Độc đáo làng nghề ven đô chuyên “giữ hồn” cho những ngôi nhà cổ bạc tỷ

Duy Huy - Song Phúc Thứ bảy, ngày 24/06/2023 15:04 PM (GMT+7)
Ở thôn Phù Yên (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ), nhiều gia đình vẫn nối đời giữ nghề dựng nhà gỗ. Nghề này chẳng những giúp người dân có việc làm, thu nhập cao mà còn là "cầu nối" bảo tồn nét đẹp kiến trúc truyền thống.
Bình luận 0

Video lắp khung nhà cổ không cần đinh tại làng Phù Yên. Thực hiện: Duy Huy- Song Phúc.


Dựng nhà cổ bạc tỷ

Vài năm trở lại đây, mỗi khi nhắc đến những ngôi nhà gỗ mang phong cách cổ điển (nhà kẻ truyền) chắc chắn phải nhắc đến những người thợ chuyên dựng nhà cổ tại làng Phù Yên (xã Trường Yên, Chương Mỹ, Hà Nội).

Nơi đây trở thành điểm tìm đến thường xuyên của những khách muốn đặt dựng những ngôi nhà cổ với giá thành từ vài trăm triệu cho đến vài chục tỷ đồng.

Độc đáo làng nghề ven đô chuyên “giữ hồn” cho những ngôi nhà cổ bạc tỷ - Ảnh 2.

Làng nghề mộc Phù Yên, xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Theo ông Nguyễn Duy Đông, Trưởng thôn Phù Yên, địa phương có 800 hộ thì hơn nửa số đó tham gia vào công việc xây dựng nhà giả cổ. Cho nên, người nơi khác gọi Phù Yên là "làng phó mộc". Với hơn 400 hộ tham gia làm nghề, trung bình mỗi hộ hai người là thợ mộc thì ở đây đã có hơn 800 phó mộc lành nghề.

Chúng tôi đến tham quan xưởng dựng nhà cổ của hộ ông Nguyễn Chí Mười - chủ một cơ sở chuyên dựng nhà gỗ cho các tư gia tại thôn Phù Yên khi hàng chục người thợ mộc đang miệt mài đục đẽo, chạm khắc những mẫu hoa văn trên những cột gỗ.

Ông Nguyễn Chí Mười cho biết, giá thành của mỗi ngôi nhà cổ hiện nay trên thị trường cao hay thấp còn tùy theo mức độ tinh xảo của những chi tiết được chạm, khắc trên mái, cột nhà như rồng phượng.

"Kiểu nhà càng cổ, họa tiết chạm khắc càng cầu kỳ, tinh xảo, độc đáo bao nhiêu lại càng được người ta săn lùng bấy nhiêu vì không đụng hàng và thể hiện đẳng cấp nên dù đắt đến đâu thì cũng không thiếu khách đặt làm", ông Mười nói.

Độc đáo làng nghề ven đô chuyên “giữ hồn” cho những ngôi nhà cổ bạc tỷ - Ảnh 3.

Những thợ mộc cần mẫn với đôi bàn tay khéo léo đục chạm hoa văn cho những ngôi nhà gỗ cổ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chí Quân – chủ một xưởng mộc nổi tiếng với nghề dựng nhà cổ ở Phù Yên cho biết, có 2 loại gỗ khách thường đặt làm nhất vẫn là gỗ xoan và gỗ mít. Để có thể sở hữu một căn nhà cổ làm bằng gỗ xoan 3 gian hiện nay, khách phải bỏ ra số tiền ít nhất cũng từ 800 triệu – 1 tỷ đồng với thời gian thi công, xây lắp khoảng vài tháng.

Ông Quân nhấn mạnh: "Một thợ làm nhà cổ có thâm niên trong nghề hơn hai mươi năm cho biết, những thợ giỏi ngoài tay nghề chạm trổ các hoa văn tinh xảo mà còn phải nắm vững kỹ thuật để tạo ra các mộng gỗ để ghép vào nhau một cách chính xác, chắc chắn".

"Đặc trưng của nhà gỗ cổ là mọi chi tiết được thiết kế hoàn hảo, tinh tế và hầu như không phải dùng đến các loại đinh vít bằng sắt mà chủ yếu dùng mộng để lắp ghép. Như vậy, kết cấu của ngôi nhà vừa bền chắc vừa thể hiện được sự hài hòa, thẩm mĩ", ông Nguyễn Chí Quân chia sẻ.

Chưa kể đó là những hoa văn, họa tiết trang trí trên từng kèo, cột khiến những người thợ dựng nhà phải bỏ công đục đẽo, chạm trổ hàng tháng trời mới xong.

Độc đáo làng nghề ven đô chuyên “giữ hồn” cho những ngôi nhà cổ bạc tỷ - Ảnh 4.

Sản phẩm nhà cổ do những bàn tay tài hoa của những người thợ mộc làng nghề Phù Yên, xã Trường Yên.

Quá trình chạm khắc phải kiên trì, cẩn thận và chính xác đến từng ly vì chỉ cần lỡ tay là hoa văn bị hư hỏng, phải bỏ phí cả đoạn gỗ quý. Chính vì vậy nên chỉ ai yêu thích, chịu khó, kiên nhẫn học hòi thì mới gắn bó lâu dài với nghề được. 

Dựng nhà cổ "hốt bạc tỷ"

Ở Phù Yên, ngay cả con gái cũng biết cầm đục, cầm tràng, điều khiển máy xẻ, máy cưa một cách thành thạo.

Ông Nguyễn Chí Điền, xóm Đồi, thôn Phù Yên nói với chúng tôi: "Thời gian gần đây, xu hướng làm nhà gỗ gia tăng ở khu vực nông thôn. Nhiều người thành đạt, muốn được báo hiếu tổ tiên hoặc xây dựng cho mình một khuôn viên với nhà gỗ 5 gian 2 chái để nghỉ ngơi vào những dịp nghỉ dưỡng. 

Những ngôi nhà nhỏ nhanh cũng phải vài tháng, chậm thì 1, 2 năm mới xong được. Số tiền cho việc dựng nhà ít nhất cũng phải 2 đến 3 tỷ đồng nên lương thợ rất xứng đáng, cơm rượu rồi cũng 150.000 - 200.000 đồng bỏ túi mỗi ngày".

Tuy nhiên có một thực tế là dù chủ các hiệp thợ muốn tăng lao động để mở rộng quy mô hoạt động lại hết sức khó khăn. Vì số người gắn bó với nghề này có tay nghề tinh xảo không nhiều.

Độc đáo làng nghề ven đô chuyên “giữ hồn” cho những ngôi nhà cổ bạc tỷ - Ảnh 6.

Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các nghệ nhân làng Phù Yên đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật kết hợp kinh nghiệm, tay nghề vào các khâu phục dựng, làm nhà giả cổ, đem đến cho khách hàng những ngôi nhà có phong cách cổ nhưng vẫn đảm bảo tiện nghi, hiện đại.

Đến nay, thợ mộc Phù Yên đã vác tràng, vác đục đi ăn cơm khắp thiên hạ. Số lao động ở lại chỉ làm thợ phụ, học theo kiểu kèm cặp, cầm tay chỉ việc chứ không được đào tạo chính quy. Nhiều thanh niên tại đây chấp nhận đi làm thuê, làm xây dựng, làm công nhân tại các khu công nghiệp chứ ít gắn bó với nghề cha ông.

Theo anh Nguyễn Chí Mười, để học được nghề theo đúng nghĩa từ công đoạn dễ nhất như bào, đục lỗ, sàm mộng đến đục chạm, điêu khắc. Người sáng ý dạy 1-2 năm thành nghề, người kém có dạy 5-7 năm cũng chưa thể thành thợ giỏi. Kỳ công là thế nên không phải thanh niên nào cũng đủ nghị lực để theo nghề này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem