Tọa đàm và Giới thiệu dự án Truyền thông: Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc do Reatimes tổ chức sáng ngày 10/10. Với sự tham dự của Lãnh đạo Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia – nhà quản lý, nhà kinh tế, nhà văn và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn, phóng viên các cơ quan báo chí – truyền hình.
Tọa đàm "Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc" có sự tham gia của nhiều chuyên gia - nhà quản lý, nhà kinh tế, nhà văn và lãnh đạo các doanh nghiệp lớn.
Từng bị coi là con buôn, con phe
Chia sẻ tại Tọa đàm "Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng Dân tộc", ông Nguyễn Trần Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho hay: Toạ đàm là việc làm có ý nghĩa đúng thời điểm Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển kinh tế rất tốt so với tình hình chung của thế giới, đó là nhờ vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những sự đóng góp vươn lên khó khăn của giới doanh nhân Việt Nam...
Việt Nam đang ở trong giai đoạn phát triển kinh tế tốt so với tình hình chung của thế giới. Điều đó thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước song cũng phải kể đến tinh thần vươn lên, vượt gian khổ của giới doanh nhân Việt Nam.
Tuy nhiên, ít có quốc gia nào mà giới doanh nhân hình thành và phát triển đi lên trong bối cảnh rất trầy trật, khó khăn, trong rừng pháp luật, trong một tư tưởng nhìn nhận giới doanh nhân chưa tốt, thậm chí thời kỳ đầu họ bị coi là con buôn. Nhưng giới doanh nhân Việt Nam cũng đã từng bước vượt qua khó khăn để phát triển. Thực tế trong các kỳ khủng hoảng 1997 - 1998 đến giai đoạn 2008 - 2010, khủng hoảng lớn, khó khăn nhiều nhưng đổ bể không nhiều, trừ một số lĩnh vực, còn lại doanh nhân đều tự động điều chỉnh, vượt khó và ngày càng phát triển, khẳng định vị thế của mình trong việc phát triển kinh tế đất nước.
Ông Nguyễn Trần Nam chia sẻ tại Toạ đàm.
Chủ tịch Nam nhấn mạnh: "Điều này khẳng định vai trò vị trí của đội ngũ doanh nhân trong xã hội Việt Nam. Là lực lượng xung kích trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam hiện đã hình thành những tên tuổi mang tầm vóc quốc gia, quốc tế, phát triển lĩnh vực công nghệ cao có cạnh tranh lớn như Vingroup".
Bên cạnh đó, trong phát triển du lịch, ngành này được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, phát triển ngành chủ yếu lại là các doanh nghiệp bất động sản làm du lịch.
Đáng mừng là hiện nay, từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến giới truyền thông và trong dư luận xã hội, quan điểm đối với giới doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã tốt dần lên.
Trước đây, trong một hội nghị tôi đã từng nói, trong một đất nước mà người dân ghét lãnh đạo, ghét người giàu, ghét doanh nghiệp, thấy doanh nghiệp đổ bể lại vỗ tay thì không biết đất nước đó đi về đâu.
Mới đây Tổng Bí thư cũng đã có những lời động viên tới giới doanh nhân. Về mặt chủ trương chính sách của Đảng cũng có nhiều hỗ trợ.
Đặc biệt, dù là giới doanh nhân phấn đấu đóng góp thế nào, bận rộn thế nào thì cách nhìn nhận của xã hội, của truyền thông với doanh nhân cũng rất quan trọng. Và phải khẳng đinh, giới truyền thông gần đây đã nhìn nhận doanh nghiệp, doanh nhân với thái độ khách quan hơn, nhân ái, bao dung, tích cực hơn.
Để có được điều đó, không thể phủ nhận sự nỗ lực cố gắng mạnh mẽ, quyết tâm của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra những sản phẩm dịch vụ đạt chất lượng. Xoá bỏ đi các định kiến "làm ăn chộp giật", "bóc ngắn cắn dài". Ngoài ra pháp luật cũng chặt chẽ hơn trong quản lý và tạo cơ chế khuyến khích gia tăng sản xuất.
Trong tất cả các lĩnh vực, kể cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều đã có những đóng góp đáng kể. Đặc biệt khối doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát triển mạnh, đóng vai trò lớn và quan trọng. Không thể tưởng tượng được nếu Việt Nam thiếu các doanh nghiệp tư nhân thì tình hình kinh tế Việt Nam phát triển ra sao.
Đương nhiên, vẫn còn có rất nhiều những vấn đề cần phải chỉnh sửa song những doanh nghiệp tư nhân như Vingroup, Sun Group, Trường Hải, Vinamilk... vẫn đang là niềm tự hào của đất nước, của dân tộc, mang thương hiệu của quốc gia. Và tương lai, chúng ta mong có thêm nhiều các doanh nghiệp tên tuổi như vậy.
Nhìn vào tương lai
TS. Võ Trí Thành Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) cho rằng: “Chúng ta đã trải qua 32 năm đổi mới và cải cách, va đập, thành công có, sai lầm có, thất bại có của đất nước. Trong 5 năm trở lại đây, hình ảnh doanh nhân đã có những thay đổi rất ý nghĩa. Rất nhiều doanh nghiệp Việt sau thời gian tích lũy cơ bản đã bắt nhịp với thế giới, đi vào nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới. Đã có những doanh nghiệp lập các viện nghiên cứu về AI, Big Data… kết quả như thế nào thì còn phải chờ nhưng đó là những chuyển biến đáng kể” – TS. Thành nói.
Theo TS. Thành, “BrandFinance đánh giá cao thương hiệu Việt, doanh nhân Việt. Giá trị doanh nghiệp Việt cũng đã tăng lên, đó là cái giá mà thị trường và công chúng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm, cho doanh nghiệp. Giá trị này được đánh giá dựa vào 2 tiêu chí quan trọng: sáng tạo và mức độ bao phủ thị trường. Chưa kể hàng chục doanh nghiệp xã hội có giá trị hàng chục, hàng trăm triệu đô. Bên cạnh những điều còn lăn tăn nghi hoặc thì doanh nghiệp Việt, kể cả khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự có ý nghĩa truyền cảm hứng”.
TS. Võ Trí Thành mong mỏi: “Phải làm sao để doanh nhân ngày càng trở thành từ viết hoa đẹp nhất và kinh doanh trở thành ngành được viết hoa đẹp nhất”.
TS. Thành chỉ ra 4 điểm mà doanh nghiệp vừa và nhỏ, start-up, hộ gia đình đang bị cản trở chính là: quyền tài sản, sở hữu; cạnh tranh; tiếp cận các nguồn lực sản xuất về đất, nhân lực xã hội, công nghệ… Và cuối cùng là môi trường kinh doanh, phí tổn cao.
Doanh nghiệp lớn mạnh, theo TS. Thành phải có 4 điều: Thứ nhất là sáng tạo; thứ hai là chi phối được mạng phân phối; thứ ba là thương hiệu toàn cầu; thứ tư là có sức lan tỏa rất lớn. Để đạt được 4 yếu tố trên thì có rất ít doanh nghiệp đạt được.
Nói riêng về câu chuyện thương hiệu, TS. Thành muốn nhắc nhở các doanh nhân: “Thương hiệu gồm nhận biết cho đến tín dụng và truyền tải, lan tỏa. Đó là cả một quá trình dài và phức tạp.Việc xây dựng thương hiệu với doanh nghiệp Việt là cả một quá trình, câu chuyện dài”.
TS. Thành nói thêm: Thứ nhất là quá trình câu chuyện quá khứ hiện tại tương lai, thương hiệu. Một thương hiệu phải có một cái tích hay; Thứ hai, thương hiệu là sáng tạo, TS. Thành dẫn câu CEO của Nokia, “mọi thứ chúng ta đang làm đều đúng cả, thế mà chúng ta vẫn có thể thua cuộc”.
Trong thế giới đầy biến động, thay đổi nhanh chóng, chúng ta có thể vẫn đang làm đúng nhưng lại là chưa đúng. Chúng ta có thể lụi tàn, cần sáng tạo. Sáng tạo cần thỏa mãn nhu cầu của cuộc cách mạng tiêu dùng hiện nay: xanh, thông minh, nhân văn và cá tính.
Thứ ba là vấn đề con người. Thương hiệu quan trọng nhất là thương hiệu con người, chúng ta phải xây dựng thương hiệu từ người bảo vệ ở cửa đến lãnh đạo doanh nghiệp.
Cuối cùng, nói về thương hiệu là truyền thông. Viện trưởng BCSI cho rằng vấn đề là ở cách truyền thông, tự tin nhưng đừng khuếch trương quá đáng. Thứ hai là ấn tượng nhưng đừng quá lòe loẹt, thứ ba tâm linh nhưng đừng bị mê hoặc. Sau 3 cụm từ ấy, quan trọng nhất vẫn là chân thành.
Ở góc độ doanh nghiệp, Ông Lê Khắc Hiệp – Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho rằng, câu chuyện doanh nghiệp Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, thì theo tôi doanh nhân cũng là một nghề, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Còn để đồng hành thì đó là câu chuyện lớn. Nhiều người nghĩ đồng hành đóng góp cho đất nước là những gì cao sang, lớn lao và phải có tiềm lực. Nhưng theo tôi nó đơn giản, nằm ở lúc ngay bắt đầu. Như anh Phạm Nhật Vượng ở Ukraina bắt đầu từ con số 0, điều quan trọng là ngay lúc ấy nghĩ đến việc khởi nghiệp để làm gì, cho mình hay cho cộng đồng, cho bạn bè…
Làm doanh nhân cần nhìn thấy 3 lợi ích: Lợi ích cho xã hội đất nước; lợi ích cho những người đồng hành: nhân viên. Cuối cùng mới đến lợi ích cho bản thân. Sự đóng góp ở đây không hẳn là đóng bao nhiêu thuế, làm từ thiện bao nhiêu mà là khi bắt đầu làm gì mình luôn nghĩ rằng làm điều đó thì xã hội được gì, đất nước được gì.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.