Doanh nhân Thái Bình sẽ chạy thử tàu ngầm Hoàng Sa ở hồ

Nguyễn Đức Thứ ba, ngày 24/11/2015 13:32 PM (GMT+7)
Tàu ngầm mini Hoàng Sa đã lặn nổi nhịp nhàng trong bể thử nghiệm. Một số tính năng cơ bản như: liên lạc thủy âm khi lặn sâu, hệ thống liên lạc tầm xa VHF, hệ hống camera quan sát dưới nước... hoạt động tốt, không gặp trục trặc.
Bình luận 0

Sau khi chế tạo thành công tàu ngầm mini Trường Sa 1, năm 2015, ông Nguyễn Quốc Hòa (56 tuổi, Giám đốc Công ty cơ khí Quốc Hòa, ở TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) tiếp tục nghiên cứu, chế tàu ngầm mini mang tên Hoàng Sa.

img

Tàu ngầm mini Hoàng Sa

Ngày 24.9, ông Hòa đưa tàu ngầm Hoàng Sa ra bể nước (có độ sâu 4m) thử nghiệm một số tính năng cơ bản của tàu. Đến ngày 22.11, ông Hòa đã đưa tàu ra khỏi bể, hoàn tất quá trình thử nghiệm.

Video chạy thử tàu ngầm Hoàng Sa trong bể sâu 4m:

Ông Hòa cho biết, những tính năng cơ bản như: hệ thống dẫn đường; liên lạc thủy âm khi lặn sâu, hệ thống liên lạc tầm xa VHF khi nổi; hệ hống camera quan sát dưới nước; hệ thống dò quét đáy biển, vật cản phía trước... đã thử nghiệm xong và đang hoạt động tốt.

“Khi đưa tàu ngầm vào bể, tôi đã điều khiển tàu và chạy thử một số tính năng cơ bản. Tàu ngầm đã lặn nổi khá nhịp nhàng trong bể mà không gặp bất kỳ sự cố nào”, ông Hòa thông tin.

img

Tàu ngầm thử nghiệm tại bể nước có độ sâu 4m

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa cho hay, tàu ngầm Hoàng Sa có thể chạy được 7 hải lý/h, tốc độ tối đa có thể đạt được 15 hải lý/h. Tàu mang theo 2 hành khách và sơn màu xanh.

Ông Hòa cho biết: “Tôi thích màu sơn xanh bởi vì nó gần với màu nước biển. Thêm nữa, màu đó nó cũng phù hợp với tuổi của tôi”.

“Hiện tại, tàu ngầm đã được đưa ra khỏi bể thử nghiệm. Tôi đang cân nhắc, nếu thời tiết tạnh ráo sẽ đưa tàu ngầm ra hồ hoặc một đoạn sông nào đó thử nghiệm ngay trong tuần này”, ông Hòa nói thêm.

img

Các thiết bị lắp đặt ở bên trong tàu ngầm Hoàng Sa

Trước đó, tàu ngầm Trường Sa 1 được đưa ra thử nghiệm ở hồ nước rộng 3ha tại Khu công nghiệp Vĩnh Trà, Thái Bình. Có thể ông sẽ tiếp tục mang tàu ngầm Hoàng Sa ra đây thử nghiệm trước khi đưa ra biển chạy thử.

Riêng về tính năng vượt bùn, bãi cạn, hoạt động nhiều ngày dưới biển, tiến ra biển không cần thuỷ triều, đi vào khu nước cạn tự vượt ra, như các con tàu nổi bình thường khi di chuyển dưới nước... chủ nhân con tàu cho hay, khi nào đưa ra hồ, hoặc biển, ông sẽ tiếp tục thử nghiệm những tính năng này.

Ông Hòa chế tạo tàu ngầm Hoàng Sa với mong muốn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và khai thác kinh tế biển của Tổ quốc.

Do vậy, trong thời gian tới, sau khi thử nghiệm các tính năng, khả năng của con tàu, ông Hòa sẽ xin phép cơ quan chức năng, đưa tàu Hoàng Sa thử nghiệm ở biển.

Nói về dự án tàu ngầm Trường Sa 1, ông Hòa cho biết thêm, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Quốc phòng (cụ thể là Hải quân) kết hợp kiểm tra, chạy thử, nhưng đến nay các thủ tục kéo dài hơn một năm vẫn chưa xong.

Tàu ngầm mini Hoàng Sa nặng 9 tấn, dài 7 m, bề ngang 2,5m; cao 2m và có thể lặn sâu 50m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm. Vỏ tàu được thiết kế bằng thép cường lực. Tàu có hình thoi dẹt.

Trước đó, tháng 3.2014, tàu ngầm mini Trường Sa 1 của ông Hòa đã thu hút sự chú ý của người dân khi lặn, nổi nhịp nhàng ở một hồ lớn. Sau khi đưa ra biển thử nghiệm, tàu ngầm gặp sự cố ở chân vịt nên không thể lặn. Ngay sau đó, ông Hòa đã đưa tàu về xưởng để khắc phục một số nhược điểm, đồng thời nghiên cứu chế tạo thêm tàu ngầm mới mang tên Hoàng Sa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem