Tên thật của nhà văn là Phạm Thế Hệ, quê ở Thái Bình. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Cũng năm này ông trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tay "Sắp cưới" nói về cải cách ruộng đất. Cuốn sách đã khiến ông bị hệ lụy lao đao nhiều năm về sau. Nhưng ông không nản chí, không chịu gục ngã, vẫn quyết tâm sống và viết. Ông có ý định viết đủ 24 tác phẩm theo bảng chữ cái tiếng Việt, tên mỗi cuốn bắt đầu bằng một chữ cái. Cho đến khi qua đời trên đường từ Hạ Long trở về Hà Nội sau khi tham dự lễ hợp long cầu Bãi Cháy ông đã viết và in được gần ba chục cuốn sách bao gồm cả tiểu thuyết, truyện ngắn, kịch bản điện ảnh, bút ký phóng sự. Một số truyện của ông đã được dịch ra tiếng nước ngoài.
TUYỂN TẬP TRUYỆN NGẮN
Tác giả: Vũ Bảo
Đinh Tị Books & Nhà xuất bản Thanh Niên, 2020
Số trang: 334 (khổ 13x20,5cm)
Số lượng: 2000
Giá bán: 119.000
Đặc sắc văn chương của Vũ Bảo là ở tính hoạt kê, trào phúng. Ông dùng tiếng cười để châm biếm phê phán các thói tật tệ nạn trong đời sống xã hội hiện đại. Ông đã sống và viết đúng như suy nghĩ của mình về nghề văn: "Thở bằng lá phổi của mình, nhìn đời bằng đôi mắt của mình, suy nghĩ về lẽ đời bằng cái đầu của mình, đi bằng đôi chân của mình và không bao giờ viết bằng ngòi bút đã bị bẻ cong".
"Tuyển tập truyện ngắn" của Vũ Bảo được in lại cùng tiểu thuyết "Sắp cưới" và "Tuyển tập Vũ Bảo" (tập 1) nhân dịp kỷ niệm ngày sinh lần thứ 90 của ông. Nhớ lại, năm ông tròn bảy mươi tôi đã có một bài về ông viết dưới dạng thư gửi mừng ông với cái đầu đề "Anh cười, tôi cười, ai cười?" như ở trên. Bây giờ mời bạn đọc.
"Không, không phải vì anh có tập truyện mang tên Ông khóc, tôi cũng khóc mà tôi đặt "tít" ngược cho bức thư gửi anh trong ngày vui này như vậy đâu, Vũ quân ạ. Cái ông Cống trong truyện đó, giám đốc sở thể dục thể thao tỉnh Sông Ninh, khóc khi được bí tư tỉnh ủy gắn huy hiệu 40 năm tuổi Đảng ngay trên sân bóng vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đại hội đảng bộ tỉnh đề ra là bằng bất kỳ giá nào phải đưa đội bóng đá tỉnh lên hạng A1. Và tôi (người kể chuyện) cũng khóc vì "tôi hiểu ông Cống đã phải làm bao trò nhảm nhí để giành được phút linh thiêng nhất đời". Nhảm nhí để linh thiêng. Đấy là anh khóc hay anh cười hả Vũ quân? Cười ra nước mắt.
Thói thường sinh ra đời "con người có miệng có môi, khi buồn thì khóc khi vui thì cười". Nhưng sống ở đời rồi mới biết "ra trường danh lợi vinh liền nhục, vào cuộc trần ai khóc dở cười". Và trải thăng trầm cuộc đời, từ phản xạ sinh lý tự nhiên có những người "ngộ" được phản xạ tâm lý xã hội "khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười". Vũ quân, cái cười của anh là như vậy.
Ai đó nói: cái cười là vũ khí của kẻ mạnh. Ai đó nữa nói: người biết cười là người biết khóc. Cầm súng, trên chiến trường, anh đã bị thương. Cầm bút, trên văn trường, anh đã bị thương. Máu anh đổ xuống vì đất nước, máu ấy đỏ, không được hóa đen. Mực anh viết ra vì nhân dân, mực ấy đen, không được tô hồng. Do đó, với tư cách người lính và nhà văn, anh không chịu nổi sự bất công, sự lộn sòng, sự đánh tráo các giá trị. Đọc loạt truyện của anh về chủ đề này, tôi hiểu anh đã đau lắm, đau đến uất ức, để chỉ có bật lên cười mà thôi, cười ngao ngán cái sự đời. Sự đời nhố nhăng, anh cười. Những "nhà trẻ không có bô", những "phó tiến sĩ không hữu nghị", những "bút bi hết mực". Anh cười cái "lý sự người đời" (người đời đây không phải người thường) nói xuôi cũng được nói ngược cũng xong, coi sinh mạng con người - cả thể xác và tinh thần - nhẹ như không. Tập trung nhất là loạt truyện viết về những người lính thường. Anh là nhà văn của những người lính thường, những Rãng, Thảnh, Chình, Thi "sống hết mình khi gặp tai ương", không màng thiệt hơn, không cầu nổi danh nổi tiếng. Họ chưa có chiến công, chưa có tên trong tự điển, nhưng nhờ họ chiến công mới được lập, tự điển mới có tên. Họ là đất, nuôi hoa thơm quả ngọt nhưng luôn nằm dưới chân người qua lại. Vì vậy mà họ hay bị cướp công, bị "hy sinh" cho kẻ khác ngoi lên hưởng danh hưởng lợi. Công của Rãng, Bành hưởng (Người chưa có chiến công). Công của Thảnh, Lịch hưởng (Lý sự người đời). Công của Thi, Thành hưởng (Gọi ai lần cuối). Tiếng cười của anh khoan xoáy vào hiện thực làm bật lên lời cảnh báo: đang có hiện tượng vong ân bội nghĩa đối với máu xương của bao người ngã xuống. Nhà văn như thấy trước: trong truyện Người không có tên trong tự điển, nhân vật Chình (xê-hát) bị hy sinh, gia đình nhận bằng Tổ quốc ghi công thấy tên ghi thành Trình (tê-e-rờ), ông bố đưa lên huyện xin đổi cái bằng khác ghi đúng tên con mình.
Vừa rồi báo chí xôn xao quanh vụ "30 năm bỏ quyên một anh hùng" ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), nguyên do cũng vì thái độ tắc trách, lãnh đạm của các cấp có thẩm quyền quanh cái tên người anh hùng: bằng tuyên dương năm 1970 đề là Vũ Tiến Trung, tên ở chiến trường, còn tên thật là Vũ Hữu Bẩy. Các tài liệu có cơ sở pháp lý đã có đủ để chứng minh Vũ Tiến Trung là Vũ Hữu Bẩy, vậy mà huyện đùn lên tỉnh, tỉnh đùn lên Bộ Quốc phòng, Bộ lại đẩy xuống tỉnh, dây dưa né tránh mãi, để tấm bằng tuyên dương anh hùng đã 30 năm về huyện vẫn chưa được trao. Nếu được dự một cuộc họp của các bộ phận chính sách quân đội lo việc này, tôi sẽ đưa cái truyện của Vũ quân cho họ đọc, và sẽ xin phát biểu bằng cái câu Vũ quân nói qua miệng ông huyện đội trưởng với người cán bộ trợ lý chính sách: "Cậu thì suốt đời sợ sai sách mà chẳng bao giờ lo sách cũng có lúc sai. Người ta đẻ đứa con đau đứt ruột, nuôi nó mười tám năm trời, cho nó ra mặt trận còn chẳng tiếc, mình thì có hai chữ xê-hát thôi mà cũng tiếc công viết, lý sự dài dòng". Công của anh đấu tranh bằng văn chương cho sự lập lại công bằng giá trị, Vũ quân ạ, đồng đội anh, bạn đọc anh biết ơn nhiều lắm.
Tiếng cười là vị thuốc giải thiêng. Khi cười mọi tôn ti đẳng cấp được san bằng, mọi giá trị được ngang hàng, mọi bản chất được lột trần, mọi người được bình đẳng. Một trật tự khác được xác lập. Chân lý ở trong tiếng cười. Cái cảnh cắm cờ trên bốt Chè là giả đấy, là diễn đấy, là cảnh đóng để quay phim đấy, cái tay cầm cờ ấy chính là cái thằng đã vãi linh hồn ra quần trong trận đánh thật. "Cái quần trong phim là cái quần khác đấy", thế là tiếng cười bật ra giải thiêng một huyền thoại, xóa bỏ một hình ảnh, dẫu đẹp nhưng là giả. Nhưng không chỉ cười, anh còn kêu lên như báo động ở câu kết truyện ấy. Bởi không thì nguy quá, giả đã thay thật, đã thành thật, đã dối trá ngụy tạo lịch sử. Như chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa ngày 30/4/1975 thì nằm tít rừng sâu, còn chiếc xe 843 thì ngang nhiên lên phim, lên ảnh, vào sách sử, sách giáo khoa, truyền khắp năm châu. May còn có bức ảnh của một nữ ký giả Pháp chụp đúng thời gian, địa điểm ấy đã giúp cứu vãn một sự thật lịch sử.
Báo chí có cách làm sử theo tính thông tấn của nó. Văn chương không làm sử, nhưng nó giúp con người đọc sử như vốn có. Thật ra, ở truyện Người vãi linh hồn, Vũ quân mô tả một loại người cướp cờ, cướp công, xây vinh quang riêng mình trên xác đồng đội. Anh hay nói đến hai loại người: loại tốt số, sinh vào giờ thiêng thì chẳng làm mà được hưởng, tử vào giờ thiêng thì thành thần thành thánh được hương khói thờ phụng; loại xấu số, cứ lầm lụi làm mà vô danh vô tích. Trước đây một nhà văn đàn anh họ Vũ - Vũ Trọng Phụng - thấy đời là vô nghĩa lý và đổ tất cả tại cái số, số phận. Thằng Xuân tóc đỏ "số đỏ" nên từ một đứa bé lang thang nhặt ban sân quần trở thành một anh hùng ái quốc. Vũ quân trong những sáng tác viết giọng như tưng tửng, đùa đùa của mình chắc cũng tâm trạng và cảm hứng ấy. Gọi ai lần cuối? "Thằng Thành hưởng hết phần vinh quang của cả tổ chốt, còn thằng Thi đang nằm một mình trên ngọn đồi gió hú, sao còn gọi là công bằng? Người chết làm sao nói được điều đó". Cỏ đã trùm kín bãi chiến trường xưa. Cỏ đã che lấp ký ức không ít người. Gọi ai lần cuối? Vũ quân ạ, câu anh hỏi chỉ cỏ trả lời được mà thôi.
"Hài hước là cái phao cứu sinh trên sóng cả cuộc đời" (Wilhelm Raabe - nhà văn Đức), nhờ thế, anh hai lần bị thương, vết đạn đồng và chữ, nhưng anh vẫn sống, sống khỏe, và viết khỏe. Với anh hôm nay tôi không nhắc chữ "cổ lai hy", tôi không dùng chữ "mừng thọ", chỉ chúc anh còn đủ sức "vẩy bút làm mưa gió" như bút danh anh đã chọn tự thuở nào."
Hôm nay, nhớ nhà văn Vũ Bảo đọc văn ông để thấy đau những cái ông cười vẫn còn nhiều trong cuộc sống hiện nay, nhưng cũng vì thế mà ta học ông ở tiếng cười và điệu cười văn chương ấy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.