Hôm nay cũng đúng sinh nhật lần thứ tám mươi của nhà thơ. Thơ Hoàng Thị Minh Khanh xuất hiện sớm, từ những năm đầu thập niên sáu mươi thế kỷ trước. Từ đó đến nay chị đã in bảy tập thơ, trong đó có năm tập thơ riêng mà tập “Tằm tơ” này là mới nhất. Tôi xin đưa lại đây bài tựa của tôi cho tập thơ mới này của chị.
Nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh đối với tôi là một người chị với đầy nghĩa yêu thương của từ này. Tình cảm đó bắt nguồn có lẽ trước hết là từ vùng đất quê hương Hà Tĩnh của tôi có con sông La đã đi vào thơ chị từ lâu mà về sau đã được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ thành bài hát cùng tên “Gửi sông La” rất được phổ biến và yêu thích. Yêu sông đến mức chị phải nói bằng thơ: “Em xin mọi người đừng nói em là thần kinh không ổn định/ không, em vẫn tỉnh táo lạ thường/ em càng rất thân thương/ dòng sông xanh biếc ấy”. Từ đó con sông La trong kỷ niệm với riêng một người văn từ hồi mười tám đôi mươi quê ở bên sông đã chảy trong lòng chị thành nguồn yêu mến nhiều người Hà Tĩnh, nhất là những người làm thơ văn. Lâu lâu chị lại bảo tôi mời mấy anh chị em trong nớ ngồi lại với nhau cho chị được gặp mặt chuyện trò. Từ tình cảm chung với một vùng quê chị đã dành tình cảm riêng cho một đứa em là tôi với tất cả sự quan tâm, lo lắng, sẻ chia trong cuộc sống, nghề nghiệp, công việc. Tôi và Tố Hoa, nhân viên ở Văn phòng Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, một người con gái Hà Nội hiền hậu, nết na, đã được chị coi là hai đứa em gái em trai cho chị chi chút chăm lo. Thơ chị trong tập này có bài “Tình chị em” dành cho chúng tôi.
TẰM TƠ
Tác giả: Hoàng Thị Minh Khanh
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2020
Số trang: 305 (khổ 15x23cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 136.000
Hai em gái em trai của chị
chị yêu như chính bản thân mình
hai em sống trong mọi dòng suy nghĩ
như chẳng bao giờ chị thiếu được trời xanh.
Không biết phải vì duyên hay vì số
trời lại cho chị gặp hai em
có những đêm chị cô đơn mất ngủ
chỉ muốn dậy ngay và chạy đi tìm…
Cái tình của nhà thơ, cái tình của người chị sâu đậm trong mỗi dòng chị viết. Thơ chị cứ để cảm xúc chảy ra đầu ngọn bút trên trang giấy (vâng, chị tôi từ tuổi trẻ đến nay đã tám mươi vẫn viết thơ bằng giấy bút như vậy) cho tình yêu cha mẹ, tình yêu vợ chồng, tình chị em bạn hữu, tình làng xóm bạn bè, tình quê hương đất nước bộc lộ một cách tự nhiên, dung dị. Chị không chau chuốt câu chữ cầu kỳ mà nói như lời nói thường. Những lời nói thơ dung dị đầy yêu thương, đằm thắm, truyền cho người đọc cảm giác được nghe lời trò chuyện, tâm tình của một người vợ, người mẹ, người chị, người bà bao dung, đôn hậu.
Khi làm tập thơ này chị tin cậy nhờ tôi biên tập. Đây là tập thơ chị tập hợp in mới nhiều bài làm đã lâu nay, trong đó có những bài làm từ hơn sáu mươi năm trước, lại có bài mới làm gần đây. Chị muốn ở tuổi tám mươi có một tập thơ mới và đặt tên lúc đầu cho tập là “Con tằm”. Nhà thơ như kiếp con tằm nhả tơ. Tôi đọc bản thảo và hiểu rõ hơn con người chị tôi trong đời và trong thơ. Thơ với chị là một sự sống, một cách sống, chứ không còn là chuyện văn chương. Tôi bảo chị là chị ơi, em không làm cái việc gọi là biên tập đâu, vì em hiểu bao nhiêu bài thơ ở đây là bấy nhiêu trạng thái sống chị đã trải qua với đủ mọi cung bậc tình cảm, chị cho em cái quyền sửa chữa, cắt bỏ, nhưng em chỉ giúp chị chia tập thơ thành ba phần theo từng mạch cảm xúc thay vì cứ để liên tục bài này đến bài kia. Phần I là những bài thơ tình chung. Phần II là những bài thơ về tình gia đình, vợ chồng, anh chị em, làng mạc quê hương. Phần III là những bài thơ về đất nước, xã hội, thế sự. Và nếu chị đồng ý thì em muốn đổi tên tập thơ thành “Tằm tơ”. Chị tôi nghe và đã chấp thuận cho tôi làm thế.
Ước gì tuổi dẫu trăm năm
vẫn là cô gái chăn tằm dệt tơ
ước gì người ấy ngày xưa
vẫn trai trẻ mãi ngẩn ngơ một chiều
Chị Khanh của tôi – nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh, là thế. Chị mãi vẫn là người con gái hồn nhiên và đằm thắm của đât Đại Mỗ (Hà Nội) xưa. Chị mãi trẻ không già như câu thơ chị viết khi tuổi còn xuân “tôi không buồn những buổi chiều/ vì tôi đã sống rất nhiều ban mai”. Em sung sướng được làm em chị, chị Khanh của em.
Bây giờ tôi mời bạn đọc bài thơ “Bâng quơ” nhà thơ Hoàng Thị Minh Khanh cho in ở bìa bốn tập thơ “Tằm tơ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.