Độc đáo tục rước kiệu vua Bà tại ngôi đền cổ ở Mê Linh (Hà Nội)

Tiến Đạt Thứ tư, ngày 01/02/2023 12:27 PM (GMT+7)
Tục rước kiệu vua Bà tại Lễ hội đền Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội) từ lâu đã nổi danh, thu hút đông đảo du khách thập phương.
Bình luận 0

Rước kiệu vua Bà trong ngày khai hội đền thờ Hai Bà Trưng thu hút hàng nghìn người dân, du khách. Thực hiện: Tiến Đạt.

Ý nghĩa của tục rước kiệu vua Bà

Đền Hai Bà Trưng là di tích Quốc gia đặc biệt nằm tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương, đây còn là địa điểm thăm quan du lịch tâm linh hấp dẫn đối với du khách trên mọi miền đất nước.

Đền thờ hai vị anh hùng dân tộc là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Hai vị anh hùng đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán. Hằng năm, lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ công ơn của hai vị anh hùng dân tộc cùng các tướng lĩnh đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa hào hùng năm xưa.

Độc đáo tục rước kiệu vua Bà tại ngôi đền cổ ở Hà Nội - Ảnh 2.

Đền Hai Bà Trưng là di tích Quốc gia đặc biệt nằm tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.

Đến với quần thể di tích đền thờ Hai Bà Trưng, bên cạnh việc thắp hương cầu nguyện, du khách còn được tìm hiểu lịch sử, văn hóa, được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, khoáng đạt, để thấy lòng mình nhẹ nhàng, thư thái.

Du khách tới đây sẽ được chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc độc đáo như: Cổng đền, nhà khách, nghi môn ngoại, nghi môn nội, gác trống, gác chuông, nhà tả – hữu mạc, đền thờ Hai Bà Trưng, đền thờ thân phụ – thân mẫu Hai Bà, đền thờ thân phụ, thân mẫu ông Thi Sách, đền thờ các nữ tướng triều Hai Bà Trưng, đền thờ các Nam tướng triều Hai Bà Trưng, nhà bia lưu niệm Hộp thư bí mật của đồng chí Trường Chinh, hồ bán nguyệt, hồ mắt voi, suối vòi voi, hồ tắm voi, thành cổ Mê Linh…

Độc đáo tục rước kiệu vua Bà tại ngôi đền cổ ở Hà Nội - Ảnh 3.

Đông đảo người dân tập trung tại đền Hai Bà Trưng xem rước kiệu. Ảnh: Tiến Đạt.

Theo Ban Tổ chức Lễ hội đền Hai Bà Trưng, sau 2 năm dịch bệnh Covid-19, không thể tổ chức Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng, năm nay, huyện Mê Linh tổ chức lễ hội theo thông lệ vào các ngày 27, 28, 29/01, tức các ngày mùng 6, mùng 7, mùng 8 tháng Giêng nhưng với quy mô lớn hơn mọi năm.

Đúng 7 giờ sáng mùng 4 và ngày mùng 6 tháng Giêng, người dân Mê Linh tổ chức rước kiệu Hai Bà, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi và kiệu Thánh Cốt Tung - một danh tướng của Hùng Duệ Vương được thờ tại làng Hạ Lôi. Nét độc đáo mà chỉ ở lễ rước kiệu Hai Bà mà không địa phương nào có được chính là: Nghi thức giao kiệu.

Sau khi làm lễ "Tế trình", đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà Trưng đi từ đền về đình Hạ Lội. Đi hộ giá Hai Bà có các đội nghi trương gồm: cờ lệnh, đội cờ ngũ hành, đội cờ tứ linh, đội cờ thần tàn lọng, đội gươm trường bát bửu, đội nữ binh hộ giá, hai voi trắng, ngựa hồng, ngựa bạch…cùng các đội múa sênh tiền, đội múa lân vừa đi vừa múa.

Độc đáo tục rước kiệu vua Bà tại ngôi đền cổ ở Hà Nội - Ảnh 4.

Đoàn rước kiệu tại đền Hai Bà Trưng. Ảnh: Tiến Đạt.

Từ trong sân đền, kiệu Bà Trưng Trắc đi trước, nhưng khi ra khỏi cổng đền, kiệu bà Trưng Trắc dừng lại bên phải đường để kiệu Bà Trưng Nhị đi trước. Đây chính là Nghi thức giao kiệu chỉ có tại lễ rước kiệu vua Bà.

Sau khi đoàn rước kiệu đã tề tựu theo thứ tự tại sân đình làng, ảnh Hai Bà Trưng cùng vị của bốn vị Thành hoàng làng và bài vị Thánh Cốt Tung được rước đặt trên nhang án trong đình làng. Sau đó, dân làng tổ chức tế lễ tại đình làng từ chiều ngày mùng 4 đến hết ngày mồng 5 tháng Giêng với ý nghĩa là để chào đón Hai Bà Trưng về thăm quê hương.

Sáng mùng 6 tháng Giêng âm lịch, đoàn rước kiệu lại rước bốn cỗ kiệu từ đình làng về đền Hai Bà Trưng. Đầu lễ, kiệu Trưng Trắc đi trước. Ra đến đường kéo quân để về đình làng thì kiệu Trưng Trắc chuyển sang để kiệu Trưng Nhị đi trước. 

Độc đáo tục rước kiệu vua Bà tại ngôi đền cổ ở Hà Nội - Ảnh 5.

Đoàn rước kiệu đi từ đình làng Hạ Lôi về đến Đền trong sáng mùng 6 tháng Giêng. Ảnh: Tiến Đạt.

Đến cổng đình, kiệu chị đi trước, kiệu em đi sau. Hai bên nghênh đón hai Vua Bà với ý nghĩa tượng trưng Vua từ kinh đô Mê Linh về thăm làng. Vào chính hội, dân làng tiễn Hai Bà về kinh đô lên đền. Thứ tự rước kiệu được thực hiện ngược lại so với hôm về đình làng.

Truyền thuyết về Hai Bà Trưng

Theo chính sử ghi lại, Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh (Hà Nội). Cha là quan Lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan (tên tục gọi là bà Man Thiện).

Tương truyền, làng quê có nghề trồng dâu nuôi tằm, Hai Bà Trưng là hai chị em sinh đôi, Bà chị có tên là Trưng Trắc, em gái có tên Trưng Nhị. Từ nhỏ, Hai Bà được mẹ mời thầy giỏi trực tiếp dạy học nên khi lớn lên đều văn võ song toàn, có lòng thương dân và ý chí khởi nghĩa quật cường. 

Năm mười chín tuổi, bà Trưng Trắc kết hôn với ông Thi Sách, con quan Lạc tướng thành Chu Diên (vùng Sơn Tây ngày nay) cũng là người có ý chí quyết tâm chống giặc Hán đô hộ.

Sau khi Hai Bà mất, nhân dân trong nước tôn kính lập đền thờ Hai Bà và các tướng lĩnh giỏi ở khắp mọi nơi. Đền thờ Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội có ý nghĩa quan trọng nhất bởi đây là nơi lưu lại dấu tích của Hai Bà Trưng thời thơ ấu, trưởng thành, phất cờ khởi nghĩa giành thắng lợi, xưng Vương và định đô.

Độc đáo tục rước kiệu vua Bà tại ngôi đền cổ ở Hà Nội - Ảnh 6.

Người dân, du khách tham gia lễ hội rước kiệu vua Bà. Ảnh: Tiến Đạt.

Gần như đã trở thành thông lệ hằng năm, gia đình bà Nguyễn Thị Ngợi, trú tại xã Thạch Đà, đều háo hức được hoà mình vào không khí lễ hội, tôn vinh những nét đẹp lịch sử của quê hương mình. 

"Trong đám rước kiệu, rộn rã tiếng chiêng tiếng trống của phường bát âm, hai bên nam nữ hát đối, tương truyền bài hát có từ thời Hai Bà Trưng, cổ vũ tinh thần các quân sĩ đánh giặc. Đấy là một nét đẹp chỉ có ở lễ hội này mới có", bà Ngợi chia sẻ.

Trưởng Ban Quản lý di tích đền Hai Bà Trưng, Phạm Trần Quang cho biết thêm, đền Hai Hà Trưng - Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với truyền thống và lịch sử hào hùng của dân tộc. Đền thờ được xây dựng ở vị trí đắc địa, chính nơi hai Bà sinh ra, lớn lên.

"Hằng năm, trước và trong dịp lễ hội chúng tôi đều phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để người dân và du khách tham gia lễ hội vui tươi, an toàn", ông Quang chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem