Đòi truy thu thuế hơn 7,17 tỷ đồngNgười bị kiện trong vụ án này là Chánh thanh tra Bộ Tài chính. Người khởi kiện là Công ty MASECO. Đối tượng bị khởi kiện là Quyết định số 150/QĐ/TTr ngày 11.12.2012 của Chánh thanh tra Bộ Tài chính xử phạt truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), buộc MASECO nộp lại số tiền hơn 7,17 tỷ đồng - số tiền thuế TNDN chênh lệch từ năm 2009 đến 2011.
Dây chuyền sản xuất cà phê của MASECO.
Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng, trong 3 năm từ 2009-2011, MASECO đã thực hiện kê khai nộp thuế TNDN theo thuế suất 20% là không đúng theo giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư mà mức thuế suất phải là 25%. Thanh tra bộ vận dụng quy định tại điểm 2, phần I Thông tư 130/2008 của Bộ Tài chính để cho rằng MASECO đã hết thời hạn được ưu đãi về thuế đến hết kỳ tính thuế của năm 2008, do vậy từ 2009-2011, MASECO không được hưởng ưu đãi như quy định tại Thông tư này. Trên cơ sở đó, ngày 11.12.2012 Chánh thanh tra Nguyễn Kim Liên đã ban hành Quyết định số 150 như đã nói ở trên.
Không đồng tình với quyết định xử phạt này, ngày 24.12.2012 Công ty MASECO đã có văn bản (số 225) khiếu nại lần đầu Quyết định số 150. Tuy nhiên, Chánh thanh tra Nguyễn Kim Liên đã ban hành Quyết định số 09/QĐ-TTr bác khiếu nại này của MASECO, bảo lưu quan điểm truy thu của MASECO hơn 7,17 tỷ đồng.
Ngay sau đó, MASECO đã nộp số tiền hơn 7,17 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính. Nhưng vẫn không đồng tình với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Thanh tra Bộ Tài chính, MASECO đã nộp đơn khởi kiện Chánh thanh tra Bộ Tài chính ra tòa, đối tượng khởi kiện là Quyết định số 150.
Khi TAND TP.HCM đang thụ lý vụ kiện hành chính giữa MASECO và Chánh thanh tra Bộ Tài chính, ngày 26.7.2013, ông Đặng Ngọc Tuyến – Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính (người được ủy quyền) đã gửi đến tòa văn bản số 418/TTr với nội dung khẳng định hành vi của MASECO là cố tình trốn thuế và đề nghị TAND TP.HCM chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ hành vi gian lận, trốn thuế đối với MASECO cũng như các cá nhân liên quan (!?)
Phó Chánh thanh tra ra văn bản trái luậtTheo luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP.HCM), yêu cầu của Phó Chánh thanh tra Bộ Tài chính Đặng Ngọc Tuyến trong văn bản 418 là trái với quy định tại Luật Tố tụng hành chính. Theo Luật Tố tụng hành chính, khi tòa án đang thụ lý vụ án thì lúc này, tư cách của Thanh tra Bộ Tài chính là người bị kiện, do đó không có quyền can thiệp vào hoạt động của tòa án.
Trả lời PV NTNN, ông Đặng Ngọc Tuyến cho rằng luật sư nói vậy là chuyện của luật sư, còn “tôi là cơ quan công quyền, tôi thu tiền cho Nhà nước”. Tuy nhiên, ông Tuyến không giải thích lý do vì sao lại ký vào văn bản với tính chất “hăm dọa” doanh nghiệp như vậy. Ông Tuyến chỉ nói ngắn gọn: “Văn bản đó chỉ là đề xuất, còn chuyển hay không là chuyện của tòa”.
|
Còn luật sư Nguyễn Minh Thuận – Giám đốc Công ty Luật Sài Gòn Việt Nam cho rằng, theo quy định của pháp luật, đối với một hành vi vi phạm, cơ quan thanh tra không thể xử phạt 2 lần. “Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng MASECO vi phạm trong việc kê khai nộp thuế ưu đãi và đã ra quyết định xử phạt số 150.
MASECO đã chấp hành quyết định này bằng việc nộp tiền vào tài khoản tạm giữ sau khi gửi đơn khiếu nại. Như vậy, hành vi vi phạm của MASECO đã bị xử phạt hành chính. Thế nhưng, Phó Chánh thanh tra Đặng Ngọc Tuyến lại có văn bản cho rằng công ty có hành vi cố tình trốn thuế và yêu cầu tòa án chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra là hoàn toàn trái quy định pháp luật. Ở đây không loại trừ khả năng Thanh tra Bộ Tài chính muốn dọa để doanh nghiệp sợ mà rút đơn kiện” – luật sư Nguyễn Minh Thuận nhận định.
Luật sư Nguyễn Quang Thái (Đoàn Luật sư TP.HCM) đặt giả thiết: Cứ cho là những điều nêu trong văn bản này là đúng sự thật, vậy thì cần hỏi ngược lại là liệu có hay không hành vi bao che cho tội phạm khi mà Thanh tra Bộ Tài chính đã biết MASECO trốn thuế nhưng không chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra mà chỉ ra quyết định xử phạt hành chính? “Bởi theo quy định của Luật Thanh tra, khi phát hiện doanh nghiệp cố tình trốn thuế thì trong vòng 5 ngày, đoàn thanh tra phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để đề nghị làm rõ. Trong trường hợp này, phải hơn nửa năm sau khi “phát hiện” MASECO có dấu hiệu gian lận thuế, Thanh tra Bộ Tài chính mới có văn bản đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc. Như vậy là trái luật” - luật sư Thái khẳng định.
Võ Đức Phúc (Võ Đức Phúc)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.