Độc đáo ghe, xuồng miền Tây tí ti của anh thợ mộc yêu nghề

Mai Anh - Ngọc Quyên Thứ bảy, ngày 09/03/2019 13:35 PM (GMT+7)
Trong một lần tình cờ, anh Mỏng chợt nảy sinh ý tưởng đóng những chiếc xuồng mini. Từ việc làm xuồng để giải trí, nay anh kiếm được thu nhập từ những sản phẩm này.
Bình luận 0

Ghe, xuồng vốn là những phương tiện giao thông được người dân miền Tây sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, cuộc sống phát triển những phương tiện này đã dần được thay thế. Từ đây, những làng nghề đóng ghe xuồng cũng gặp nhiều khó khăn và dần mai một.

Thay vì đóng ghe xuồng theo cách truyền thống, tại tỉnh An Giang có một người thợ sáng tạo ra cách đóng ghe, xuồng có một không hay. Đó chính là tạo ra những chiếc xuồng thu nhỏ rất nhiều lần so với sản phẩm thật.

img

Một chiếc xe khá quen thuộc ở miền Tây sông nước. Ảnh: MA.

Những chiếc xuồng, ghe độc đáo đó là sản phẩm của anh Phạm Văn Mỏng. Anh vốn sinh ra và lớn lên ở huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp - cái nôi của nghề đóng ghe, xuồng nức tiếng miền châu thổ Cửu Long. Trước đây, nghề này rất phồn thịnh, mỗi năm đóng hàng trăm chiếc xuồng, ghe cỡ lớn. Sau này, giao thông đường bộ thuận tiện, nghề cũng dần dần mai một.

Từ đó, nhiều xưởng cưa ở quê nhà chuyển nghề nên anh Mỏng đã sang Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên (An Giang) để đóng ghe, xuồng thuê rồi dần chuyển ra làm riêng để kiếm thêm thu nhập. Vào năm 2011, tai nạn bất ngờ làm anh bị gãy chân, khiến anh rơi vào bế tắt khi không thể theo đuổi nghề đóng ghe xuồng của ông cha.

Trong một lần tình cờ ngồi gần đống gỗ vụn, anh Mỏng chợt nảy sinh ý tưởng dùng những tấm ván nhỏ đóng thành những chiếc xuồng mini để giải trí. Thế là anh bắt tay vào làm miệt mài.

img

Anh Mỏng đang đóng một chiếc xuồng mini. Ảnh: MA.

Chị Phan Thị Ngọc (vợ anh Mỏng), chia sẻ: “Anh Mỏng đóng thử một vài chiếc xuồng nhỏ, người ta cũng thấy hơi lạ nhưng chưa được chú ý. Ai cũng nói, xuồng lớn đã bán chậm giờ đóng xuồng nhỏ làm sao bán được. Nhưng cũng do anh không làm nặng được nên đành phải đóng loại nhỏ, ý ảnh thích thì ảnh làm chứ lúc đó không nghĩ có thể bán”.

Những sản phẩm đầu tay của anh Mỏng chẳng ai chú ý, phần vì sản phẩm còn quá thô sơ, phần vì chưa bắt mắt. Thấy vậy, anh Mỏng tiếp tục mài mò thay đổi kiểu dáng và phải hơn 1 năm sau, anh mới có thể hoàn chỉnh sản phẩm của mình. Nhờ được trời phú đôi tay khéo léo của người thợ, anh Mỏng đã cho ra lò những chiếc xuồng mini nhỏ, gọn, bắt mắt để dùng làm quà lưu niệm.

img

img

Từ những sản phẩm ghe xuồng mini quen thuộc đến những chiếc thuyền bườm nhiều chi tiết, đều được anh Mỏng làm với cả đam mê. Ảnh: MA.

Để những chiếc xuồng mini đạt đến mức tinh xảo, anh Mỏng phải suy nghĩ cách chọn lựa loại gỗ và tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng đường cưa, nét mực. Theo anh Mỏng, để đóng được xuồng, ghe mini, phần lớn phụ thuộc vào sự phán đoán và cặp mắt nghề của người thợ. Đặc biệt, trong quá trình lắp ráp tấm be và thanh cong đòi hỏi người thợ phải khéo léo và tỉ mỉ, bởi các chi tiết nhỏ hơn rất nhiều so với các sản phẩm thông thường.

Anh Mỏng cho hay: “Hồi đó, cả ngày trời mới đóng được một chiếc. Sau này quen tay rồi mỗi ngày đóng được 2 chiếc. Ở đây chủ yếu là đoán chừng mà làm chứ không có đo đạt được. Ban đầu định làm chơi, nhưng giờ thì thành nghề kiếm thu nhập chính. Sức khỏe tôi không còn được như xưa nên không thể theo nghề cũ, nay có việc này tôi thấy yên tâm hơn”.

img

Việc chế tác những chiếc xuồng mini này cũng gặp không ít chở ngại khi các dụng cụ, máy móc để làm không có. Dần dần, anh Mỏng phải chế ra thêm nhiều món đồ để dễ làm hơn. Ảnh: MA.

Vốn là một người ít nói và trầm tính những chia sẻ của anh có đôi chút ngập ngừng, thế nhưng, khi bắt tay vào công việc anh lại cháy hết mình với đam mê. Khởi đầu là chiếc xuồng ba lá, cho đến chiếc ghe bầu, nay anh Mỏng đã cho ra đời hàng loạt chiếc ghe, xuồng đặc trưng của miền Tây sông nước, hay cả thuyền bườm với nhiều chi tiết tinh xảo. Những chiếc xuồng mini của anh Mỏng luôn có hình dáng thon thả, mềm mại và sắc nét.

Từ việc làm để giải trí, giờ đây công việc này trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình anh. Thay vì dùng để chuyên chở những chiếc ghe, chiếc xuồng mini của anh được đặt ở vị trí cao hơn, là thứ để người ta ngắm nghía và thưởng thức.

img

Giờ đây anh Mỏng đã kiếm được tiền từ đam mê của mình, những chiếc ghe, xuồng mini giờ được chú ý nhiều hơn. Ảnh: MA.

Ông Phan Văn Chia (ngụ phường Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Sản phẩm thực ngoài đời và sản phẩm thu nhỏ nó y chang luôn. Nhưng sản phẩm thu nhỏ này có thể làm, lại coi sắc xảo và đẹp hơn nữa. Món đồ này phải tay nghề cao mới làm được chứ tay ngang ngang thường thường ít ai làm được như vậy lắm”.

Từ cái khó, bằng tình yêu và lòng đam mê với nghề đã giúp anh Mỏng tạo tác ra những sản phẩm xuồng, ghe mini mang đậm tính nghệ thuật. Đây không chỉ là những sản phẩm kết tinh từ đôi tay khéo lé của người thợ, mà ở đó còn giúp giữ gìn những giá trị truyền thống cha ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem