Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Hội nghị đối thoại doanh nghiệp về cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan do Bộ Xây dựng phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm qua (26/11) đã tập trung làm rõ nhiều nội dung bất cập liên quan đến thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, dư địa cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực kể trên còn nhiều, cần có đột phá mạnh, mang lại gói cứu trợ lâu dài, hiệu quả cho nền kinh tế.
Tại hội nghị, TS.Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI đã công bố báo cáo khảo sát thực tế từ các doanh nghiệp cả nước. Theo báo cáo, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất khi thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng với tỉ lệ là 50%. Tiếp đến là thủ tục hành chính liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị là 48%. Đây là 2 loại thủ tục hành chính gây khó khăn nhất đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp quy mô lớn hơn 200 tỷ đồng gặp ít khó khăn khi tuân thủ các thủ tục hơn là các DN nhỏ và vừa. VCCI lý giải, có thể do doanh nghiệp lớn thường có nguồn lực lớn hơn, có bộ phận nhân sự riêng về giải quyết các vấn đề pháp lý, chuyên nghiệp trong quản lý dự án, có chuyên môn sâu trong kỹ thuật, nghiệp vụ.
Từ thực tế khảo sát các doanh nghiệp, VCCI nhìn nhận, dư địa cải cách thủ tục hành chính ở nước ta còn nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường. Theo VCCI, cần thiết xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường ở cấp tỉnh. Từ đó, chỉ rõ địa phương nào hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, hay tạo cơ chế khó khăn hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực kể trên.
Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban cải cách môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho hay, doanh nghiệp luôn chờ đợi những thay đổi cải cách thực tế của các Bộ, ngành; cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp không tốn kém và mang lại hiệu quả bền vững.
Ngân hàng Thế giới (WB) những năm qua đánh giá thủ tục cấp phép xây dựng của Việt Nam có thứ hạng rất cao, đứng 25/190 nền kinh tế. Dù thế, bà Thảo cho biết, thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng thực tế vẫn rất dài, các doanh nghiệp phải thực hiện 10 bước, trung bình mất khoảng 166 ngày để hoàn thành thủ tục đầu tư xây dựng một công trình. Trong khi đó, tại Singapore, doanh nghiệp cũng thực hiện 9 bước thủ tục nhưng chỉ mất 35,5 ngày để làm xong thủ tục.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng, cần tháo gỡ sớm một số vấn đề để giải quyết thông tắc cho các dự án bất động sản. Chẳng hạn như điều chỉnh sớm Luật Nhà ở 2014, Luật Đầu tư để tháo gỡ cho hơn 400 dự án ở Hà Nội và TP.HCM đang bị ách tắc, đồng thời đề nghị chỉnh lại thời hạn bảo hành nhà ở là 24 tháng để thuận tiện cho chủ đầu tư.
Ông Hiệp cũng đề xuất nhanh chóng chỉnh sửa Luật Đất đai, trong đó đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền trong giải phóng mặt bằng, làm rõ cho người dân hiểu được quyền hạn, trách nhiệm của người thuê đất của nhà nước để tránh được các khiếu kiện phức tạp…
"Việc xem xét, điều chỉnh tách bạch vấn đề đấu thầu, đấu giá dự án có sử dụng đất thành một chương riêng trong Luật Đấu thầu hoặc tách thành luật riêng cũng cần thiết…", ông Hiệp nhấn mạnh.
Tại hội nghị, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nêu yêu cầu, cải cách thủ tục hành chính thì phải đặt mục tiêu cho thấy kết quả là người dân, doanh nghiệp phải được hưởng lợi. Đề nghị Bộ Xây dựng tích cực cải cách thủ tục hành chính nhưng đây là vấn đề không dễ.
"Ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính quan trọng hơn bao giờ hết, cần chú trọng, nhất là trong lĩnh vực xây dựng do hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Để làm được, cần phải thay đổi tư duy cải cách theo hướng không phải là số hóa thủ tục hành chính mà là thiết kế lại thủ tục hành chính trên tư duy kinh doanh số nên phải rà soát, bãi bỏ nhiều thủ tục không cần thiết, tạo chướng ngại vật phát triển kinh tế", ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, sự phối hợp giữa các cơ quan Bộ, ngành, địa phương trong việc cải cách thủ tục hành chính rất quan trọng, nếu thiếu đồng bộ thì không thể tạo ra gói cứu trợ cho dự án. Ách tắc 1 thủ tục thì tắc đến nhiều thủ tục khác. Cần có quy trình thống nhất giữa các cơ quan liên ngành. Cuối cùng là cần có 1 cơ quan đứng ra làm đầu mối về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng, phù hợp nhất là Bộ Xây dựng giữ vai trò tiên phong.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng tình, thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngành xây dựng còn nhiều dư địa để rà soát, cắt giảm mạnh. Bày tỏ tâm đắc với ý kiến cắt giảm thủ tục hành chính, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là tạo ra gói hỗ trợ có tác dụng sâu, rộng, bền vững. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sẽ đẩy mạnh rà soát lại những điểm bất cập trong các Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở… trong thời gian tới.
Báo cáo của VCCI, cơ quan nhà nước cần tiếp tục đơn giản hóa các nhóm thủ tục liên quan đến thẩm định, thẩm duyệt, bao gồm thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế xây dựng; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy. Theo VCCI, tỉ lệ doanh nghiệp được khảo sát nêu ý kiến gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục 3 nhóm này lần lượt là 43,7%; 42,9% và 41,4%. Đây là những nhóm thủ tục liên quan đến việc phối hợp giữa các cơ quan liên ngành trong công tác thẩm định, thẩm duyệt của Bộ Xây dựng và Bộ Công an.
Bên cạnh đó, báo cáo của VCCI cũng chỉ ra thủ tục liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư gây khó khăn có 40,9% doanh nghiệp được khảo sát. Theo VCCI, doanh nghiệp chỉ ít gặp khó khăn với các thủ tục hành chính về kết nối cấp thoát nước, cấp điện, tuy nhiên tỉ lệ gặp khó khăn vẫn lần lượt là 24,3% và 27,6%.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.