Đàn lele của anh Sa Lê
Nhờ cách làm mới, anh Sa Lê trở thành tỷ phú.
Theo Sa Lê, nuôi le le thương phẩm không khó chỉ cần không gian thoáng, rộng và cho ăn đầy đủ là xong, còn nuôi le le sinh sản thì rất khó, để thành công tạo giống động vật hoang dã này, Sa Lê phải mất 2 năm nghiên cứu mới thành công.
Hiện bầy le le 2.000 con được Sa Lê bảo vệ trong chuồng lưới và vệ sinh sạch sẽ trong 1.000m2 đất vườn, giữa hồ nước có lục bình, cỏ năn, lác tạo điều kiện cho chúng thích nghi với môi trường cư trú.
Theo anh, le le ngoài tự nhiên rất dễ nuôi nhưng le le con rất khó chăm sóc. Phải tạo cho chúng môi trường thuận lợi để sống khỏe và không bị dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là lúa, rong rêu và lục bình. Nơi le le đẻ và ấp trứng phải có không gian yên tĩnh, xa dân cư. Nơi ở của le le tốt nhất là có cỏ dại và nguồn nước sạch. Khi trưởng thành chọn con trống, con mái nhốt riêng, mặc dù le le tự làm tổ nhưng đến mùa sinh sản cần lót thêm rơm rạ vào thúng để cho sai trứng, thường thì chúng đẻ và ấp trứng vào mùa mưa.
Mỗi năm từ bầy le le bán thịt (giá bán từ 550 - 620 ngàn đồng/con), Sa Lê chừa vài trăm con cho sinh sản nên quanh năm trại của anh đều có le le đẻ trứng. Trứng được ấp khoảng 28 ngày thì nở con, nuôi từ 6 tháng có thể xuất chuồng. Do thị trường hiện nay cung không đủ cầu nên để rút ngắn thời gian tái đàn, Sa Lê đã dùng 60 con gà mái đẻ để ấp trứng le le thay vì phải ấp bằng máy, với cách làm này vừa đạt kết quả cao vừa rút ngắn thời gian trứng nở từ 28 xuống 22 ngày.
Le le được xem là loại chim trời cho thịt ngon và bổ dưỡng, được các thương lái săn lùn để xuất khẩu làm món ngon tăng cường sinh lực cho giới tiêu dùng đẳng cấp, vì vậy việc tái đàn để nhanh chóng tạo ra số lượng le le thương phẩm bán ra thị trường là hướng đi đúng mà anh Sa Lê đang áp dụng. Với mô hình chăn nuôi hấp dẫn này, anh Sa Lê là người “độc nhất vô nhị” của đồng bào Chăm An Giang nuôi con vật lạ thu tiền tỷ mỗi năm.
Bảo Phong (NNVN)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.