Nói một đường, làm một nẻo
Chưa đầy 1 tháng, thị trường chứng kiến việc xăng dầu tăng giá 3 lần. Lần nào cũng trong biên độ cho phép (dưới 7%) và cách nhật 10 ngày. Mỗi lần tăng giá xăng, các doanh nghiệp (DN) đầu mối, đều giải thích: Giá thế giới biến động.
Song, sự quá thống nhất của thị trường xăng dầu: Tăng cùng 1 mức giá, tăng cùng 1 thời điểm, khó khăn y như nhau thì câu hỏi đặt ra có chăng chuyện các doanh nghiệp đầu mối “bắt tay làm xiếc” (?).
|
Cây xăng tại thị trấn Cầu Diễn, Hà Nội dừng bán hàng trước g xăng dầu tăng giá chiều 13.8. |
Trước giờ xăng tăng giá chiều 13.8, thậm chí trước đó 3- 4 ngày, ở nhiều tỉnh, thành diễn ra cảnh tượng trạm bơm xăng từ nội đô đến ven đô không thèm bán hàng, treo biển “cúp điện”, “hết hàng”.
Vấn đề này được các doanh nghiệp bán lẻ cho rằng đang nằm ở khâu cung ứng của các DN đầu mối. Theo khai báo của DN đầu mối, xăng dầu không còn trong bể chứa. Sự thật thì sao? Trả lời phóng viên NTNN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lọc-Hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) - ông Nguyễn Hoài Giang khẳng định: Việc dừng nhà máy một vài ngày sẽ không có ảnh hưởng lớn đến thị trường xăng dầu trong nước.
Ông Đặng Vinh Sang - Tổng Giám đốc Saigon Petro, cũng cho biết dù Dung Quất tạm ngừng hoạt động, nhưng dự trữ xăng dầu của doanh nghiệp vẫn đảm bảo, nguồn cung xăng dầu cho đại lý vẫn thực hiện bình thường. Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex (doanh nghiệp hiện chiếm 60% thị phần xăng dầu) cũng xác nhận vẫn cung cấp nguồn hàng cho các đại lý trong hệ thống đảm bảo theo đúng hợp đồng đã ký.
Cây xăng bảo thiếu xăng nhưng nhà cung cấp bảo đủ, rõ ràng có sự vênh nhau. Ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội bình luận: Nhiều thủ thuật găm hàng, tăng giá rất tinh vi. Rõ ràng “nói” là một chuyện và “làm” lại là chuyện khác.
Thực tế là ngày 14.8, Cục Quản lý thị trường đã báo cáo Bộ Công Thương tình hình kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xăng dầu có hiện tượng găm hàng chờ tăng giá. Theo đó, ở phía Bắc có 1 cửa hàng xăng dầu ở thị trấn Hòa Lạc (Hà Nội), 1 cửa hàng ở Hà Nam, 10 cửa hàng ở Vĩnh Phúc ngừng bán hàng với lý do doanh nghiệp đầu mối không cung ứng hàng.
Ở phía Nam, TP.HCM đã kiểm tra 2 cửa hàng tại quận 12 và quận Gò Vấp; tỉnh Bình Dương đã có 1 cửa hàng bị lập biên bản nhưng chưa xử lý. Riêng tỉnh Đồng Nai tình hình phức tạp hơn khi có tới 17 cửa hàng ngưng hoạt động hoặc ngừng hoạt động một phần. Lý do các cửa hàng này đưa ra chủ yếu là do doanh nghiệp đầu mối không cung ứng hàng.
3 tồn tại
“Hiện nay, giá xăng trên thị trường Singapore tiếp tục leo dốc. Điều này sẽ khiến thị trường xăng trong nước còn nhiều biến động. Cơn sốt gom hàng của các đại lý và tổng đại lý có thể vẫn chưa dừng lại ở đây”.
Ông Trần Ngọc Năm - Phó Tổng Giám đốc Petrolimex
Trong khi đó, ông Vũ Vinh Phú cho rằng có 3 tồn tại hiện nay đang tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối gian dối, làm xiếc: “Các cơ quan quản lý không kiểm tra được lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp trước và sau thời điểm tăng giá; giá cơ sở không ai kiểm tra được tính hợp lý và tính chính xác; cho phép doanh nghiệp có lợi nhuận định mức”.
Từ các tồn tại này, ông Phú khẳng định: Không thể có thị trường minh bạch trong lĩnh vực xăng dầu, nên dẫn đến chuyện “ép dân” là điều dễ hiểu.
Với xăng dầu, dù vẫn đều đặn công bố bảng giá cơ sở đều đặn nhưng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đó chưa phải là tất cả hay đúng hơn mới chỉ là một phần nổi của giá. Còn rất nhiều vấn đề khác về các định mức kỹ thuật, chế độ hoa hồng, dự trữ lưu thông, sử dụng quỹ bình ổn và giá cả thực tế của mỗi lô hàng nhập khẩu và phân phối... chưa được làm rõ. Cao hơn nữa còn là nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho doanh nghiệp.
Phương Hà
Vui lòng nhập nội dung bình luận.