Nhìn lại Du lịch toàn cầu với những con số nghìn tỷ và sự phục hồi mong manh
Nhìn lại Du lịch toàn cầu với những con số nghìn tỷ và sự phục hồi mong manh
Thứ sáu, ngày 24/12/2021 12:08 PM (GMT+7)
Covid-19 gây thiệt hại cho ngành du lịch toàn cầu 2 nghìn tỷ USD năm 2021, theo ước tính của Tổ chức Du lịch Liên Hợp Quốc (UNWTO). Tuy đà phục hồi du lịch đã khả quan hơn trong quý 3 năm 2021, nhưng nhìn chung vẫn còn “mong manh và chậm” - theo UNWTO.
UNWTO ước tính ngành du lịch toàn cầu tiếp tục mất 2 nghìn tỷ USD năm 2021
Ngành du lịch toàn cầu đã mất 2 nghìn tỷ USD (1,78 nghìn tỷ Euro) năm 2020 do Covid-10, khiến du lịch trở thành một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc khủng hoảng y tế vì đại dịch. Sang năm 2021 tổng số khách du lịch quốc tế theo ước tính của UNWTO, vẫn ở mức sụt giảm tương tự như năm 2020. Tức là thấp hơn từ 70-75% so với 1,5 tỷ lượt khách du lịch quốc tế được ghi nhận năm 2019 thời trước Covid-19.
Theo ước tính của World Travel & Tourism Council (Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới), năm 2022 sẽ gia tăng số lượng chuyến đi du lịch nhiều hơn cả thời trước Covid-19. (Ảnh: Travel & Leisure)
Cụ thể, số lượng khách du lịch quốc tế lưu trú qua đêm tăng 58% giai đoạn từ tháng 7-9/2021 so với cùng kỳ năm 2020, nhưng vẫn thấp hơn 64% so với mức của năm 2019. Châu Âu ghi nhận hiệu suất khách đến tốt nhất trong quý 3/2021, nhưng số khách quốc tế đến (-53%) so với cùng kỳ năm 2019. Từ tháng 8-9/2021 số khách đến (-63%) so với năm 2019 - là kết quả tốt nhất kể từ khi bắt đầu bùng phát đại dịch.
Lượng khách du lịch quốc tế đã tăng trở lại từ mùa Hè 2021 ở Bắc bán cầu, nhưng độ phục hồi còn chậm và mức độ không đồng đều giữa các khu vực trên thế giới. Điều đó là do các mức độ hạn chế di chuyển, tỷ lệ tiêm chủng vaccine và lòng tin của khách du lịch ở từng quốc gia có sự khác nhau.
Các "thiên đường biển đảo" vùng Caribbea vẫn là những điểm đến hút khách du lịch nhất năm 2021. (Ảnh: Getty)
Trong khi lượng khách du lịch đến một số "thiên đường biển đảo" vùng Caribbea, Nam Á và một số điểm đến Nam Âu đã gần bằng hoặc đôi lúc vượt cả mức thời trước Covid-19 trong quý 3/2021, thì vẫn có không ít quốc gia khác lượng khách quốc tế đến gần như bằng 0.
Châu Âu (với -53%) và châu Mỹ (với -60%) cho thấy tình hình đã được cải thiện tương đối trong quý 3/2021. Trong khi đó lượng khách đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm tới 95% so với năm 2019, do nhiều điểm đến vẫn đóng cửa với các chuyến du lịch "không thiết yếu". Còn châu Phi và khu vực Trung Đông lần lượt ghi nhận mức giảm 74% và 81% trong quý 3/2021.
Các "chân dài bikini sexy" tạo dáng trên một bãi biển an toàn thời bình thường mới. (Ảnh: Traveller.com.au)
Tính tổng thể, từ tháng 1- 9/2021 lượng khách du lịch quốc tế trên toàn thế giới ở mức tăng 20% so với năm 2020. Điều này cho thấy tình hình đã có dấu hiệu cải thiện khá rõ rệt, nhờ các nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng vaccine và nhiều quốc gia nới lỏng quy định hạn chế, mở cửa trở lại đón khách du lịch quốc tế.
UNWTO ước tính có tổng cộng 46 quốc gia điểm đến (chiếm 21% tổng số quốc gia điểm đến trên toàn thế giới) tới nay vẫn hoàn toàn đóng cửa biên giới với du lịch quốc tế. Trong khi 55 quốc gia điểm đến khác đóng cửa một phần, thì mới chỉ có 4 quốc gia điểm đến đã dỡ bỏ tất cả quy định hạn chế với du lịch quốc tế gồm: Colombia, Costa Rica, CH Dominicana và Mexico. Trong số các điểm đến đạt kết quả tốt nhất giai đoạn từ tháng 7-9/2021, theo thông tin hiện có thì Croatia (-19%), Mexico (-20%) và Thổ Nhĩ Kỳ (-35%).
Dấu hiệu cải thiện thu - chi
Tương tự như vậy, các dữ liệu về doanh thu du lịch quốc tế cũng cho thấy có sự cải thiện trong quý 3/2021. Mexico ghi nhận doanh thu tương tự năm 2019; Thổ Nhĩ Kỳ (-20%); Pháp (-27%) và Đức (-37%) - tức là có mức giảm tương đổi nhỏ hơn so với thời kỳ trước đó trong năm.
Đối với lĩnh vực du lịch nước ngoài (Outbound Travel), kết quả cũng tương đối tốt hơn, với Pháp và Đức lần lượt báo cáo mức (-28%) và (-33%) chi tiêu khi du lịch nước ngoài trong quý 3/2021.
Nhìn theo hướng tích cực, chi tiêu cho du lịch trên mỗi chuyến đi đã tăng lên đáng kể nhờ khách du lịch có thời gian dài tiết kiệm và nhu cầu bùng phát sau sự "dồn nén" do chờ đợi được đi du lịch trở lại quá lâu. Nhờ đó đã giúp giảm bớt tác động của Covid-19 lên nền kinh tế nói chung.
Cụ thể các "biên lai" quốc tế tăng từ mức trung bình 1.000 USD cho mỗi chuyến du lịch năm 2019, lên 1.300 USD năm 2020 và có thể vượt quá 1.500 USD năm 2021. Tuy nhiên chi tiêu cao hơn cũng là kết quả của việc lưu trú dài hơn, cùng chi phí giao thông và phí lưu trú cao hơn.
Biểu đồ cho thấy tốc độ lây lan nhanh của biến chủng Omicron trong nửa cuối tháng 11/2021 tại Nam Phi. (Ảnh: DM)
Những nhận xét trên được UNWTO đưa ra trong bối cảnh châu Âu vừa nới lỏng các quy định hạn chế đi lại, tạo điều kiện cho ngành du lịch phục hồi. Nhưng tới cuối năm 2021 lại xuất hiện biến chủng Omicron đe dọa nguy cơ lây lan nhanh hơn, khiến ngành du lịch toàn cầu lại một lần nữa phải đứng trước tương lai với những diễn biến khó lường.
Hướng về tương lai với xu thế du lịch quốc tế an toàn
Dù đã có những cải thiện gần đây, nhưng tương lai theo các chuyên gia vẫn khó dự đoán, nhất là khi các biến chủng Covid-19 mới như Delta và Omicron vẫn đe dọa kéo chậm lại đà phục hồi du lịch hiện có.
Theo dữ liệu mới nhất của UNWTO, doanh thu từ du lịch quốc tế có thể đạt từ 700 tỷ đến 800 tỷ USD trong năm 2021. Tức là đã có mức cải thiện nhỏ so với năm 2020, nhưng chưa bằng 1/2 so với mức 1,7 nghìn tỷ USD năm 2019. Đóng góp kinh tế của ngành du lịch ước tính đạt 1,9 nghìn tỷ USD năm 2021 (tính bằng Tổng sản phẩm quốc nội trực tiếp du lịch - tương ứng với một phần GDP được tạo ra bởi các ngành công nghiệp tiếp xúc trực tiếp với khách du lịch). Tức là vẫn thấp hơn nhiều so với giá trị thời trước Covid-19 là 3,5 nghìn tỷ USD.
Cyprus (Síp) là một trong những quốc gia điểm đến an toàn, nhưng mới đây cũng đã phải cùng nhiều nước châu Âu khác áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế du lịch do lo ngại biến chủng Omicron. (Ảnh: Shutterstock)
Việc khôi phục lại du lịch quốc tế an toàn được cho là sẽ tiếp tục phụ thuộc phần lớn vào phản ứng phối hợp giữa các quốc gia về những hạn chế đi lại, các quy trình hài hòa về an toàn, vệ sinh và truyền thông hiệu quả để giúp khôi phục niềm tin của người tiêu dùng là khách du lịch.
"Bất chấp những cải thiện gần đây, tỷ lệ tiêm chủng chưa đồng đều trên thế giới cùng các chủng Covid-19 như biến thế Delta và Omicron có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi du lịch còn chậm và mong manh…" - hãng tin AFP dẫn lời Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nói hôm 29/11. Tuy nhiên hướng về tương lai, ông Zurab Pololikashvili vẫn bày tỏ lạc quan: "Đó là một cuộc khủng hoảng lịch sử trong ngành du lịch, nhưng một lần nữa nó cho thấy khả năng phục hồi du lịch khá nhanh. Tôi thực sự hy vọng là năm 2022 tình hình sẽ tốt hơn nhiều so với năm 2021".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.