Ông Việt kiều mê làm tàu ngầm

Tân Tiến Thứ ba, ngày 01/09/2015 06:52 AM (GMT+7)
Đó là Việt kiều Phan Bội Trân (SN 1954). Ông tiếp tôi trong nhà xưởng 300m2, chứa đầy máy móc và phụ tùng phục vụ sản xuất tàu ngầm. Ông cho biết sau khi thử nghiệm thành công tàu ngầm Yết Kiêu 1 (2010), ông tiếp tục nghiên cứu các phiên bản khác có tính năng cao hơn.
Bình luận 0

Làm để tặng quê hương

“Năm 1974, tôi du học tại Đại học Marseille (Pháp), chuyên ngành hóa học. Đến năm 1978, tốt nghiệp loại ưu, tôi được Công ty Comes (chuyên sản xuất tàu ngầm và máy bay…) nhận vào làm việc, đến năm 1984 lập gia đình. Năm 1985, kỹ thuật nhựa composite bắt đầu phát triển, tôi nghiên cứu và học hỏi từ các đồng nghiệp trong quá trình làm việc. Năm 2000, nghỉ việc để chuyển sang làm ma-nơ-canh” - ông Trân sơ lược về những dấu mốc trong cuộc đời.

img

Tàu ngầm Yết Kiêu 1 do ông Phan Bội Trân sản xuất.  Ảnh: Tân Tiến

Thời gian sống ở Pháp, ông Trân luôn ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó về Việt Nam sản xuất tàu ngầm để đóng góp cho quê hương. Năm 2006, một công ty Pháp ký hợp đồng với ông Trân làm tóc giả cho ma-nơ-canh. Đây là cơ hội để ông về Việt Nam làm tóc giả và không quên đem theo những kiến thức đã học và thực hành.

 “Về nước, tôi vừa sản xuất mặt hàng đối tác ký kết, vừa đi dạy và dành thời gian nghiên cứu sản xuất tàu ngầm. Sau đó liên hệ và được Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP.HCM ủng hộ nên tôi thực hiện. Cuối năm 2010, tàu Yết Kiêu 1 có thiết kế vỏ bằng chất liệu composite, dài 3,2m, ngang 1m, cao 1m, có tổng trọng lượng hơn 1 tấn, chạy bằng điện ắc-quy, được thử nghiệm trong hồ của trường hải quân. Người điều khiển tàu thử nghiệm là tôi. Tàu chạy tốt và lặn sâu 2,6m. Từ thành công đó, tôi tiếp tục nghiên cứu các tàu ngầm Yết Kiêu khác rồi tặng luôn hồ sơ thiết kế của Yết Kiêu 1 và của các dự án khác cho cơ quan có thẩm quyền”- ông Trân kể lại.

Mơ... hạm đội tàu ngầm

Theo ông Trân, nguyên lý cơ bản của tàu ngầm khi lặn xuống đã được nước che chắn nên “tàng hình”. Vỏ của những chiếc Yết Kiêu được chế từ chất liệu nhựa composite không những vô hiệu hóa được các thiết bị radar mà còn có độ bền, không bị mục. Vì thế các phiên bản tàu ngầm Yết Kiêu sau này được thiết kế dài 6m hoặc hơn, chở được 3 - 5 người, đem theo 2 quả ngư lôi và có khả năng chạy ngầm lên tới 50 hải lý/giờ, có thể hoạt động cách căn cứ mẹ khoảng 1.000km, và ngư lôi của tàu ngầm ông Trân sản xuất có thể đánh gãy đôi khu trục hạm của đối phương!

Thế nhưng nhiều ý kiến cho rằng lý thuyết của ông Trân là... không tưởng. Tàu ngầm do ông Trân sản xuất chỉ có thể áp dụng trong du lịch biển hoặc lặn sửa chữa giàn khoan dầu khí. Các ý kiến phản biện nêu: Mỗi khu trục hạm tham chiến đều có rất nhiều tàu chiến theo bảo vệ, chưa kể máy bay săn ngầm với nhiều vũ khí và thiết bị hiện đại của đối phương có tầm hủy diệt được kích hoạt từ xa. Tàu nổi vận tốc cũng chỉ đạt 30 hải lý/giờ, còn dưới mặt nước bị tác động nhiều bởi các hướng sóng, vật liệu composite liệu có chịu nổi dưới tầng sâu mặt biển, chưa kể tàu Yết Kiêu 1 của ông Trân quá nhỏ làm sao chở được vũ khí…

“Nước mình còn nghèo, nên phải nghiên cứu chế ra thiết bị quân sự an toàn nhưng rẻ, che mắt được đối phương, bảo đảm khả năng tác chiến trên phạm vi rộng, phù hợp với khoa học quân sự và nghệ thuật quân sự của nước ta. Giá thành của tàu ngầm do tôi sản xuất không cao, với 100 chiếc chỉ bằng giá 1% so với khu trục hạm. Nếu chiến tranh trên biển xảy ra, với hàng trăm, hàng ngàn chiếc Yết Kiêu, chúng ta sẽ  chủ động bao vây tàu kẻ thù để diệt gọn nhưng vẫn bảo toàn sinh lực. Còn làm thế nào hoạt động ở khoảng cách 1.000km, chở được vũ khí hạng nặng… thì đó là bí mật quân sự, tôi chỉ cung cấp cho quân đội ta”- ông Trân nói.

Sản xuất “tàu lặn” bán cho nước ngoài

Thử nghiệm thành công Yết Kiêu 1, ông Trân dựa trên nguyên lý hoạt động của tàu ngầm này để chế “tàu lặn” phục vụ du lịch và mục đích dân dụng. Năm 2014, thông qua công ty môi giới, ông sản xuất và bán cho Malaysia 25 chiếc.

Theo ông Trân, tuy chúng có hình dạng như tàu lặn nhưng chỉ gọi là thiết bị lặn, có thiết kế vỏ bằng nhựa composite, dài 2m, ngang 0,8m, cao 1,9m, trọng lượng trên cạn 250kg, có thể lặn sâu 2m và đạt vận tốc từ 1-1,5 hải lý/giờ. Thiết bị chạy được nhờ động cơ (3 cánh quạt) sử dụng nguồn điện 1 chiều. Để điều khiển thiết bị, người lái chỉ cần chui vào “chuông”, lúc đó nửa người trên nằm trong “chuông” và hoàn toàn không bị ướt, phần từ thắt lưng trở xuống phải tiếp xúc với nước. Trước quả “chuông” có tấm mica trong suốt dày 5 ly để có thể quan sát sinh vật biển hoặc san hô. Bên trong “chảo” gắn thiết bị khí nén để du khách đủ dưỡng khí thở trong thời gian lặn. Do không có cửa nên người sử dụng “tàu lặn” dễ dàng chui ra, vào.

“Việc sản xuất những “tàu lặn” nói trên do Công ty Pháp đảm nhiệm, thực hiện tại Thái Lan. Các đối tác Malaysia nhận định “tàu lặn” hoạt động khá tốt, không gặp bất cứ trục trặc nào. Vì vậy đầu năm 2015, thông qua môi giới, tôi ký hợp đồng sản xuất bán 300 chiếc cho đối tác Thái Lan với giá khoảng 5.000 USD/chiếc. Khả năng tới đây một số đối tác Indonesia sẽ ký hợp đồng vì nước này có nhiều bờ biển”-  ông Trân khẳng định. 

Giúp Libya sản xuất tàu ngầm trinh sát

“Thời gian làm việc ở Pháp, khi nước Libya nhờ vả, tôi đã nhận lời giúp thiết kế mẫu tàu ngầm và đã giao cho họ tự sản xuất tàu. Thời điểm đó Libya bị các thế lực “chèn ép”, nên tôi giúp đỡ không vụ lợi. Không lâu sau đó, quân đội Libya sản xuất thành công hàng loạt tàu ngầm theo thiết kế của tôi, tàu dài từ 7 - 10 m, chở được 4-5 người, dùng để trinh sát bờ biển”- ông Trân cho hay.

Tạo cơ chế cho người tài phát huy

Nếu nói lý do về nước không có điều kiện tốt gây lãng phí tài năng thì trước đây làm sao thuyết phục được cụ Trần Đại Nghĩa, cụ Lương Định Của và nhiều nhà khoa học nổi tiếng khác. Có thể làm việc ở Việt Nam họ không phát huy được hết tài năng như ở nước ngoài, nhưng đất nước đang cần họ, kể cả những nghiên cứu chưa phải là xuất sắc ở trình độ quốc tế chăng nữa cũng vẫn là đóng góp quý báu cho nền khoa học còn yếu kém của chúng ta, cho đất nước còn nghèo khó của chúng ta.

Hãy cứ để người ta về, nếu về họ không làm được việc họ lại ra đi, đó là quyền của họ. Vấn đề là chúng ta phải cùng nhau xây dựng cơ chế mới tạo điều kiện tốt nhất trong điều kiện có thể, để họ làm việc và công hiến.

Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân Thay đổi mạnh mẽ chính sách

Các chính sách, chế độ được đưa ra để thu hút  nhân tài đều đã có nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và rõ ràng. Nhiều kiều bào và trí thức ở nước ngoài muốn trở về nước làm việc nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn về việc mua nhà, làm các thủ tục giấy tờ và thậm chí là bị “đố kỵ” khi đi làm trong các cơ quan, doanh nghiệp. Theo tôi, chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ về chính sách sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để mỗi hiền tài của đất nước được trọng dụng đúng chỗ. Như vậy, “nguyên khí của quốc gia” mới không bị lãng phí và rơi vào tay nước khác hay kẻ “mạnh” hơn.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan Cải thiện môi trường làm việc

Để sử dụng người tài,  quan trọng là ở cách sử dụng người tài của nước ta và môi trường hoạt động cần  tạo điều kiện để họ phát triển khả năng nên họ không về. Môi trường làm việc ở Việt Nam tồn tại nhiều tiêu cực nên nhiều người về không quen với phong cách làm việc này, họ không làm được.

PGS Trần Xuân Nhĩ -nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT

P.V (tổng hợp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem