ hội cho các DN “cá mập” trong ngành như MSN, CP hay HPG... tái cơ cấu ngành và tập trung thêm thị phần về mình. Tại MSN, Tập đoàn này khá tự tin là Masan Nutri Science có thể đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần là 20 - 30% nhờ nâng cao thị phần.
Cơ hội này cũng không phải là khó với HPG khi tập đoàn này đang tập trung đầu tư mạnh vào con giống bố mẹ với nguồn gen từ 1.800 lợn giống cụ kỵ được nhập khẩu từ Đan Mạch. Chưa kể, công suất các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi của HPG đang rất tiềm năng (2 nhà máy đang hoạt động và 1 nhà máy đang xây dựng) nên cơ hội giành 20 - 30% thị phần còn lại từ các doanh nghiệp nhỏ nội địa trong ngành thức ăn chăn nuôi là rất lớn.
Đánh giá về tiềm năng của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, một chuyên gia của Công ty Chứng khoán TP.HCM cho rằng, vòng đời của lợn trong ngành vào khoảng 4 - 6 tháng, tùy con giống. Do vậy việc dư hay thiếu cung sẽ nhanh chóng được điều chỉnh.
Công ty CP Kỹ nghệ Súc Sản - Vissan (mã VSN) trong quý 1.2017 lại đạt doanh thu thuần 979 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn giảm sâu đến 6% nên lợi nhuận gộp thu về 265 tỷ đồng, tăng đến 17% so với lợi nhuận gộp đạt được quý 1 năm ngoái. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân giá vốn giảm do giá heo hơi đầu vào bình quân quý 1 giảm mạnh.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.