Doanh nghiệp miền Tây nhập khẩu số lượng lớn lúa Campuchia về làm gì?

Huỳnh Xây Thứ sáu, ngày 13/11/2020 15:25 PM (GMT+7)
Một số doanh nghiệp ở ĐBSCL đang nhập khẩu lúa Campuchia về xay xát và chế biến. Tuy nhiên, khi vận chuyển số lượng lúa này về, các doanh nghiệp gặp phải khó khăn khi qua các cửa khẩu tỉnh An Giang.
Bình luận 0

Một số doanh nghiệp ở ĐBSCL cho hay, họ đang nhập khẩu lúa Campuchia với số lượng lớn. Sở dĩ các doanh nghiệp nhập khẩu lúa Campuchia là vì giá lúa ở vương quốc này đang thấp, không thu thuế khi qua cửa khẩu.

Vì sao doanh nghiệp miền Tây lại nhập khẩu lúa Campuchia và đang gặp những khó khăn lớn gì? - Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp ở ĐBSCL đang nhập khẩu lúa Campuchia về xay xát và chế biến (Ảnh minh hoạ)

Sau khi qua các cửa khẩu, số lúa này được đưa đến các cơ sở xay xát, chế biến gạo rồi xuất khẩu ngược lại các quốc gia lân cận.

Thời gian qua, việc nhập khẩu lúa Campuchia vẫn diễn ra sôi nổi tại các cửa khẩu ở tỉnh Đồng Tháp và tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, tại các cửa khẩu ở tỉnh An Giang lại gặp khó khăn.

Một doanh nghiệp ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang cho biết, đang có nhu cầu nhập hàng ngàn tấn lúa Campuchia vì giá lúa ở đây hiện đang thấp và theo thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia có chính sách 0% thuế đối với lúa trong giai đoạn 2019-2020. 

Tuy nhiên, các cửa khẩu ở tỉnh An Giang đang không thực hiện chính sách thuế 0% này.

Một doanh nghiệp khác đang có nhu cầu nhập 10.000-20.000 tấn lúa Campuchia thì cho biết, đã đầu tư bến bãi, cơ sở vật chất tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. 

Không nhập khẩu được lúa tại các cửa khẩu tỉnh An Giang theo chính sách thuế 0% đã khiến cho phía doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nếu vận chuyển qua các cửa khẩu ở tỉnh khác thì sẽ rất tốn kém và mất khá nhiều thời gian.

Theo phóng viên tìm hiểu, đa phần, các doanh nghiệp phản ánh khó khăn trong nhập khẩu lúa Campuchia về Việt Nam đều có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu E (C/O form E) do Campuchia cấp để được nhập khẩu với thuế suất ưu đãi đặc biệt là 0%.

Liên quan đến vấn đề trên, thông tin từ Cục Hải quan tỉnh An Giang cho biết, trong thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Việt Nam và Campuchia có quy định, trong năm 2020, chỉ có 300.000 tấn gạo (số lượng quy ra từ lúa) và phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do Bộ Thương mại Campuchia cấp (hoặc cơ quan được ủy quyền cấp theo quy định của Campuchia) được nhập khẩu với thuế suất ưu đãi đặc biệt là 0%.

Tuy nhiên, một số phát sinh, vướng mắc đã xảy ra. Cụ thể là doanh nghiệp nhập khẩu lúa Campuchia về Việt Nam đưa ra giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu E (C/O form E) nhưng cũng do Campuchia cấp để được nhập khẩu với thuế suất ưu đãi đặc biệt là 0%.

Do có vướng mắc trong thủ tục nhập khẩu lúa Campuchia về Việt Nam như nêu trên, Cục Hải quan tỉnh An Giang đã có công văn hỏa tốc gửi Tổng cục Hải quan để xin ý kiến hướng dẫn. 

Trong khi chờ Tổng cục Hải quan có ý kiến, nếu doanh nghiệp muốn nhập lúa Campuchia qua cửa khẩu tỉnh An Giang thì phải đóng thuế. Sau đó, nếu Tổng cục Hải quan có ý kiến không nộp thuế thì sẽ hoàn thuế lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem