Doanh nghiệp Việt phải thắng trên "sân nhà" trước khi nghĩ đến "mang chuông đi đánh xứ người"
Doanh nghiệp Việt phải thắng trên sân nhà trước khi nghĩ đến "mang chuông đi đánh xứ người"
Quốc Hải
Thứ sáu, ngày 15/03/2024 09:50 AM (GMT+7)
CEO của hàng loạt doanh nghiệp đầu ngành như Lộc Trời, KiDo, Thiên Long, PNJ, Vinamit... đã có những chia sẻ về chiến lược giúp doanh nghiệp Việt vươn mình phát triển, cũng như những kế hoạch mà họ đang hướng đến trong giai đoạn này, để thâm nhập thị trường quốc tế.
Theo kịp xu hướng xanh – sạch, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, nhận định giai đoạn hiện nay thì sản xuất xanh – sạch là yếu tố quyết định phát triển bền vững. Lộc Trời đang đặc biệt chú trọng vào việc đào tạo và huấn luyện nông dân và cán bộ nghiệp vụ của mình theo hướng này, bởi đó chính là triết lý sống của doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, một phần quan trọng trong chiến lược của Lộc Trời là xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa, trong đó áp dụng các quy trình quản lý xanh và sạch.
"Quy trình này bao gồm nghiên cứu khoa học về canh tác, đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm", ông Thòn nói và nhấn mạnh thêm việc DN đang tăng cường kiểm tra và giám sát để đảm bảo chất lượng và công bằng trong quá trình mua hàng.
"Lộc Trời thậm chí đã thiết lập chiến lược tăng giá trị cho những vùng nguyên liệu đạt chuẩn, khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình xanh và sạch. Điều này không chỉ là cách để nâng cao giá trị của sản phẩm, mà còn đảm bảo môi trường và phục vụ người tiêu dùng. Chính những nỗ lực này đã giúp sản phẩm của chúng tôi xuất hiện trên các siêu thị ở châu Âu", ông Thòn nói.
Dẫn chứng, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời cho hay tại diễn đàn lúa gạo bền vững (SRP), Lộc Trời đã đạt 100 điểm, điều mà không một quốc gia nào trên thế giới làm được trong 4 năm qua.
"Điều này chứng minh rằng sản phẩm của chúng tôi không chỉ đạt chất lượng cao mà còn đáng tin cậy và có uy tín. Chứng nhận này là minh chứng cho quy trình sản xuất bền vững của chúng tôi, kết hợp các yếu tố về đất, khí hậu, quy trình làm việc và bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi ích cho cả người sản xuất và người tiêu dùng", ông Thòn tự hào.
Còn theo ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Công ty CP Vinamit, sau dịch bệnh, thị trường đã hình thành một xu hướng mới, đó là thực phẩm xanh, thực phẩm chữa lành. Cộng thêm suy thoái kinh tế, chiến tranh, vấn đề an ninh lương thực được đặt ra, làm sao để vừa sống tốt, vừa có lương thực đầy đủ.
"Việt Nam chúng ta là nơi có tài nguyên rất quý cùng với lực lượng lao động trẻ, giỏi trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Đây là tài sản, không chỉ cho chúng ta sử dụng, cho thị trường trong nước mà nó là nguồn lực, tiềm lực để chúng ta có thể theo kịp hướng giúp sản xuất, tiêu dùng toàn cầu", ông Viên nói.
Theo Chủ tịch Vinamit, về mặt chiến lược, DN đang tiếp tục xây dựng cho mình một Viện Nghiên cứu và Ứng dụng về khoa học sức khỏe, để tập hợp những nhà khoa học trẻ, nghiên cứu những sản phẩm thật sự mang lại lợi ích về sức khỏe cho người tiêu dùng.
"Chiến lược này nhằm nâng tầm giá trị của sản phẩm nông nghiệp, nâng tầm giá trị của cây trồng. Từ đó, chúng ta sẽ có được những thương hiệu, danh hiệu, giá trị thực sự của sản phẩm không chỉ cho người tiêu dùng trong nước mà còn cho người tiêu dùng ở nước ngoài trong tương lai, mạnh dạn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu", ông Viên khẳng định.
Bà Trần Phương Nga, CEO Công ty CP Tập đoàn Thiên Long, với 3.500 nhân sự, nhấn mạnh đến việc đầu tư cho nhân sự - tạo dựng giá trị cốt lõi mới.
"Việc đầu tư vào nhân sự và phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt ngày nay là rất quan trọng. Thiên Long đã và đang xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp và đa dạng, kế thừa và bổ sung giá trị mới để phù hợp với xu thế hiện nay. Sự đa dạng và hội nhập trong tổ chức là cần thiết để thu hút nhân tài và đối mặt với thách thức, đổi mới", bà Nga nói thêm.
Ở một khía cạnh khác, ông Lê Trí Thông, CEO PNJ, nhấn mạnh đến việc các DN phải chuyển đổi số - chuyển đổi vị thế.
Theo ông Thông, trong suốt những năm vừa qua, PNJ đã thực hiện rất nhiều những chuyển đổi về mặt công ty, quản lý, vận hành, trong đó chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ là những lĩnh vực mà DN ưu tiên và quyết liệt.
Chính những chuyển đổi này đã giúp cho PNJ - ngay cả trong những năm khó khăn do dịch bệnh Covid - vẫn tiếp tục phát triển.
Đặc biệt, câu chuyện về phát triển các kênh digital để tiếp cận khách hàng, đã mang lại hiệu quả tích cực, thấy rõ cho PNJ.
"Digital cũng giúp chúng tôi tối ưu hóa vận hành trong sản xuất, tối ưu hóa vận hành chuỗi cung ứng, tối ưu hóa vận hành của hệ thống bán lẻ... Hướng về phía trước, chúng tôi đang nhìn về những công nghệ mới. Ở đó, chúng tôi thấy công nghệ của câu chuyện của AI, câu chuyện của công nghệ liên quan tới Blockchain... đang làm thay đổi rất nhiều trong ngành bán lẻ.
Đó là nơi chúng tôi tiếp tục thay đổi để không chỉ mang lại lợi ích cho PNJ mà còn tạo nên những giá trị mới cho khách hàng, từ giao tiếp, tương tác, mua bán, trải nghiệm...", CEO PNJ tin tưởng.
Phải làm chủ trên "sân nhà" trước
Trong giai đoạn thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, ông Trần Thái Nguyên, Phó tổng Giám đốc Công ty Qui Phúc, khẳng định các DN Việt nên làm chủ thị trường nội địa trước khi mở rộng kênh xuất khẩu.
Tại Qui Phúc, để phát triển bền vững, DN đã tập trung vào việc chăm sóc khách hàng và xây dựng hệ thống phân phối hiệu quả. Hiện tại, DN đã thành công trong việc xây dựng 63 nhà phân phối và hơn 15.000 điểm bán trên 63 tỉnh thành.
Về chiến lược sắp tới, ông Nguyên cho hay, Qui Phúc đặt ra nhiều mục tiêu tiếp theo là cập nhật công nghệ và tự động hóa quy trình. Tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm thông minh, tiện ích và chất lượng. Tiếp tục đầu tư vào năng lực nhân sự và xây dựng môi trường làm việc tích cực...
Trong khi đó, ông Trần Lệ Nguyên, CEO Tập đoàn KiDo thì khuyến nghị các DN Việt cần tăng tốc bán hàng đa kênh trước khi quá muộn.
Theo CEO Tập đoàn KiDo, trong những năm gần đây, KiDo đã chuyển mạnh sang kinh doanh trực tuyến và hiện tại doanh số bán hàng trực tuyến chiếm gần 70%. Trên nền tảng Shopee, KiDo đang đứng trong top 3.
"Trước đây chúng ta chỉ bán trên kênh truyền thống nhưng ngày nay phải bán hàng qua công nghệ, bắt đầu livestream. Giữa bán trực tiếp và online thì tiêu thụ online tăng đáng kể, đặc biệt rất có lợi cho người tiêu dùng. Khi giảm bớt những chi phí trung gian cũng như logistics, marketing, sale… Đặc biệt TikTok vẫn thường tung ra rất nhiều voucher, tất cả đều có lợi cho người tiêu dùng", ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ.
Để xây dựng một kênh bán hàng hiệu quả trên mạng, CEO Tập đoàn KiDo góp ý, điều quan trọng nhất là phải có lượng người theo dõi đáng kể. DN Việt cần xây dựng các nền tảng và kênh truyền thông không chỉ là để quảng cáo và bán hàng, mà còn là để tương tác và cung cấp giải trí cho cộng đồng.
Mới đây, Tập đoàn KIDO đã "bắt tay" với TikTok mở kênh giải trí và livestream bán hàng mang tên E2E. Chỉ mới ra mắt hơn 3 tháng, nhưng kênh E2E đã nhanh chóng thu hút người xem khi đã có những clip lên đến hàng chục triệu view, mang lại một làn gió mới cho các tiểu thương, doanh nghiệp khi mang hàng chợ lên thương mại điện tử.
"Thương mại điện tử các nước phương Tây hay Trung Quốc đã đi trước từ rất lâu và đã rất thành công với vô vàn các nền tảng. Việt Nam đi sau nhưng vẫn còn nhiều cơ hội khi có các nền tảng mới xuất hiện. Chúng ta hãy mạnh dạn tăng tốc đừng để quá muộn mới bắt đầu!", CEO Tập đoàn KiDo khuyến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.