Độc đáo mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi” gắn định vị từng cây, giúp một HTX ở Hà Giang thu 9 tỷ/năm
Độc đáo mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi” gắn định vị từng cây, giúp một HTX ở Hà Giang thu 9 tỷ/năm
Bình Minh
Thứ hai, ngày 18/12/2023 18:28 PM (GMT+7)
Khi chưa áp dụng chuyển đổi số, doanh thu của HTX Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) chỉ vài trăm triệu đồng/năm. Tuy nhiên, từ khi áp dụng công nghệ thông tin lập bản đồ định vị các cây chè Shan tuyết cổ thụ thì doanh thu của HTX đã tăng lên gần 9 tỷ đồng/năm.
Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao giúp ổn định sản xuất và là chìa khóa để HTX tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh nông sản. Theo ước tính, hiện cả nước có hơn 2.000 HTX ứng dụng công nghệ cao có sử dụng công nghệ thông tin, góp phần thúc đẩy nông nghiệp thông minh, nông thôn số trong xây dựng nông thôn mới.
Độc đáo mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi”
Ông Triệu Tạ Hin người dân tộc Dao, ở thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên (huyện Hoàng Su Phì) cho biết, cây chè Shan tuyết ở nhiều xã thuộc huyện Hoàng Su Phì được trồng từ cách đây mấy chục năm (1960-1970) và có những đồi chè cổ thụ có tuổi thọ cách đây hàng trăm năm vẫn còn sinh trưởng tốt ở trên những sườn núi cao trên 1.000m, quanh năm bao phủ sương mù thuộc dãy núi tây Côn Lĩnh và Chiêu Lầu Thi của huyện Hoàng Su Phì.
Nhận thấy được lợi ích kinh tế từ cây chè Shan tuyết, năm 2010, ông Hin cùng hơn 50 hộ dân trong thôn đã liên kết lại cùng nhau kinh doanh tập thể, góp vốn thành lập HTX chè Phìn Hồ và từng bước xây dựng danh tiếng "Fìn Hò Trà".
Đến nay, HTX chè Phìn Hồ đã có 5 dòng sản phẩm khác nhau mang nhãn hiệu"Fìn Hò Trà", đó là: Trà xanh, Hồng trà, Trà đen, Bạch trà, Trà Tiên. Mỗi loại sản phẩm đều có hương và vị khác nhau tùy thuộc sở thích của người dùng.
Các sản phẩm của thương hiệu “Fìn Hò Trà” được chế biến từ những búp chè non nhất của những cây chè Shan tuyết cổ thụ trong vùng chè được Liên minh châu Âu chứng nhận sản phẩm Organic EU vào năm 2015 từ vùng trồng tới quy trình sản xuất tại nhà máy. Với tổng diện tích 500 ha trà tại thôn Phìn Hồ và các xã lân cận trong huyện, mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường khoảng 200 tấn chè khô hữu cơ.
Ngoài cung cấp cho thị trường trong nước, sản phẩm chè của HTX chè Phìn Hồ còn xuất khẩu đi được các thị trường khó tính như: Đài Loan, Nhật Bản, châu Âu… Ngoài ra, HTX chế biến chè Phìn Hồ vinh dự là một trong 2 đơn vị trên toàn quốc cùng với chè Hảo Đạt (Thái Nguyên) có sản phẩm được công nhận là OCOP 5 sao.
Hiện, tổng sản lượng của HTX đạt 280 tấn, doanh thu đạt 8,9 tỷ đồng/năm. Thu nhập của các thành viên HTX bình quân từ 6 – 8 triệu đồng/tháng.
Để có được thành công này, theo ông Hin, một phần đến từ việc HTX chè Phìn Hồ đã ứng dụng công nghệ thông tin lập bản đồ định vị vị trí của các cây chè Shan tuyết cổ thụ phục vụ cho việc sản xuất và kinh doanh ra các sản phẩm xuất khẩu của HTX đạt tiêu chuẩn Organic EU.
Ông Hin nhớ lại thời điểm tháng 10 năm 2020, khi Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam có chuyến thực tế vườn chè Shan tuyết cổ thụ của bà con dân tộc Dao đỏ tại thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên. Nhận thấy đây là cây trồng mũi nhọn với các sản phẩm đa dạng được chế biến từ chè, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã gợi mở cho HTX Chế biến chè Phìn Hồ phát triển mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi” và đích thân đặt mua tượng trưng 1 cây chè Shan tuyết cổ thụ 500 năm tuổi để phát động và hiện thực hóa ý tưởng này.
Theo ông Hin, với mô hình này, người mua và người bán sẽ thống nhất thời gian và giá bán cây chè trong một hoặc nhiều năm. Sau đó, người dân sẽ chăm sóc, thu hái sản phẩm từ cây chè theo tiêu chuẩn tốt nhất rồi chế biến, đóng gói sản phẩm mang thương hiệu riêng, rồi chuyển gửi cho người mua cây chè.
Tất cả các gốc chè được mua đều đánh dấu trên Googlemap, sản phẩm chè có mã QR Code nên luôn truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng. Gốc cây chè Shan tuyết vẫn luôn thuộc quyền sở hữu của người bán và có trách nhiệm chăm sóc, bảo tồn phát triển cho cây chè. Hình thức thanh toán và giá cả theo thỏa thuận trả tiền 1 lần trong hợp đồng hoặc căn cứ theo thời vụ và sản lượng thu hoạch thực tế.
Năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao
Sau hai năm triển khai Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa 17) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025”, nhiều doanh nghiệp, trang trại, HTX trên địa bàn Hà Nội đã ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất, tạo ra hàng hóa có năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.
Đơn cử như HTX sản xuất và dịch vụ Đa Phúc (huyện Quốc Oai) là một trong những điểm sáng của kinh tế tập thể tại địa phương nhờ chủ động sáng tạo, bắt kịp xu hướng phát triển và ứng dụng phần mềm trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất và dịch vụ Đa Phúc cho biết, nhận thấy hiệu quả sản xuất chưa cao nên HTX đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị mới, chủ động ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Ngoài việc đầu tư trang thiết bị đúng chuẩn, HTX còn tiến hành thay mới hệ thống công tơ điện bằng loại đồng hồ điện tử mới nhất có 2 bộ nhớ, qua đó giúp tăng tuổi thọ đồng hồ và tính chỉ số điện năng chính xác hơn cho người dân.
Đồng thời, HTX còn đưa vào thử nghiệm công nghệ máy bay không người lái (UAV) phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các thành viên. Đặc biệt, những trang thiết bị công nghệ mới được đưa vào hoạt động đã nhanh chóng giúp HTX khai thác tối đa năng suất và chất lượng dịch vụ, mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Tương tự, HTX Sản xuất và tiêu thụ rau Cuối Quý (huyện Đan Phượng) đã đầu tư hệ thống nhà lưới và hệ thống tưới tự động cho gần 5ha trồng trọt, không sử dụng thuốc và phân bón hóa học trong quy trình sản xuất, vừa giúp hạn chế tác động của thời tiết, bớt công chăm sóc, vừa đem lại năng suất và chất lượng cho sản phẩm.
Theo Bộ NNPTNT, hiện nay, cả nước có 1.718 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong số 17.777 HTX nông nghiệp của cả nước, có 21% HTX lập kế hoạch tổng thể cho thương mại điện tử; 23% HTX bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử; 21% HTX tạo một website đơn giản; 7% HTX có website được xuất hiện hàng đầu trong kết quả tìm kiếm trên Google; 14% HTX thực hiện livestream; 7% HTX thực hiện quảng cáo trên Facebook…
Việc ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số đã góp phần giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX có chuyển biến tích cực về chất và lượng; về cơ bản khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, tận dụng và khai thác được dư địa, tiềm năng, không gian phát triển, từng bước khẳng định vị trí, vai trò của một trong những thành phần kinh tế nền tảng trong nền kinh tế quốc dân.
Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1,7 nghìn HTX thành viên; trong đó có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đến năm 2045, các tổ chức KTTT đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.