Bay trong mơ là chuyến bay của con người trong tâm tưởng, hồi tưởng, viễn tưởng, đảo lộn không-thời gian, nhìn xuống nhìn xuyên các lớp thực ảo để phát giác ra những chiều kích của cái sống, cái thường nghiệm. Trần Quang Đạo khi bước vào tuổi sáu mươi, sau một đời làm báo làm thơ cật lực và tận lực, khi giờ đây đang phải đối mặt với một thử thách lớn nhất của sự sống đời mình, anh thực hiện một chuyến "bay trong mơ" của mình để ngẫm lại cái sống mình đã trải và đang vật lộn với nó. Anh bay bằng đôi cánh thơ, xuyên không gian và đan chéo thời gian.
Đó là chuyến bay cất cánh từ sân bay – "sân phơi hình phẳng đa chiều bay lên trong nắng". Người nông dân xưa phơi thóc trên sân rồi dùng hai chân mình làm cào rẽ thóc, lật thóc cho khô đều hạt thóc. Và đấy là "đường nắng – khung nhạc dài tít tắp" tạo thành đường băng cho chuyến bay thơ bay mơ bay về tuổi thơ và… tuổi già.
Đó là chuyến bay cất cánh từ tiếng gọi của mẹ "Đạo ơi về ăn cơm", của cha "Đạo ơi dậy đi học", của em "Đạo ơi", của đồng đội người còn người mất. Cái tên con người là phần hồn cha mẹ trao cho gắn với hình hài da thịt cha mẹ tạo ra và mỗi lần tên mình rung lên ngân lên réo lên trên môi người là một lần mình được nhắc nhở hạnh phúc và nỗi đau làm người. Cái tên như một tín hiệu vạch đường bay.
Đó là chuyến bay cất cánh từ những vọng khúc nhớ con "chim sẻ bên nhà", thương đàn thiên nga trong hồ. Bầy chim sẻ của đồng quê mùa màng thôn dã đến làm tổ trong nhà chật phố phường cất tiếng hót cho người nhớ quê nhớ tuổi nhỏ và khát vọng tự do không nguôi nghỉ trong lòng. Đàn thiên nga xứ lạ về xứ mình quanh quẩn trong hồ bị bắt "làm một ước lệ hàng hóa" đành quên mất cái vút cánh bay lên và khác cả tiếng kêu của loài khiến thi nhân buồn "thấy mình như bị mất đôi cánh".
Đó là chuyến bay cất cánh với sức đẩy của những lời ru nhịp sáu tám. Ru con "tháng năm theo nhịp ơi à / nhớ con mà nước mắt và trộn cơm". Ru khói "khói không chê những phận nghèo / nhà mang nỗi đói khói neo bốn mùa". Ru Kiều "trong bao trận khóc trận cười / lung lay đến tận nóc trời dột mưa". Ru mẹ "cánh đồng cha mẹ cấy cày / cũng bay rách nát nơi này khói hương". Ru sen "dưới bùn từ thuở xa xưa / thấm bao xương máu bây giờ nuôi sen". Những lời ru nhịp võng đưa truyền đời thế hệ cho chuyến bay kiếp người trên ngọn sóng thời gian.
Đó là chuyến bay cất cánh lên thinh không để cất một tiếng gọi giữa không-thời gian nhân thế cuộc đời. Một tiếng gọi của một vùng đất một miền quê một lịch sử văn hóa một tỉnh Quảng Bình neo đọng trong tên một người đẹp thi nhân. "Quảng Bình có Chị". "Bởi chị là Quảng Bình". "Nhưng chị vẫn Quảng Bình mà không ai hiểu hết". Cái tên địa danh nhắc một vùng địa dư nhưng vang âm cái tên đó trong thơ không còn là cụ thể hữu hình mà là cái Đẹp mãi mãi bí ẩn xa vời của Người Nữ người thơ để những ai tìm kiếm "một mình hoang dại kiếp sau" nhưng vẫn mải miết đi tìm. Bài thơ này khi đăng báo ở địa phương đã từng bị phê phán, ấy là do người đọc thơ đã không hiểu hết thơ.
BAY TRONG MƠ
Tác giả: Trần Quang Đạo
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2019
Số trang: 165
Số lượng: 1000
Giá bán: 100.000đ
Đó là chuyến bay của Trần Quang Đạo "trên đôi cánh mẹ cho để bay tới chân trời". Bay trong mơ – bay trong thơ, chuyến bay định mệnh của đời anh. Mỗi con người lọt lòng mẹ ra là đã được lập trình những đường bay quỹ đạo bay hành trình bay cuộc đời mình và mỗi người phải tự mình bay trên đôi cánh là cả một hình hài thân phận đã được mẹ ấp ủ và sinh hạ. Mẹ không ở mãi bên đứa con nhưng trong chuyến bay đời của con luôn có mẹ.
Con vẫn bay hàng ngày
trên mọi điều tạo lập
trên mọi luật lệ đúng sai xưa như trái đất
trên cả những gì đã thành quy luật
dù bay đường vòng
đường tim con vẫn thẳng
bởi mẹ vạch cho con từ khi chớm vào đời…
Tập thơ "Bay trong mơ" có tám phần thơ được sắp đặt như một cuộc khởi hành bay (Đường nắng – Ngược sáng – Cất cánh – Cháy – Khúc ru – Khúc vọng – Gọi giữa thinh không – Nhặt) với luân phiên các thể thơ tự do, lục bát, thơ văn xuôi, thơ ba câu. Đó là một khởi hành đi lui và đi tới khi nhà thơ hồi nhớ và suy niệm con đường đời mình đã trải. Trần Quang Đạo ở tập thơ thứ bảy này của mình rút sâu vào mình nhìn ra nhìn lại cuộc đời chiêm nghiệm cái cõi người ta và cái lẽ nhân sinh. Thơ đó nghiêng về triết luận. Làm thơ kiểu này dễ bị khô khan, khô cứng và gượng, nhất là ở kiểu thơ ba câu như thơ Haiku (Nhật Bản). Đáng mừng là nhà thơ đã biết vượt qua cái khó để chạm được thơ và cho thơ chạm được người đọc. Tôi muốn nói những bài thơ ba câu để thấy công phu lao động thơ của Trần Quang Đạo. Những bài đó đầu đề chỉ một chữ, hai câu đầu viết liền, câu thứ ba cách xuống một dòng. Cái khoảng không giữa hai câu trên và câu thứ ba là khoảng không thơ chứa đựng nghĩa để người đọc tự lấp đầy bằng cách đọc của mình, bằng liên tưởng, ngẫm nghĩ. Câu thứ ba là "kíp nổ" bật ra từ sức ấn của đầu đề và hai câu trên làm bùng lên các tầng nghĩa của bài thơ. Khoảng không đó không phải là khoảng trắng trên văn bản, nếu người đọc không biết lấp đầy nó khi đọc bài thơ thì nó sẽ mãi là khoảng vắng trong cảm xúc tâm trí của mình.
Nhổ
Tự nhổ tôi lên khỏi mặt đất
Hai chân còn vẫy
Nó không hóa cánh.
Tập thơ "Bay trong mơ" được chính tác giả làm bìa và minh họa bằng tranh của mình. Cũng chính tác giả trình bày ấn loát. Một tập thơ như vậy đưa đến cho người đọc khoái cảm hai lần khi được đọc thơ và nhìn tranh. Và hiện ra sau từng con chữ thơ, sau từng vệt màu tranh, một Trần Quang Đạo vẫn đang bay. Người đọc theo dấu thơ sẽ nhận ra một Trần Quang Đạo đang chuyển cánh theo một đường bay mới và khác.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.