Độc đáo với cách săn mồi và tìm kiếm bạn tình của loài rồng lớn nhất thế giới

Thứ tư, ngày 29/12/2021 07:18 AM (GMT+7)
Vườn Quốc gia Komodo với khoảng 2.200 km2 diện tích đất và biển, được thành lập vào năm 1980 mục đích để giúp bảo vệ loài rồng nổi tiếng. Tuy nhiên việc mở cửa du lịch trên đảo Rồng Komodo đã làm cho nhiều chuyên gia môi trường lo lắng “sự tồn tại” của loài vật biểu tượng cho xứ vạn đảo.
Bình luận 0
Độc đáo với cách săn mồi và tìm kiếm bạn tình của loài rồng lớn nhất thế giới  - Ảnh 1.

Rồng Komodo - biểu tượng của Indonesia. Ảnh: Wonderful Indonesia

Rồng komodo bơi rất giỏi và giết con mồi bằng nước bọt có nọc độc 

Vườn Quốc gia Komodo với khoảng 2.200 km2 diện tích đất và biển, được thành lập vào năm 1980 mục đích để giúp bảo vệ loài rồng nổi tiếng.

Rồng Komodo là loài thằn lằn lớn nhất trên thế giới hiện nay, với chiều dài trung bình từ 2-3m. Đây là loài đặc hữu của một số hòn đảo ở Indonesia, sống ở bìa rừng hoặc trong thảo nguyên trống, hiếm khi di chuyển lên độ cao hơn 700 mét so với mực nước biển.

Độc đáo với cách săn mồi và tìm kiếm bạn tình của loài rồng lớn nhất thế giới  - Ảnh 2.

Vườn quốc gia Komodo trở thành Di sản thế giới năm 1991. Ảnh: Pinterest

Loài rồng Komodo chủ yếu ăn lợn rừng, hươu, nai, trâu và dơi ăn quả. Chúng giết con mồi bằng nước bọt có nọc độc làm cho huyết áp của con mồi giảm đột ngột và ngăn chặn quá trình đông máu, khiến con mồi bị sốc.

Khứu giác loài rồng Komodo rất phát triển. Chúng có khả năng ngửi thấy mùi xác thối từ 8km, sau đó di chuyển tới nơi có thức ăn và cố gắng ăn nhiều nhất có thể.

Điều đặc biệt là chúng bơi rất giỏi, có thể bơi từ đảo này sang đảo khác để kiếm ăn hoặc kiếm bạn tình. Ngoài ra, loài rồng này cũng có thể leo trèo trên cây rất linh hoạt.

Mùa giao phối của loài rồng Komodo bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 8, đẻ trứng vào tháng 9; tối đa 20 trứng một lứa, chúng thường đẻ trong tổ gà rừng bị bỏ hoang hoặc trong hang tự đào. Trứng được ấp từ bảy đến tám tháng, nở vào tháng tư, khi côn trùng phát triển nhiều nhất. Rồng Komodo non dễ bị tổn thương và do đó thường trú ngụ trên cây, an toàn trước những kẻ săn mồi và những con trưởng thành ăn thịt đồng loại. Chúng mất 8 đến 9 năm để trưởng thành và ước tính có thể sống đến 30 năm.

Độc đáo với cách săn mồi và tìm kiếm bạn tình của loài rồng lớn nhất thế giới  - Ảnh 3.

Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia ước tính có khoảng 3.000 loài Komodo sống ở đó, cùng với cá nược, rùa biển, cá voi và hơn 1.000 loài cá nhiệt đới. Chính vì sự đa dạng sinh học và vẻ đẹp của nó, công viên đã trở thành Di sản Thế giới của Liên Hợp Quốc vào năm 1991. Đây được coi là viên ngọc quý của ngành du lịch Indonesia, khi thu hút hàng trăm nghìn du khách từ khắp nơi trên thế giới mỗi năm.

Bộ trưởng Du lịch Indonesia Sandiaga Uno chia sẻ rằng quốc gia này đang bước vào kỷ nguyên du lịch mới dựa trên thiên nhiên và văn hóa, tập trung vào du lịch bền vững và đẩy mạnh chất lượng. 

Độc đáo với cách săn mồi và tìm kiếm bạn tình của loài rồng lớn nhất thế giới  - Ảnh 4.

Indonesia hướng tới du lịch bền vững. Ảnh: lebigtriptravel

Loài vật biểu tượng - rồng komodo của Indonesia đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

Tuy nhiên hiện tại trên một hòn đảo cách Đảo Rồng 30km nơi ở của một số loài Komodo, cây cối đã bị chặt bỏ để phục vụ việc xây dựng các cơ sở du lịch mới đã làm dấy lên sự phẫn nộ của cư dân và các nhà hoạt động vì môi trường.

Việc xây dựng này nằm trong kế hoạch đầy tham vọng của Indonesia đã gây ra căng thẳng giữa 2 phía chính phủ và các chuyên gia môi trường. Một mặt, chính phủ Indonesia muốn phát triển các điểm tham quan cho du lịch hạng sang. Ngược lại, các nhà bảo tồn lo ngại môi trường sống của loài rồng đang có nguy cơ tuyệt chủng sẽ bị tổn hại không thể khắc phục được.

Các quan chức Liên Hợp Quốc cũng đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về những tác động tiềm ẩn của du lịch đối với công viên hoang dã độc đáo này.

Sự phát triển du lịch trị giá hàng triệu đô la đó là một dự án trên Đảo Rinca, nơi ước tính có hơn một phần ba số rồng của công viên sống trên địa hình với khí hậu nóng và khô. Việc xây dựng bao gồm một trạm kiểm lâm mở rộng, đài quan sát, bến thuyền, nhà vệ sinh và các cơ sở hạ tầng khác.

Dự án phát triển vấp phải những ý kiến trái chiều từ phía các nhà hoạt động môi trường, những cư dân quanh khu công viên; đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới kế sinh nhai của hướng dẫn viên du lịch, lái thuyền và người bán hàng lưu niệm - những người kiếm tiền dựa vào vẻ đẹp tự nhiên của công viên này.

Độc đáo với cách săn mồi và tìm kiếm bạn tình của loài rồng lớn nhất thế giới  - Ảnh 5.

Dự án du lịch đang xây dựng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới kế sinh nhai của người dân. Ảnh: faun070

Gregorius Afioma, một thành viên của tổ chức phi chính phủ địa phương Sun Spirit for Justice and Peace đã đặt sự nghi vấn về tính hiệu quả của dự án và liệu đó có phải là việc "tự sát tập thể."

UNESCO - cơ quan của Liên hợp quốc chỉ định tình trạng Di sản Thế giới - cũng đã nêu lên những lo ngại về sự phát triển của công viên. Guy Debonnet, giám đốc đơn vị di sản thiên nhiên của UNESCO, cho biết cơ quan này quan tâm đến các đề xuất này bởi cần xác định lại giá trị phổ quát của công viên khi nó được đánh giá chưa đúng mức. 

Trong một cuộc họp vào tháng 7, UNESCO đã bày tỏ những quan ngại khác, như dự án giảm khu vực hoang dã của công viên xuống một phần ba diện tích trước đây, việc nhượng quyền đất khai thác cho du lịch, thiếu các đánh giá tác động đến môi trường hay sự tăng đột biến lượng khách du lịch đến trải nghiệm.

Một báo cáo cho biết mục tiêu của Indonesia sẽ đón 500.000 du khách đến khu du lịch này hàng năm, cao gấp đôi so với số lượng khách trước đại dịch COVID-19. Điều này đặt ra câu hỏi làm thế nào mô hình du lịch này phù hợp với tầm nhìn của Indonesia về việc chuyển từ du lịch tham quan nghỉ dưỡng sang các phương pháp tiếp cận bền vững hơn.

Độc đáo với cách săn mồi và tìm kiếm bạn tình của loài rồng lớn nhất thế giới  - Ảnh 6.

Ảnh: Richard Susanto

Theo yêu cầu của UNESCO, quốc gia này đã đệ trình thêm thông tin về dự án. Tuy nhiên, sau khi xem xét, cơ quan LHQ đã yêu cầu vào tháng 10 năm 2020 rằng Indonesia không tiến hành bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng du lịch nào có thể ảnh hưởng đến giá trị chung của khu vực trước khi IUCN xem xét đánh giá tác động môi trường liên quan.

(IUCN là một tổ chức quốc tế, phi chính phủ, cung cấp cho Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO các đánh giá kỹ thuật về các tài sản di sản thiên nhiên)

Sau nhiều lần cố gắng xin phép chính quyền, hãng tin AP đã không thể tiếp cận công trường xây dựng mà trong nhiều tháng nay đã bị đóng cửa. Tuy nhiên, hình ảnh vệ tinh cho thấy việc xây dựng vẫn tiếp tục sau khi UNESCO yêu cầu tạm dừng dự án. Chính phủ cũng đã không có bất cứ phản hồi nào. Ông Debonnet cho biết, đến ngày 6/12, UNESCO vẫn chưa nhận được bản đánh giá sửa đổi được yêu cầu.

Một số chuyên gia lo ngại việc mở rộng du lịch trong công viên có thể dẫn đến đảo lộn môi trường sống của rồng Komodo. Đó là những con thằn lằn săn mồi, có thể dài tới 3 mét và nặng hơn 135 kg, gần đây đã được xếp vào loại 'nguy cấp' trong danh sách các loài bị đe dọa của IUCN.

Độc đáo với cách săn mồi và tìm kiếm bạn tình của loài rồng lớn nhất thế giới  - Ảnh 7.

Rồng Komodo gần đây đã được xếp vào loại 'nguy cấp' trong danh sách các loài bị đe dọa của IUCN. Ảnh: Harry Rother

Tổ chức này đưa ra bằng chứng thể hiện những tác động của biến đổi khí hậu và sự suy thoái môi trường sống của loài rồng - bao gồm cả sự xâm lấn của con người - là những lý do dẫn đến sự thay đổi.

Bryan Fry, phó giáo sư tại Trường Khoa học Sinh học thuộc Đại học Queensland, cho biết du lịch sẽ có tác động lớn, không chỉ từ số lượng khách du lịch đến tìm hiểu mà còn là vấn đề nước ngọt trên đảo. Hiện tại, ngày mở cửa cho các cơ sở mới trên Đảo Rinca vẫn chưa được công bố.

Ông Debonnet cho biết họ đang đàm phán với các quan chức Indonesia để sắp xếp một phái đoàn giám sát nhằm đánh giá tác động của sự phát triển đang diễn ra đối với công viên và xem xét tình trạng bảo tồn của nó.

Các di sản thế giới thường được ủy ban UNESCO thảo luận theo chu kỳ hai năm, tuy nhiên, Vườn quốc gia Komodo sẽ được thảo luận vào năm 2022 để thấy rằng đây là vấn đề cấp bách cần được giải quyết sớm. 


Đúc Tuấn (AP)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem