Độc đáo: Nghề hầm than đước ngót trăm năm-đen mặt sáng lòng

Thứ năm, ngày 14/06/2018 14:14 PM (GMT+7)
Ở Cà Mau có nghề hầm than đước đã tồn tại ngót trăm năm. Qua nhiều biến cố lịch sử, nghề này cũng thăng trầm theo thời gian. Hiện nay, nhu cầu về than đun nấu và than dùng trong công nghiệp rất lớn nên cần có hướng mở để nghề chế biến than phát triển bền vững. Nhiều người gọi nghề độc đáo ở Cà Mau này là nghề "đen mặt sáng lòng".
Bình luận 0

“Không nhớ rõ những lò than ấy có từ bao lâu rồi, chỉ nghe cha tôi kể lại, từ những năm 1920, khi vừa tới đây sinh sống đã có những lò hầm than đước tại xứ Chợ Thủ (nay là xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển). Nhưng đến mãi năm 1954, nghề hầm than đước này mới rộ lên nhiều, trải dài từ xã Tân Duyệt cho đến xã Tam Giang Tây (tính theo vị trí hiện nay). Từ năm 1955, than đước Cà Mau đã được bán khắp Nam Kỳ lục tỉnh”, bà Tư Phiến (Dư Thị Phiến), người từng có thời gian dài gắn bó với nghề hầm than đước tại Chợ Thủ, nhớ lại.

img

Sau khi phân loại, than sẽ được cho vào bao, cân và chuyển đi tiêu thụ.

Một thời hoàng kim

Bà Tư Phiến, một người lớn lên từ thủ phủ của nghề hầm than đước Cà Mau, nay đã 79 tuổi, cho biết, nghề này đã gắn liền với ký ức thuở thanh xuân của bà. Bà vẫn nhớ như in những ngày tháng huy hoàng của nghề khi ấy.

Vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi những cánh rừng đước còn bạt ngàn, đước dùng để hầm than chỉ lấy phần thân, không dùng phần gốc như bây giờ. Các lò hầm than lớn nhỏ trải dài, nhưng tập trung nhiều nhất tại khu Chợ Thủ, có đến 200 lò.

Lò than lớn khi đó có thể cho ra những mẻ than hơn 20 tấn, tương đương 40-45 m3 gỗ. Được dùng nhiều cũng có nguyên do của nó, bởi so với những loại than gỗ lúc bấy giờ thì than đước cháy lâu hơn, nhiệt cao hơn nên người dân chuộng dùng.

Gia đình bà Tư Phiến ngày xưa cũng có 2 lò hầm than lớn, do anh bà làm chủ. Nguồn kinh tế chính của gia đình lúc ấy nhờ vào những lò than. Nhu cầu buôn bán than tăng cao, người người, nhà nhà đều xây lò hầm than để bán. Những lò than dọc theo triền sông của Chợ Thủ mọc lên như nấm, lúc nào cũng nghi ngút khói.

Bà Tư Phiến hồi tưởng: “Thấy cái lò lớn mấy chục mét khối vậy chứ không có miếng xi-măng, cốt thép nào như bây giờ. Lò được xây chỉ từ gạch thẻ và bùn dưới sông mà to chừng ấy. Cái nóc lò hình bầu dục, không cần một khung giá đỡ mà chỉ nhắm chừng xây dần lên như vậy”.

img

Cây đước là nguyên liệu để các lò hầm than ở Cà Mau sử dụng. Ảnh: IT.

Chủ những lò than là người dân tại địa phương, còn “tay rìu” là người dân tứ xứ. Thời đó dân cư thưa thớt, người đốn củi phải vào sâu trong rừng để chọn những cây đước lớn, vì than làm từ những cây lớn có giá hơn.

Dù nguy hiểm, cực khổ nhưng các “tay rìu” bấy giờ nhiều vô số kể, bởi lẽ không chỉ cung ứng củi đước tại Cà Mau, mà củi còn được chở đến tận xứ Sóc Trăng, Hậu Giang nên nghề này nuôi đến hàng ngàn dân nghèo.

Rồi đến đầu năm 1960, quân dân ta phát động phong trào Đồng khởi lật đổ chính quyền Mỹ - Diệm, giặc càn quét lực lượng của ta ngày đêm, những lò than bị bom đạn phá sập, rừng đước chết trụi bởi chất độc dioxin, người dân phải bỏ nhà cửa, chuyển vào rừng để tránh đạn. Những lò than nguội lạnh kể từ đó.

img

Hầm than tuy vất vả nhưng nhiều người vẫn quyết tâm theo nghề.

Thời của than hầm xuất khẩu 

Khi hoà bình thống nhất, người dân trở lại quê hương. Chính quyền cách mạng tập trung tái thiết nên việc quản lý khai thác rừng cũng nghiêm ngặt hơn, người dân thiếu nguồn cung củi, nên đa phần bỏ sang làm nghề khác. Những lò than lớn không còn, chỉ còn những lò hầm than nhỏ dùng cho gia đình.

Đến những năm 2000, chỉ còn lại một số ít người làm nghề hầm than, do việc sản xuất than đước gây không ít khó khăn trong công tác quản lý tài nguyên. Đa phần những hộ làm than tại địa phương là những hộ nghèo, nguồn kinh tế chính của gia đình phụ thuộc vào những mẻ than nhỏ.

Để đưa nghề hầm than vào quy củ, năm 2006, chính quyền địa phương đã tìm hướng mở cho người dân làm nghề này bằng cách tập trung họ lại thành lập những hợp tác xã (HTX) hầm than đước. Việc thành lập các HTX góp phần giúp việc quản lý khai thác rừng thuận lợi hơn và giúp cái nghề ngót gần trăm năm tuổi của Cà Mau được lưu giữ.

Điển hình như HTX hầm than đước Tân Phát, xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển với 12 thành viên cùng góp vốn. Hơn 10 năm hoạt động, quy mô ngày càng mở rộng, nay đã có 21 lò với sản lượng bình quân mỗi tháng gần 100 tấn than đước, bán đi khắp cả nước.

Cô Lê Thị Bích, thành viên HTX, cho biết: “Than ở đây ra lò có chất lượng cao nên nhiều nơi rất chuộng. Hiện tại sản phẩm của HTX không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu”. Cô Lê Thị Bích cho biết, năm vừa rồi HTX Tân Phát đã xuất khẩu qua Ả Rập 50 tấn than ngọn (loại than có đường kính nhỏ, thường là ở phần ngọn của cây đước).

Cũng tại xã Tân Ân Tây, HTX hầm than đước Đồng Khởi vừa ra đời hơn 1 năm nay, có 9 lò hầm than với trữ lượng 6-8 tấn thành phẩm mỗi lò. Các lò được đặt tại mỗi hộ thành viên chứ không tập trung như HTX hầm than đước Tân Phát, nhân công chủ yếu là người trong gia đình phụ trách.

img

Than đước là 1 mặt hàng xuất khẩu hiện nay ở Cà Mau. Ảnh: IT.

Anh Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc HTX hầm than đước Đồng Khởi, cho biết: “Quy mô của những lò than tại HTX nhỏ, ít tốn chi phí thuê mướn nhân công nên thu nhập của chủ các lò than khá ổn. Bình quân mỗi lò trừ đi các chi phí ban đầu, thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng”.

Tưởng chừng như đã lụi tàn, nhưng một lần nữa nghề hầm than lại vươn mình sống dậy. Hiện nay, giá than đang dao động từ 10.000-11.000 đồng/kg bán ra từ lò. Với mức giá này, tuy lời lãi không cao nhưng cũng giúp người dân làm nghề hầm than có cuộc sống ổn định hơn.

Rồi đây nghề hầm than đước Cà Mau có phát triển hơn thời hoàng kim những năm 1955-1960? Dù sao thì việc sản xuất than đước cần sự quan tâm nhiều hơn nữa để nó phát triển bền vững, để cái nghề trăm năm của xứ Mũi Cà Mau vẫn trường tồn./.

Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh các HTX tỉnh Cà Mau, cho biết: “Hơn 100 năm hình thành và duy trì, đến nay, nghề hầm than vẫn giữ nguyên như cách làm của ông cha trước đây. Vì thế, chúng ta cần thay đổi công nghệ chế biến, phương cách kinh doanh nhằm giúp sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Khó khăn duy nhất của các HTX hầm than đước tại Tân Ân Tây hiện nay là xây dựng một hệ thống quản lý chuẩn mực. Thời gian tới, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ, định hướng cho bà con xây dựng và phát triển theo xu hướng hiện đại. Có như vậy bà con mới có thể hưởng hết các ưu đãi để phát triển lâu dài".

Khánh Phương (Báo Cà Mau)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem