Một ngày đầu tháng mười vừa qua tôi có dịp đến huyện Anh Sơn để tìm hiểu và “tận mục sở thị” nghề câu vương bắt cá của những hộ gia đình đang mưu sinh trên khúc sông Lam, mới thấy đây là một loại câu rất độc đáo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nghề câu vương được xem là nghề cha truyền con nối, đã có từ lâu đời của bà con nơi đây. Nghề này phổ biến ở hầu hết những gia đình sống bằng nghề chài lưới trên sông Lam, ước tính số lượng phải lên đến hàng trăm hộ. Tuy nhiên hiện nay lượng cá đánh bắt ngày càng giảm nên không còn thu hút được nhiều người dân tham gia như trước kia. Hiện ở Anh Sơn chỉ còn khoảng trên dưới 20 hộ dân xóm chài sống trên dòng sông Lam ở các xã Tam Sơn, Đỉnh Sơn, Long Sơn, Lạng Sơn là đang còn theo nghề này.
Loại câu vương độc đáo. (ảnh: Võ Văn Thành)
Loại câu vương này được người dân nơi đây chế tạo khá đặc biệt, lưỡi câu làm bằng thép cứng uốn cong hình chữ U rộng khoảng 5cm, sắc nhọn. Khi không sử dụng, câu được xếp thành hàng ngang trên nẹp tre, mỗi lưỡi câu được bố trí khá dày trên loại dây dù với khoảng cách đều nhau chừng 20cm. Trên dây dù được gắn các phao xốp, mỗi nẹp câu vương khi giăng ra dài khoảng trên dưới 100 mét.
Theo ông Võ Văn Quân ( 51 tuổi), xóm 3, xã Tam Sơn (Anh Sơn), người có thâm niên trên 30 năm làm nghề câu vương, thì từ bao đời nay, bên cạnh những công cụ đánh bắt cá truyền thống khác như lưới, dận, te, xiếc… thì câu vương luôn được hầu hết người dân sống bằng nghề sông nước nơi đây sử dụng. Nhưng để câu vương đạt hiệu quả đòi hỏi phải có nhiều kinh nghiệm, tính kiên trì, chịu khó, bởi nghề này lắm gian nan vất vả.
Ngay từ khâu chuẩn bị, trước khi đi thả câu, người dân phải kiểm tra câu, mài rũa cho lưỡi câu thật sắc bén, sắp xếp lưỡi câu theo thứ tự gọn gàng, để khi đi thả câu không bị vướng, đỡ mất thời gian.
Ông Quân đang kiểm tra câu vương trước khi đi thả. (ảnh: Võ Văn Thành)
Chọn vị trí và thời điểm thả câu vương được xem là khâu quyết định hiệu quả của mẻ câu. Dùng câu vương có thể đánh bắt được cá ở mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên theo kinh nghiệm của người dân, để đánh bắt được nhiều cá phải thả câu vào ban đêm, những ngày mưa lũ. Người dân cũng thường thả câu vương ngang dòng sông, vào mùa lũ nước sông chảy xiết,… Khi đó, cá từ thượng nguồn xuôi xuống theo dòng chảy, vướng phải sẽ bị lưới câu móc sâu vào thân, càng vùng vẫy cá càng bị nhiều lưỡi câu móc vào, hết đường thoát thân.
Ông Quân đang thả câu vương.(ảnh: Võ Văn Thành)
Theo kinh nghiệm, đi thả câu vương cần ít nhất 2 người, một người chuyên chịu trách nhiệm lái thuyền, một người thả. Tuy nhiên, việc thả câu luôn ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro. Khi thả câu nhất thiết bên mình phải mang theo dao để lưới câu không may mắc vào tay thì lập tức cắt bỏ lưỡi đó, nếu không các lưỡi khác có thể đồng loạt móc vào tay và như vậy rất nguy hiểm. Việc thả câu cũng rất mất thời gian. Để thả xong một nẹp câu vương cũng phải cần ít nhất 1 giờ…
Ông Quân cho biết thêm: “Trước đây cá trên sông Lam rất nhiều, bất kể mùa nào người dân chúng tôi chỉ cần thả một nẹp câu vương để qua đêm trung bình cũng thu được 5 – 7 kg cá, thậm chí có hôm trúng đậm hàng chục kg cá. Các loài cá bắt được hầu hết có trọng lượng hàng kg trở lên, như lăng, lệch, bọp, bò, trắm, chép... Ngày nay do nhiều người sử dụng kích điện và các phương tiện đánh bắt mang tính tận diệt khác để khai thác, nên những loài cá có trọng lượng lớn bị suy giảm nghiêm trọng, nghề câu vương theo đó cũng cho thu nhập thất thường… Bây giờ chúng tôi chỉ thả loài câu này vào ngày mưa lũ, nhưng hôm có hôm không, nếu mắn cũng được trên dưới 1 triệu đồng.”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.