Bộ trưởng Bộ Xây dựng lý giải việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn

Thái Nguyễn Thứ sáu, ngày 23/06/2023 18:39 PM (GMT+7)
Sau các ý kiến góp ý, thảo luận của ĐBQH về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã phát biểu giải trình nhiều vấn đề liên quan tới tính đồng bộ, quy định giao dịch bất động sản qua sàn,…
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, về phạm vi điều chỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo luật, làm rõ phạm vi, nội dung điều chỉnh của luật theo hướng bảo đảm phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bao quát được hoạt động kinh doanh bất động sản, phân định rõ hoạt động kinh doanh bất động sản và các giao dịch dân sự không vì mục đích kinh doanh khác.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu để quy định đồng bộ các nội dung liên quan đến giao dịch nhà ở, giữa các luật có liên quan để đảm bảo việc kinh doanh nhà ở thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản; chính sách phát phát triển nhà ở, sở hữu nhà ở, các giao dịch nhà ở khác thực hiện theo Luật Nhà ở, đảm bảo thống nhất, không chồng chéo với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư, Xây dựng,…

Về bất động sản đưa vào kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết tại điều 6 dự thảo Luật đã quy định về nhóm các loại bất động sản kinh doanh bao gồm: nhà ở và các loại công trình xây dựng có công năng phục vụ mục đích. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo luật để đảm bảo bao quát các loại bất động sản được đưa vào dự thảo luật.

Về điều kiện với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, Bộ trưởng nhấn mạnh, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung khoản 1, 2, 3 Điều 10 dự thảo Luật để báo cáo Chính phủ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo kiến nghị giữ khoản 2 Điều 10 vì cần bảo đảm phạm vi điều chỉnh bao quát đầy đủ các đối tượng kinh doanh bất động sản, trong đó có đối tượng là cá nhân kinh doanh bất động sản.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng lý giải việc bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị giải trình về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị giữ lại các nội dung chính của khoản 3, Điều 10 dự thảo luật, do đây là nội dung được luật hóa quy định tại Điều 5 Nghị định 02/2022/NĐ-CP trong đó có quy định các trường hợp cơ quan tổ chức bán nhà, công trình xây dựng chuyển nhượng quyền sử dụng đất do phá sản, giải thể, chia tách, còn việc sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp cơ bản không phát sinh mua bán, chuyển nhượng bất động sản.

Trước thềm phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Trong đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ việc quy định các giao dịch bất động sản hình thành trong tương lai thực hiện thông qua sàn giao dịch bất động sản là nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 18 Trung ương khóa XIII về đất đai.

"Việc yêu cầu mua bán bất động sản qua sàn cũng sẽ giúp Nhà nước có công cụ quản lý thông tin về thị trường bất động sản, từ đó đưa ra các chính sách nhằm điều tiết kịp thời thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định", Bộ trưởng Bộ Xây dựng nêu rõ.

Đặc biệt, việc quy định giao dịch qua sàn không gia tăng chi phí bất hợp lý cho chủ đầu tư hay làm tăng giá bán. Hiện nay, chi phí quản lý, bán hàng của chủ đầu tư thường phải xác định trong khoảng từ 8 - 10% giá bán (bao gồm các chi phí nhân sự, quảng bá, truyền thông, hoa hồng cho người bán được hàng…). Chi phí này cũng là chi phí đã được các chủ đầu tư tính vào giá bán. Do vậy, chủ đầu tư có thể bỏ chi phí (sử dụng bộ máy, nguồn lực riêng của mình) để tự tổ chức bán hàng hoặc thành lập sàn hay thuê sàn bất động sản để thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng khẳng định, các giao dịch bất động sản hình thành tương lai có nhiều đặc thù như tài sản chưa hình thành, pháp lý của dự án bất động sản phức tạp, điều kiện đưa vào kinh doanh phải được kiểm soát theo thực tế triển khai của dự án, trong khi các giao dịch này không thực hiện qua công chứng.

Do vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh cần thiết đưa vào giao dịch qua sàn để đảm bảo công khai, minh bạch, giúp ngăn chặn các hành vi lừa đảo trong giao dịch bất động sản. Việc yêu cầu giao dịch bất động sản qua sàn nhằm minh bạch hóa hoạt động của tất cả các chủ thể tham gia thị trường, tránh rủi ro cho người dân, hạn chế hiện tượng khiếu kiện gây mất trật tự, an ninh xã hội.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem