Doanh nghiệp ngành xây dựng kịp “ghìm cương” trước bờ vực?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 11/08/2023 15:00 PM (GMT+7)
Những tên tuổi thâm niên nhất trong ngành xây dựng đã “thấm” được nỗi đau khi phụ thuộc trong thời gian quá dài vào ngành bất động sản. Hiện, các doanh nghiệp (DN) đang có những hướng đi mới để kịp “ghìm cương” trước bờ vực.
Bình luận 0

Đã có "gam màu sáng" ở nhóm doanh nghiệp ngành xây dựng

Từ cuối năm 2022 đến hết quý I/2023, nhiều "ông lớn" ngành xây dựng vẫn lao đao khi đứng trước nhiều áp lực: Công nợ không được thanh toán hoặc thanh toán trễ, nợ vay tăng, biên lợi nhuận mỏng dần, rủi ro đòn bẩy tài chính cao…

Có thể kể đến như Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), tính đến cuối năm 2022, quy mô nợ vay của DN này đã vượt 6.000 tỷ đồng, tương ứng với chi phí lãi vay lên tới 530 tỷ đồng. Chưa kể, do đối tác chậm thanh toán các khoản công nợ, doanh nghiệp bắt buộc phải trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu lên đến trên 2.059 tỷ đồng.

Để "xoay vòng" kịp dòng tiền, Hòa Bình đã phải giải quyết vấn đề thu hồi nợ qua cơ quan chức năng và đã có 10 vụ kiện được đưa ra xét xử.

Doanh nghiệp ngành xây dựng kịp “ghìm cương” trước bờ vực? - Ảnh 1.

Xây dựng sân bay Long Thành là một mục tiêu mà các DN ngành xây dựng hướng tới thời gian gần đây. Ảnh: ACV

Hoặc, với Conteccons, mặc dù được đánh giá có nền tảng tài chính khỏe mạnh nhưng tính đến cuối năm 2022, DN này cũng phải trích lập dự phòng gần 400 tỷ đồng do các khoản thu khó đòi.

Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của các DN cũng bị "bào mòn" do thời gian xây dựng kéo dài, các chi phí giá vốn tăng cao. Chẳng hạn biên lợi nhuận gộp của Coteccons trong quý I/2023 chỉ còn 1,8%; trong khi Hòa Bình âm tới 17%.

Một số DN khác như Công ty CP Hưng Thịnh Incons (HTN), Công ty CP Xây dựng SCG (SCG)… thì lại có hệ số đòn bẩy tài chính rất cao, vượt cả quy mô vốn chủ sở hữu.

Tuy nhiên, bước sang quý II/2023, các động thái quyết liệt về giải ngân đầu tư công, gỡ khó cho thị trường bất động sản… đã có phần tác động tích cực lên các DN ngành xây dựng. Từ đó, BCTC quý II/2023 của nhiều DN trong ngành đã xuất hiện những "gam màu sáng" hơn.

Chẳng hạn, Coteccons đã báo lợi nhuận trước thuế trong quý II/2023 đạt 39 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Coteccons đạt lợi nhuận 69 tỷ đồng, tăng tới 525% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp ngành xây dựng kịp “ghìm cương” trước bờ vực? - Ảnh 3.

Sơ đồ các dự án đầu tư công trọng điểm gần đây trên toàn quốc. Nguồn: SSI Research

Tương tự, "ông lớn" Hòa Bình trong quý II cũng ghi nhận khoản lợi nhuận gộp đạt 423 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, tại Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - VCG), trong quý II/2023, DN này ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.566 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sau khi khấu trừ các chi phí phát sinh, VCG báo lãi sau thuế 130,3 tỷ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VCG ghi nhận doanh thu 6.531 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ 654 tỷ đồng.

Một "ông lớn" khác ngành xây dựng là Ricons - nguyên đơn vừa kiện Coteccons ra tòa yêu cầu mở thủ tục phá sản do không trả nợ - cũng có kết quả kinh doanh quý II/2023 khá tích cực. Cụ thể, trong quý Ricons báo lãi hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ricons đạt lợi nhuận ròng hơn 68 tỷ đồng, tăng 41% và cũng vượt chỉ tiêu về lợi nhuận cả năm.

Còn tại Hưng Thịnh Incons (HTN) thì ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.998 tỷ đồng, đạt 47,6% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của Hưng Thịnh Incons trong quý II/2023 đạt hơn 48,9 tỷ đồng.

Chuyển hướng đi để phục hồi

Dù bức tranh tài chính trong quý II/2023 của các DN ngành xây dựng đã xuất hiện những "gam màu sáng", nhưng trên thực tế, khó khăn vẫn đang tiếp tục bủa vây ngành xây dựng. Các DN trong ngành vẫn đang phải đối diện với không ít khó khăn khi chất lượng tài sản, chất lượng lợi nhuận vẫn còn khá thấp. Trong khi đó, áp lực lãi vay cũng là một gánh nặng không thể không tính tới

Tại "ông lớn" Xây dựng Hòa Bình, trong quý II/2023, nhờ khoản lợi nhuận khác lên tới 653 tỷ đồng, chủ yếu do thanh lý tài sản cố định, vật tư (khoảng 656 tỷ đồng), Hòa Bình mới có lãi.

Hoặc tại Vinaconex, trong quý II/2023, doanh thu hoạt động tài chính giảm, trong khi chi phí tài chính tăng mạnh cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng cao… khiến khoản lãi sau thuế sụt giảm 24,3% so với cùng kỳ, chỉ đạt 130,3 tỷ đồng.

Chưa kể, chi phí lãi vay của Vinaconex hiện xấp xỉ 431 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc trung bình mỗi ngày DN phải chi gần 2,4 tỷ đồng để trả lãi vay trong nửa đầu năm 2023.

Doanh nghiệp ngành xây dựng kịp “ghìm cương” trước bờ vực? - Ảnh 4.

Coteccons đang chuyển hướng sang các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm... Ảnh: Coteccons

Nhận diện được những khó khăn trên, hiện các DN ngành xây dựng đã và đang có xu thế chuyển hướng để kịp "ghìm cương" trước bờ vực bằng các giải pháp như: Chuyển hướng sang các dự án hạ tầng, giao thông trọng điểm, công trình tiện ích, trường học, bệnh viện, xây dựng công nghiệp, các dự án đầu tư công… từ đó đa dạng tệp khách hàng nhằm sẵn sàng ứng phó với các khó khăn liên tục xảy ra.

Có thể kể đến như tại Coteccons, việc tham gia và thắng được gói thầu xây dựng giá trị hàng trăm triệu USD với Lego đã giúp Coteccons đảm bảo được khối lượng công việc cho hơn 2.000 cán bộ, nhân viên. Đồng thời, thể hiện được sức khỏe tài chính chất lượng với hơn 4.000 tỷ đồng tiền mặt (đóng góp lớn từ nguồn tiền trả trước của Lego).

Mới đây, Coteccons cũng tham gia và đứng đầu Liên doanh Hoa Lư, gồm: Coteccons (CTD) - Xây dựng Central - Xây dựng An Phong – CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) để nộp thầu tại gói thầu 5.10 sân bay Long Thành với quy mô hơn 35 nghìn tỷ. Tuy sau đó, liên doanh này bị loại nhưng rõ ràng đây cũng là bước đi mới đầy triển vọng của Coteccons.

"Đây là bước đi mở ra kỳ vọng dài hạn mới của CTD trong việc lấn sân vào mảng hạ tầng, đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào tính chu kỳ của xây dựng dân dụng truyền thống", SSI Research, nhận định về hướng đi này của Coteccons.

Theo SSI Research, Coteccons cũng tích cực tìm kiếm các gói thầu xây dựng công nghiệp với quy mô lớn và độ phức tạp cao. Trong Backlog chuyển sang 2023, CTD tiếp tục thi công các gói thầu quy mô lớn đã ký như Nhà máy luyện gang thuộc dự án Khu liên hợp thép Hòa Phát Dung Quất, Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast.

"Các gói thầu từ khách hàng công nghiệp với quy mô lớn và độ phức tạp cao kể trên có biên lợi nhuận tốt hơn, ít bị chiếm dụng vốn hơn mảng dân dụng, là lĩnh vực giúp CTD gia tăng lợi thế cạnh tranh với hồ sơ năng lực ngày càng hoàn thiện, hưởng lợi dòng vốn FDI vào Việt Nam trong các năm tới", chuyên gia của SSI Reeseach, nhận định.

Chiến lược này cũng đang được Đèo Cả Group áp dụng. Cụ thể, bên cạnh hàng chục nghìn tỷ đồng rót vào thi công, xây lắp các dự án đầu tư công, "ông lớn" này còn muốn lấn sân sang cả các dự án sân bay, đường sắt…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem