Cụ thể, tổng kho hàng lậu này có tới gần 240 chủng loại hàng hóa với hàng trăm nghìn đơn vị sản phẩm. Số hàng hóa này đều là hàng lậu và có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Tổng cục Quản lý thị trường đã phải thuê thêm 70 nhân công bốc xếp, khuân vác, phục vụ kiểm đếm. Toàn bộ số hàng đã bị niêm phong, chất vào 34 container.
Chủ của cơ sở kinh doanh không đứng tên trực tiếp, mọi giao dịch với người tiêu dùng được tiến hành thông qua những người đại diện được thuê mướn.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, từ tháng 10/2018 đến nay, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú - chủ kho hàng tại thành phố Lào Cai chuyên livestream bán hàng lậu và 5 đối tượng trong nhóm là hơn 649 tỷ đồng.
Bên trong kho hàng khủng rộng 10.000m2 chứa gần 160.000 sản phẩm nhập lậu có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Lực lượng chức năng nhận định nhóm đối tượng đã tính toán rất kỹ khi đặt tổng kho tại Lào Cai. Cụ thể, do tiếp giáp cửa khẩu quốc tế, chỉ cần tuồn được hàng qua cửa khẩu biên giới là có thể nhập kho lượng lớn hàng hóa, tránh được sự giám sát của các cơ quan chức năng; chi phí thuê mặt bằng rộng cả hecta tại Lào Cai rẻ hơn nhiều so với tại các thành phố lớn.
Bên cạnh đó, chi phí nhân công tại Lào Cai cũng rất rẻ. Những lao động phổ thông, chốt đơn hàng trên livestream, làm việc cả ngày chỉ được trả bình quân 5-7 triệu đồng; cán bộ thủ quỹ, kế toán được trả 7-10 triệu đồng; người quản lý chung được trả khoảng 20 triệu đồng. Cá biệt là một số nhân viên dẫn livestream được trả hơn 80 triệu đồng/tháng.
Qua lời khai nhận của các nhân viên, tối thiểu ngày nào cũng chốt được 100-200 đơn hàng, sau đó sẽ được hơn 40 nhân viên ngồi máy tính chốt đơn hàng bằng phần mềm cực kỳ chuyên nghiệp, quản lý tập trung. Sau khi chốt, các đơn hàng được đóng gói cẩn thận gửi đi khắp cả nước. Doanh thu theo điều tra những tháng gần đây đạt hơn 10 tỉ đồng/tháng.
Sau khi chốt, các đơn hàng được đóng gói cẩn thận gửi đi khắp cả nước.
Theo ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT, dấu hiệu về kho hàng lậu, hoạt động khoảng 2 năm nay. Qua đo đếm thông tin ban đầu, trong những tháng năm 2020, hoạt động kinh doanh của các đối tượng này có mức doanh thu tương đối lớn. Vì đây là bán lẻ trên Internet, mỗi tháng thu về trên 10 tỷ đồng. Số lượng sản phẩm họ tuồn vào thị trường Việt Nam trên 90-100 ngàn sản phẩm/tháng.
Tổng cục QLTT đánh giá, hình thức bán hàng thịnh hành gần đây qua công cụ livestream rất phát triển nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro với người tiêu dùng. Việc đầu tư các trang thiết bị livestream cũng rất rẻ tiền, thô sơ, nhưng được thúc đẩy bởi các nền tảng mạng xã hội của thế giới nên mang lại hiệu quả chốt đơn hàng rất cao.
Vụ việc gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc nắm bắt thông tin và quản lý địa bàn đặc biệt với các mô hình thương mại điện tử. Thương mại điện tử không chỉ còn tập trung tại các thành phố lớn mà đã lan ra các tỉnh, như vụ việc ở Lào Cai là một điển hình.
Đặc biệt, Tổng cục QLTT cũng cảnh báo người tiêu dùng đừng vội vã mua hàng qua các phương thức như livestream trên mạng xã hội, nên tìm hiểu nơi uy tín để mua hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.