Phúc lợi động vật ở Việt Nam: Ở nơi gà được nuôi theo tiêu chuẩn "5 không", được thể hiện cảm xúc
Độc nhất vô nhị: Ở đây gà được thể hiện cảm xúc, nuôi theo tiêu chuẩn "5 không"
Bình Minh
Thứ tư, ngày 01/12/2021 09:08 AM (GMT+7)
Khi đảm bảo được phúc lợi động vật tốt, người chăn nuôi có thể giảm thiểu một số chi phí đầu vào, đồng thời có thể tăng được năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm, giảm thiểu được chi phí thú y do ít bệnh tật xảy ra.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NNPTNT), phúc lợi động vật là việc đối xử tốt với động vật để con vật có trạng thái tốt nhất về mặt thể chất, tinh thần, tránh những đau đớn không đáng có. Phúc lợi động vật là nhân tố quan trọng để phát triển một ngành chăn nuôi bền vững.
Cùng với sự phát triển của ngành chăn nuôi gia súc gia cầm tại Việt Nam, số lượng gà công nghiệp đẻ trứng và lợn nái được nuôi trong các lồng nuôi gà đẻ, cũi nái ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, Việt Nam có khoảng 81 triệu gà đẻ trứng, lồng phổ biến thường nuôi nhốt khoảng 5 - 10 con gà, không gian hoạt động của gà chỉ từ 432 – 555 cm2.
Hiện có khoảng 2,4 triệu con lợn nái được sử dụng để cung cấp con giống cho ngành công nghiệp thịt lợn của Việt Nam. Trong chăn nuôi công nghiệp heo nái mang thai và nuôi con được nuôi trong lồng (cũi nái) bằng kim loại. Tại Việt Nam, Luật Chăn nuôi và Luật Thú y đã có các điều khoản quy định về chăn nuôi theo phúc lợi động vật, bước đầu đã có hoạt động của các hội, nhóm cứu trợ động vật trong nước và quốc tế.
Hiện nay, hàng trăm công ty thực phẩm trên toàn thế giới ban hành chính sách không tiêu thụ trứng gà được sản xuất từ những chiếc lồng nhốt chật hẹp. Đây được xem là một trong những chính sách thu mua bền vững. Chính sách này cũng hiện hành ở Việt Nam với sự tham gia của hơn 30 tập đoàn đa quốc gia. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi sử dụng 100% trứng gà được sản xuất từ những mô hình chăn nuôi không sử dụng lồng nhốt chật hẹp (cage-free eggs).
Tại Hội thảo "Doanh nghiệp và người chăn nuôi - Bài học kinh nghiệm, thách thức và giải pháp thực thi chính sách nuôi gà đẻ trứng theo phúc lợi động vật" do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức mới đây. Đại diện Tổ chức Human Society International (HSI) Việt Nam cho biết, nuôi gà đẻ trứng không nhốt trong lồng đã phổ biến nhiều năm qua tại nhiều khu vực trên thế giới, nhất là khu vực Tây Âu.
Để nuôi gà đẻ theo phương thức cage-free thành công thì gà con, hậu bị cũng phải được nuôi theo phương thức cage-free. Trong hàng thập kỉ gần đây đã có những nghiên cứu về hành vi và sức khỏe của gà đẻ cũng như những nghiên cứu liên quan đến phúc lợi động vật. Việc chuyển đổi mô hình chăn nuôi cage-free không thể thực hiện đơn lẻ bởi một cá nhân đơn vị nào, mà cần phải có sự hợp tác chặt chẽ của các bên liên quan: doanh nghiệp, người chăn nuôi, Nhà nước và các bên thứ ba.
Giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất
Theo đại diện doanh nghiệp và trang trại trong chăn nuôi gà đẻ trứng không sử dụng lồng nhốt như Công ty TNHH chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng (Tiền Giang) và Trang trại Every day Organic, khi đảm bảo được phúc lợi động vật tốt, người chăn nuôi có thể giảm thiểu một số chi phí đầu vào, đồng thời có thể tăng được năng suất, chất lượng và giá bán sản phẩm, giảm thiểu được chi phí thú y do ít bệnh tật xảy ra.
Ông Lê Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng chia sẻ: "Mới đây, Công ty chúng tôi đã được Tổ chức chứng nhận chăn nuôi nhân đạo công nhận là trang trại nuôi gà đẻ trứng thương phẩm ở Việt Nam đạt chuẩn theo chương trình chăn nuôi nhân đạo (HFAC- Humane Farm Animal Care).
Công ty chúng tôi chăn nuôi theo phương thức không sử dụng lồng nhốt chật hẹp truyền thống. Sào đậu, ổ đẻ, khu vực tắm bụi và các cơ sở vật chất khác trong trại được bố trí, thiết kế đảm bảo gà mái có thể thể hiện tập tính, hành vi tự nhiên của loài".
Theo ông Hòa, để đạt tiêu chuẩn này, người chăn nuôi cần phải chăm sóc vật nuôi theo chương trình HFAC. Để đánh giá về phúc lợi động vật, Hội đồng phúc lợi động vật trong chăn nuôi đưa ra tiêu chuẩn "5 không", đó là: không bị đói khát; không bị khó chịu cả về thể chất và tinh thần; không bị đau đớn, thương tật, bệnh tật; tự do thể hiện các hành vi bản năng; không bị sợ hãi và lo lắng.
Cũng như những loài vật nuôi khác, động vật trang trại, bao gồm gà mái, được sống trong môi trường được thể hiện những cảm xúc, vận động cơ bản cần thiết. Và chúng phải được nuôi dưỡng trong điều kiện chuồng trại cho phép thể hiện được tập tính tự nhiên vốn có của loài.
Hiện nay, Công ty TNHH chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng có tổng đàn 700.000 con gà đẻ, mỗi ngày cung cấp ra thị trường 500.000 quả trứng. Sản lượng trứng đạt 200 triệu quả/năm.
Cũng theo ông Hòa, chăn nuôi công nghiệp hiện đại đang được chuyển hướng sang chăn nuôi văn minh, bên cạnh lợi ích kinh tế của người chăn nuôi thì vấn đề lợi ích của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và phúc lợi vật nuôi cũng được quan tâm chú trọng, tạo đà cho chăn nuôi phát triển.
Còn theo chia sẻ của bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: "Phúc lợi động vật có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với vật nuôi mà cả đối với con người, xã hội và môi trường. Ngành chăn nuôi muốn phát triển hơn nữa và hội nhập được với thế giới thì nhất thiết phải đưa phúc lợi động vật vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu cũng như áp dụng trong thực tiễn sản xuất và xã hội, nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi và đạt yêu cầu xuất khẩu".
"Trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp Tổ chức HSI tổ chức các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông địa phương và các chủ trang trại nuôi gà đẻ trứng. Tập trung tuyên truyền, giới thiệu các trang trại, mô hình đã thực hiện thành công trong chuyển đổi nuôi gà cage-free để tham quan và chia sẻ kinh nghiệm", bà Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.