Khu chợ ở trung tâm xã Tri Lễ cách trung tâm huyện Quế Phong 30km. Nơi đây có những sạp hàng dựng bằng tre nứa tạm bợ và chủ yếu phục vụ nhu cầu cho bà con các xóm lân cận.
Người bán hàng chủ yếu đến từ các xóm bản người Thái, người Mông quanh chợ... Chợ họp từ sáng sớm cho đến tối mịt và luôn rôm rả tiếng nói cười.
Cả chợ chỉ toàn bày bán những mặt hàng rau củ quả là nông sản bản địa và dao đi rừng.
Và dưa rẫy vẫn là mặt hàng được bày bán nhiều nhất. Đây là thứ quả xuất hiện trong hầu hết các bữa ăn hàng ngày của những gia đình người Thái, Mông và Khơ mú ở Tri Lễ.
Điều đặc biệt là ở chợ người ta không đặt nặng chuyện mua đi bán lại. Những phụ nữ lúc nông nhàn có thể mang theo bó rau, con cá, con gà, củ khoai đến gặp mặt nhau, chuyện trò. Vì thế mà mỗi sạp hàng có đến hàng chục người ngồi bán, còn người mua thì chỉ thi thoảng mới xuất hiện. Ông Thò Bá Xô - Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Ngày xưa người dân thường buôn bán ở trong chợ nhưng do phía trong khá chật chội nên dần dà họ chuyển ra đầu đường. Chợ tự phát này mới xuất hiện chưa đầy một năm. Tuy nhiên, hoạt động của khu chợ không ảnh hưởng đến hành lang an toàn giao thông. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho bà con buôn bán các sản phẩm an toàn, không bán thịt lợn vì địa phương chưa hết dịch tả lợn châu Phi.
Vào dịp này, quả mặc tệt - thứ trái cây có họ hàng với loài mướp được trồng nhiều trên các nương rẫy được người mua ưa chọn.
Một bà lão rời chợ khi đã bán hết gùi rau. Bà nói với phóng viên rằng sẽ trở lại chợ vào sáng sớm hôm sau. Dù có bán hết hàng hay không thì trong bụng vẫn vui, bởi ở đây bà được gặp nhiều người là hàng xóm thân quen và chia sẻ cùng nhau những câu chuyện cuộc sống.
Hồ Phương - Hữu Vi (Báo Nghệ An)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.