Độc quyền tình yêu bóng đá

Thứ năm, ngày 09/12/2010 08:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hội Cổ động viên (CĐV) VN đã chính thức có thư ngỏ gửi Thủ tướng bày tỏ sự phản đối việc kênh truyền hình K+ phát sóng độc quyền. Và quyết tâm này được thể hiện bằng con số: 1 triệu chữ ký vào bản kiến nghị.
Bình luận 0

Như vậy là sau khi việc độc quyền của K+ được đại biểu QH Dương Trung Quốc gửi văn bản chất vấn trên diễn đàn Quốc hội thì đây là lần đầu tiên một tập thể đứng đơn phản đối. Việc Hội CĐV VN định thu thập bằng cách cử các tình nguyện viên đi từng địa điểm, thu thập từng chữ ký để đạt tới con số 1 triệu, cho thấy họ đang rất quyết tâm.

Và điều lớn hơn, khi mà việc kinh doanh của một đơn vị, ở đây lại là một Đài Truyền hình quốc gia hoạt động bằng tiền thuế của dân chúng, bị phản đối dữ dội đến như vậy thì có nghĩa là cơ quan chức năng cần phải xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.

Dù K+ có đạt được thoả thuận nhượng quyền phát sóng cho một đài truyền hình nào đó thì bản chất của sự độc quyền là không hề thay đổi. Bởi sự độc quyền ở đây thể hiện trong yếu tố giá. Dù K+ có giải thích cách nào, viện dẫn bất cứ thứ gì thì vẫn có một sự thật là sau khi cái tên K+ ra đời thì giá để được xem, cũng là những trận cầu, đã bị đội từ 45.000 đồng, lên 250.000 đồng mỗi tháng. 250.000 đồng, tức là gần bằng 1/3 mức lương tối thiểu.

Chưa kể, tiền đầu tư thiết bị ban đầu cũng cỡ hơn 4 triệu đồng. Đắt đỏ đến mức chẳng khác một sự đánh đố, một sự xúc phạm người nghèo, một sự nhạo báng tình yêu thể thao của người dân. Liệu K+ dành cho ai? Liệu bao nhiêu trong số 70-80% dân số- vốn là những người có thu nhập trung bình và nghèo khổ, sẽ được xem bóng đá?

Trong thông điệp phát đi trước trận cầu sinh tử với Singapore trên sân Mỹ Đình chiều tối qua, Hội CĐV VN đã đưa ra khẩu hiệu, rằng: Cổ vũ cho VN, phản đối K+. Nếu hôm nay chúng ta chấp nhận thất bại, chấp nhận sự độc quyền, chấp nhận bị o ép của K+ thì ngày mai, ai dám đảm bảo sẽ lại không có một K+1, K+2, K+n...

Bức thư ngỏ, bản kiến nghị, và việc kêu gọi thu thập 1 triệu chữ ký càng có ý nghĩa hơn khi được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Liên đoàn Bóng đá VN VFF đạt thoả thuận bán bản quyền các trận đấu của đội tuyển quốc gia cho Tập đoàn AVG.

30 tỷ đồng mỗi mùa kéo dài trong 3 năm - một số tiền không nhỏ và không dễ thu hồi vốn. Bản quyền giải vô địch quốc gia, trong đó có V-League, cũng đang được đàm phán bán nốt cho AVG với thời gian dự kiến 18-20 năm.

Nền tảng của một nền thể thao, trước hết và bắt đầu phải xuất phát từ sự hâm mộ, từ tình yêu với thể thao của đại đa số dân chúng. Nhưng nếu như AVG, cũng học cách làm của K+, cũng bán thiết bị ban đầu, cũng đưa ra mức thuê bao cao đến phi lý, thì phải chăng để xem đội tuyển quốc gia thi đấu, để thể hiện lòng yêu nước, dân chúng sẽ tiếp tục phải trả rất nhiều tiền?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem