Loài cá bống hiền lành ở miền Tây có cái đầu và hàm răng ghê sợ

Trà Thượng Thứ bảy, ngày 10/11/2018 06:45 AM (GMT+7)
Ở miền Tây-vùng sông nước với hệ thống kênh rạch chằng chịt có rất nhiều loài cá bống. Hầu như tất cả các loài cá bống sinh sống trong kênh rạch, sông, đồng ruộng ở miền Tây đều thuộc vào hàng “dễ thương” và thịt rất là thơm ngon. Duy chỉ có loài cá bống này có cái đầu, nhất là 2 hàm răng sắc nhọn, lởm chởm khiến nhiều người không quen ghê sợ...
Bình luận 0

Đó là loài cá bống rễ cau. Cá bống rễ cau thường có chiều dài hơn 10cm. Thân cá bống rễ cau tròn dài như con lươn, đuôi dẹp ngang. Đầu cá bống rễ cau hơi dẹp đứng, mõm tù, ngắn, mắt rất bé, nằm ẩn dưới da; miệng thẳng đứng hàm hơi nhô ra.

img

Mẫu cá bống rễ cau. Nguồn ảnh: Sinh vật rừng Việt Nam.

Có lẽ vì đặc điểm có cái đầu kỳ dị này mà ở một số địa phương miền Tây như Bến Tre, Trà Vinh còn gọi cá bống này là cá đầu búa. Hình dáng và màu sắc, nhất là cái đầu, hàm răng cá bống rễ cau rất giống với cá kèo nên một số nơi ở đồng bằng sông Cửu Long lại gọi cá này là cá kèo huyết.

img

Với thân hình giống con cá kèo, da màu hồng hồng nên nhiều nơi ở miền Tây gọi là cá bống rễ cau là cá kèo huyết. Ảnh: Minh Phan.

Cá bống rễ cau có 2 hàm răng với nhiều răng sắc nhọn, toàn thân có màu hơi xám nâu đỏ, lưng thẫm hơn. Loài cá này có nhiều ở các vùng sông, rạch thuộc các tỉnh miền Tây Nam bộ trên hệ thống sông Cửu Long. Ngoài ra chúng còn phân bố từ Ấn Độ đến Philippines. Ở miền Bắc Việt Nam còn ghi nhận cá bống rễ cau ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định).

img

Tiêu bản cá bống rễ cau còn tươi. Ảnh: Phùng Mỹ Trung (Sinh vật rừng Việt Nam).

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long ghi nhận cá bống rễ cau xuất hiện và sinh sống nhiều hơn ở các tỉnh có biển và gần biển như Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang. Còn các tỉnh thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu như An Giang, Đồng Tháp ít xuất hiện cá bống rễ cau hơn bởi đây là loài cá ưa sinh sống ở vùng hạ nguồn các con sông.

img

Một con cá bống rễ cau được người dân kéo lưới lẫn vào các loài cá khác ở Cà Mau. Ảnh: Vietdesingner.

Vì ít xuất hiện nên mới đây tại tỉnh Vĩnh Long, ngày 29/10, trong khi đào móng để cất nhà, anh Trần Văn Khánh (34 tuổi ở xã Tường Lộc, huyện Tam Bình…đã phát hiện 1 con cá lạ có màu hồng, thân tròn bằng ngón tay cái ở độ sâu cách 0,7m lộ ra trong một mạch nước nhỏ. Anh Khánh quá bất ngờ và hoảng sợ nên nhờ những người thợ xây nhà và hàng xóm đến bắt cá lạ lên. Việc anh Khánh bắt được cá lạ và thả nuôi trong bể cá kiểng khiến nhiều người dân trong vùng kéo đến xem và không ai nhận biết được cá lạ là loài cá gì.

img

Đầu con cá lạ do gia đình anh Khánh (Vĩnh Long) bắt được trong khi đào móng cất nhà ngày 29/10. Nhiều người đến xem thì ví cái đầu con cá lạ như "mặt tinh tinh". Ảnh: Báo Vĩnh Long.

Khi hình ảnh con cá lạ có hình thù, hàm răng đáng sợ bắt được ở gia đình anh Khánh được đưa lên báo và chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều độc giả ở các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu đều khẳng định là cá bống rễ cau (có nơi gọi là cá đầu búa, cá kèo huyết).

Trên một diễn đàn về miền Tây, anh Trần Cường ở Bến Tre nói rằng, tại kênh, sông gần vùng cửa sông, nước dòng thì cá đi từng đàn ở tầng đáy. "Cá bống rễ cau đào hang, cái miệng hang lúc nào cũng phun nước phì phì như núi lửa...", anh Trần Cường viết.

img

Con cá lạ được cho là cá bống rễ cau do gia đình anh Khánh (Vĩnh Long) bắt được hiện vẫn nuôi trong bể cá kiểng. Ảnh: Báo Vĩnh Long.

Còn chị Trần Kỹ Thu ở Cà Mau cho biết, quê chị ở Cà Mau có rất nhiều con cá bống rễ cau ở các kênh, rạch, cửa sông. Người dân kéo lưới có đợt dính rất nhiều cá bống rễ cau, nhưng bắt cá bống rễ cau về chẳng để làm gì ngoài việc cho gà vịt ăn, hoặc nấu cám heo.

img

Mẫu cá bống rễ cau thu được tại huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Nguồn: Điều tra, nghiên cứu về sự hiện diện của các loài thủy sản nước ngọt trên địa bàn tỉnh An Giang, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, Tp Hồ Chí Minh 4/2007.

Nếu như các loài cá bống khác đều rất được ưa chuộng nhờ thịt thơm ngon, hiếm có thì loài cá bống rễ cau hầu như không có mấy ai ăn. Tuy nhiên, trong diễn đàn cũng có người khen cá bống rễ cau khi bắt về đem làm khô nướng hoặc chiên ăn rất ngon. Nhưng điểm chung nhất từ ý kiến người dân trên diễn đàn và kết luận của ngành thủy sản vùng ĐBSCL là loài cá bống rễ cau ít có giá trị về kinh tế. Vì thế, đến nay chưa có nơi nào ở miền Tây nhân nuôi, phát triển loài cá bống hiền lành nhưng có cái đầu và hàm răng đáng sợ này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem