Những con voi tàn phá mùa màng, nhà cửa và thậm chí còn làm nhiều người thiệt mạng. Những gia đình ở làng Kyat Chuang buộc phải xây chỗ ở mới từ gỗ và tre trên những địa điểm cao hơn. “Chúng tôi phải chuyển nhà lên cây để an toàn hơn”, ông San Lwin, người vừa nhanh chân trèo lên ngôi nhà khi bầy voi xuất hiện, chia sẻ với phóng viên báo STT.
Dân làng Kyat Chuang trên những ngôi nhà làm từ tre, gỗ để tránh bầy voi dữ.
Dân làng Kyat Chuang, cách thành phố Yangon 100km về phía bắc, cho biết họ mong mỏi thời gian quay lại cách đây 3 năm trước khi bầy voi dữ tấn công ngôi làng. Giờ đây, họ buộc phải sống trên những ngôi nhà trên cây để tránh bầy thú dữ. Cách duy nhất để lên nhà là dùng thang làm từ tre nứa. Mỗi khi mặt đất rung chuyển bởi tiếng bước chân huỳnh huỵch của bầy voi, họ lại cuống cuồng trèo lên ngôi nhà cây của mình.
Số voi châu Á ở Myanmar được cho là đông đảo nhất khu vực, theo số liệu của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF).
Tuy nhiên, số lượng voi ở quốc gia này đang suy giảm nghiêm trọng do môi trường sống thu hẹp, cơn sốt ngà voi và tình trạng buôn lậu voi từ Myanmar sang Thái Lan để phục vụ ngành du lịch ở quốc gia này.
Từ năm 1990 đến 2010, Myanmar mất hơn 20% diện tích che phủ rừng, theo số liệu của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hợp Quốc.
Các chuyên gia cho biết nguyên nhân chính khiến diện tích rừng thu hẹp là đốn gỗ, chiếm đất vì mục đích nông nghiệp diễn ra trong nhiều thập niên qua.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.