Bán bớt công ty con, bắt tay với “đối thủ” để tập trung nguồn lực vào các dự án đầu tư công, nhà ở xã hội... là những giải pháp mà các doanh nghiệp (DN) ngành xây dựng đang triển khai để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Một trong những thông tin đáng chú ý nhất của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC), được bật mí tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, là việc DN này cho biết sẽ bắt tay với các "đối thủ" trong ngành xây dựng như Coteccons, An Phong, Central… để tham gia gói thầu thi công dự án Sân bay Quốc tế Long Thành.
Chìm trong thua lỗ, DN xây dựng loay hoay tìm hướng đi
"Ông lớn" Hòa Bình là một trong các DN gây chú ý thời gian qua. Sau các "lùm xùm" về nhân sự cấp cao từ thời điểm giáp tết Nguyên đán 2023, Hòa Bình lại tiếp tục gây chú ý khi đối diện với các khoản lỗ "khủng" trong năm 2022.
Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã được kiểm toán của DN này cho thấy, doanh thu thuần của HBC đạt 14.149 tỷ đồng, tăng 26 tỷ đồng so với trước kiểm toán và tăng 25% so với năm 2021. Tuy nhiên, khoản lỗ ròng lại tăng gấp 2,27 lần, lên 2.594 tỷ đồng so với mức 1.138 tỷ đồng ở báo cáo tự lập.
Tổng tài sản giảm 1.353 tỷ đồng so với trước kiểm toán, về mức 15.573 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu cũng giảm 1.447 tỷ đồng xuống còn 1.196 tỷ đồng, tương ứng giảm 70,5% so với năm 2021.
Trong quý I/2023, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng lỗ sau thuế gần 445 tỷ đồng.
Trước những khó khăn về tài chính, những ngày cuối tháng 6/2023, Hòa Bình đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng 100% vốn góp của tập đoàn tại Công ty TNHH MTV Máy Xây dựng MATEC - công ty con quản lý khai thác toàn bộ số thiết bị máy móc của Hòa Bình - cho nhà đầu tư Ashita Group.
Dự kiến tổng giá trị chuyển nhượng và một phần thiết bị đã khấu hao hơn 1.100 tỷ đồng và sẽ được bổ sung vào vốn lưu động cho HBC.
Dữ liệu của Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp xây dựng trong 3 tháng đầu năm chỉ thực hiện được khoảng 8% kế hoạch của năm 2023.
Trước đó, ngày 20/5/2023, HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng có nghị quyết về việc chuyển nhượng 100% vốn góp của Công ty TNHH Trung tâm Đổi mới sáng tạo Hòa Bình cho Công ty TNHH Nuance hoặc bên thứ 3 do Nuance chỉ định với giá 167 tỷ đồng.
Ngoài 'bán con', Hòa Bình cũng trình cổ đông phương án phát hành riêng lẻ 274 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 12.000 đồng/cổ phiếu trong năm nay, tương ứng với số vốn tối thiểu có thể huy động được là 3.288 tỷ đồng.
Số tiền huy động được sẽ dùng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hoán đổi nợ với các đối tác (nhà thầu phụ, nhà cung cấp, nhà sản xuất), thanh toán các khoản nợ vay và đầu tư phát triển dự án.
Một doanh nghiệp khác cũng chịu lỗ là Công ty Hưng Thịnh Incons. Theo đó, doanh thu thuần quý I/2023 của DN này giảm 71% so với cùng kỳ, xuống 429 tỷ đồng và LNST âm 17,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 43,2 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Hưng Thịnh Incons đạt 9.198 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm; tuy nhiên, khoản tiền mặt và tiền gửi lại giảm gần 30% so với đầu năm, còn 118 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 16,3% lên 2.118 tỷ đồng.
Đến cuối quý I, nợ phải trả của công ty tăng nhẹ lên 7.752 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 7.348 tỷ đồng; tổng nợ vay giảm nhẹ xuống 2.427 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu ngắn hạn 195 tỷ đồng và chịu lãi suất năm là 17,75%/năm.
Đồng cảnh ngộ, Công ty Vinaconex có lợi nhuận sau thuế trong quý I/2023 khoảng 19 tỷ đồng, giảm tới 98% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kỳ vọng "vượt bão"
Mặc dù ngành xây dựng vẫn được dự báo sẽ rất khó khăn thời gian tới, tuy nhiên, các DN với những hướng đi mới của mình vẫn khá tự tin sẽ gặt hái được thành công trong bối cảnh khó khăn.
Tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, DN này đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh tăng so với công bố trước đó. Cụ thể, tổng doanh thu tăng thêm 5.000 tỷ đồng lên 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng thêm 25 tỷ đồng lên 125 tỷ đồng. Chỉ tiêu trúng thầu 17.000 tỷ đồng.
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình, cho hay, việc tái cấu trúc toàn diện, tái cấu trúc hệ thống quản lý, tài chính, thị trường, công ty thành viên và cả công ty liên kết… đang được đẩy mạnh và Xây dựng Hòa Bình sẽ sớm vượt qua khó khăn.
Liên quan đến các khoản nợ, ông Hải cho hay, 89 đối tác đã đồng ý cấn trừ nợ bằng việc mua cổ phiếu với giá trị 650 tỷ đồng.
"Sau khi hoàn tất việc định giá lại tài sản, phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược, hoàn thành việc hoàn nhập nợ ngắn hạn phải thu khó đòi lũy kế lên đến 2.059 tỷ đồng, thì vốn chủ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình không những sẽ trở lại như cũ mà còn cao hơn nhiều", Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình, khẳng định.
Không chỉ Hòa Bình, nhiều "ông lớn" ngành xây dựng khác cũng đặt kế hoạch kinh doanh khá lạc quan.
Chẳng hạn, Coteccons (CTD) cũng tự tin đặt kế hoạch doanh thu cả năm đạt 16.249 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 233 tỷ đồng, tăng 11 lần so với năm 2022.
Để đạt mục tiêu, bên cạnh mảng xây dựng truyền thống, Coteccons sẽ tập trung vào các dự án có quy mô lớn, giá trị cao (Mega) từ doanh nghiệp FDI với vai trò tổng thầu. Ngoài ra, DN cũng đang tập trung cho các dự án hạ tầng như cao tốc, metro, các dự án đường bộ, đặc biệt là sân bay Long Thành…
Một "ông lớn" khác của ngành thầu xây dựng là Fecon (FCN) cũng đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2023 đạt 3.800 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 125 tỷ đồng, tăng 140% so với năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.