Đọc sách cùng bạn: Bi hùng và bi tráng trên trời

Phạm Xuân Nguyên Thứ bảy, ngày 09/09/2023 08:19 AM (GMT+7)
Chào bạn, ta gặp lại nhau. Hôm nay, tôi đưa đến bạn cuốn sách "Đi tìm thung lũng MiG" của tác giả Phạm Phú Thái.
Bình luận 0
Đọc sách cùng bạn: Bi hùng và bi tráng trên trời - Ảnh 1.

Cuốn sách "Đi tìm thung lũng MiG" của tác giả Phạm Phú Thái. (Ảnh: ST)

Ông Phạm Phú Thái từng là một phi công chiến đấu thời chiến tranh chống Mỹ, từng là Tham mưu trưởng, Phó tư lệnh thứ nhất Quân chủng Phòng không – Không quân. Ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (2010). Mười năm qua ông đã trở thành một cái tên tác giả được nhắc đến với hai cuốn sách viết về binh chủng không quân là "Lính bay" (1 và 2) kể về quá trình học tập, huấn luyện và chiến đấu của mình để trở thành một phi công lão luyện vang tiếng "bay như Thái". Và bây giờ là cuốn sách thứ ba của ông – "Đi tìm thung lũng MiG".

ĐI TÌM THUNG LŨNG MIG

Tác giả: Phạm Phú Thái

Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2023

Số trang: 591 (khổ 14,5x20,5cm)

Số lượng: 1000

Giá bán: 230.000đ

Cái tên sách tác giả muốn nói tới những địa danh đã xảy ra các cuộc không chiến giữa không quân Việt Nam và Không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc. Ở đâu có máy bay địch là có MiG của ta tiến công, ở đấy có Thung lũng MiG. Ông viết cuốn sách này để tri ân gần một trăm liệt sĩ – phi công trực tiếp tham gia không chiến đánh máy bay Mỹ theo lời gợi ý của huyền thoại phi công MiG 17, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Văn Bảy (1936 – 2019). Lực lượng không quân non trẻ của quân đội nhân dân Việt Nam đã phải đương đầu với lực lượng không quân hùng mạnh hiện đại của quân đội Mỹ trong một cuộc chiến tranh khốc liệt dữ dội đã lập được những chiến công vang dội, có những phi công bắn hạ được nhiều máy bay kẻ thù, nhưng cũng có những tổn thất lớn, có những phi công đã bị bắn hạ, bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Tham gia các trận không chiến này có cả hai loại máy bay MiG-17 và MiG-21, nhưng Phạm Phú Thái tập trung đi sâu, kể chuyện nhiều hơn về các trận đánh của các phi đội MiG-17 trong các năm 1965 - 1967 vì đó là lực lượng đầu tiên của không quân xung trận, mở đầu cho truyền thống lịch sử của binh chủng, đem lại những kinh nghiệm về sau cho cả hai loại máy bay trong cuộc chiến. Đấy cũng là cách viết tác giả chọn cho cuốn sách này, sau nhiều lúc nghĩ cách viết sao cho sinh động, thực tế. Điều này cũng đã đáng cảm ơn tác giả vì nhờ đó cuốn sách nói về không quân phần nào dễ tiếp nhận hơn đối với người đọc bình thường, cho họ dễ hình dung hơn bức tranh thực chiến của không quân Việt Nam qua từng biên đội, từng trận đánh, và từng con người.

Phạm Phú Thái trong cả ba cuốn sách đã viết của mình, và nhất là cuốn thứ ba này, muốn ghi lại sự thực của binh chủng không quân như mình đã phục vụ và đã được biết. Ông muốn viết lịch sử hay là góp phần để lịch sử của binh chủng được viết một cách chính xác, trung thực nhất có thể. Do đó ông đã phải tìm đọc các báo cáo tác chiến từng trận đánh còn lưu lại ở cấp trung đoàn, quân chủng, đọc các sách báo viết về các cuộc không chiến của cả hai phía Việt Nam và Mỹ, tham gia các cuộc gặp gỡ giao lưu với các không quân Mỹ trở lại Việt Nam, tìm hỏi các phi công ta đã từng tham gia các trận đánh hiện còn sống. Thí dụ như việc tính chiến công bắn rơi máy bay cho phi công thế nào, cách tính số máy bay bị bắn rơi khi công bố ra sao, sự khác biệt giữa các con số của hai phía đưa ra. Hay như việc đã có lần Tư lệnh không quân không chấp hành lệnh "cấm bay" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cho máy bay xuất kích để bị tổn thất nặng nề, một phi công hy sinh. Hoặc nữa là cách viết lịch sử vô tình hay cố ý chỉ kể riêng trận "Điện Điên Phủ trên không" trong 12 ngày đêm đánh trả đợt không kích bằng B52 của Mỹ vào Hà Nội, coi đó như là đòn quyết định chấm dứt cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của kẻ thù, mà không thấy đấy là kết quả cuối cùng của cả mười năm chiến đấu, và cụ thể hơn là trong cả năm 1972, của cả nước nói chung, và binh chủng không quân nói riêng.

Đấy là những trang viết thẳng thắn, đầy tinh thần trách nhiệm cao của một người lính bay thực thụ, của một tư lệnh quân chủng, trước những đồng đội đã ngã xuống từ bầu trời, nhất là những người ít được vinh danh, nói tới, dù có vì thế mà có người không ưa thích. Lịch sử là cái đã qua giờ nhìn lại ở độ lùi thời gian và sự kiện có những việc những người được thấy rõ hơn cần đính chính, làm rõ, nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, không thể tô hồng hay bôi đen theo ý muốn chủ quan của bất cứ ai. Một cái nhìn lịch sử và viết lịch sử theo cách của Phạm Phú Thái cho binh chủng không quân là cần thiết. Rộng ra là quân sử của các đơn vị cụ thể, của các quân binh chủng, của cả quân đội, mà rồi lịch sử của một đất nước nói chung, cũng luôn cần được bổ sung tư liệu, chính xác cách nhìn để tiệm cận sự thực lịch sử đến mức tối đa.

Cuốn sách ngoài tính chất lịch sử còn như là lòng biết ơn của một người lính bay đối với tất cả các bộ phận mặt đất với những con người đã thầm lặng dũng cảm làm mọi việc để cho phi công cất cánh lên trời tìm địch, diệt địch, lập chiến công và được vinh danh. Trong các bộ phận đó tác giả nhấn mạnh đến những người chỉ huy dẫn đường không quân và nói về nỗi niềm của một sĩ quan dẫn đường xuất sắc nhưng đến tận ngày nay vẫn không nguôi xót xa về sự hy sinh của một lính bay do sự cố tình "trái lệnh Bác" của vị tư lệnh Quân chủng. Xen giữa những trang viết chi tiết, rành mạch về các trận không chiến, tác giả cũng cho người đọc thấy được phần nào số phận cuộc sống của người lính bay và vợ con họ, như chuyện "lấy vợ để đổi vận" bắn được máy bay Mỹ của phi công Nguyễn Văn Bảy, chuyện vợ chồng liệt sĩ phi công Nguyễn Văn Lai, chuyện phi công Nguyễn Nhật Chiêu lấy vợ tảo hôn… Những chuyện như thế hé lộ cho người đọc biết chút ít về cái "xã hội thu nhỏ" của những người lính bay đang tuổi thanh niên sung mãn cả thể lực và tình lực nhưng phải chịu nín nhịn bản thân, khép mình vào kỷ luật quân đội và thời chiến, dồn tất cả cho những cánh bay lên trời bắn hạ kẻ thù.

"Chiến tranh giữa Việt Nam với Mỹ và các nước chư hầu đã đi qua gần nửa thế kỷ trên đất nước thân yêu này, những phi công đã tham gia trực tiếp chiến đấu với Không quân Mỹ không còn nhiều để có thể kể lại, viết lại về những trận không chiến của họ và của các phi công cùng thế hệ. Những hào quang của quá khứ chỉ thỉnh thoảng le lói rồi lại tắt ngủm trong những ngày kỷ niệm nào đó. Những người được nhắc đến trong quá khứ ấy là tiêu biểu của một thời nhưng cũng ngày một ít được nhắc đến. Để có những phút loé sáng ấy, còn bao nhiêu thân phận chẳng ai còn nhớ đến, trừ người thân, bạn bè cũ… Rồi tất cả chiến công, huân huy chương, danh hiệu ấy cũng mờ dần theo thời gian, mờ dần trong ký ức của tất cả mọi người." (tr. 558-559). Lời tâm sự của tác giả ở cuối sách dễ khiến ngậm ngùi. Nhưng bằng vào việc viết sách về đời lính bay của mình, bằng vào chính cuốn sách này "Đi tìm thung lũng MiG", phi công chiến đấu Phạm Phú Thái đã không để trôi vào quên lãng vô tăm tích những đồng đội lớp trước lớp sau cùng mình bay lên bầu trời tổ quốc quần nhau với máy bay giặc có thắng có thua, có bắn rơi địch và có bị địch bắn rơi, có hạ cánh an toàn, có tiếp đất bị thương và có hy sinh giữa trời, trên bộ.

Các thế hệ bây giờ và mai sau đọc vào các trang sách của ông sẽ biết được cái giá hy sinh cho thắng lợi, hẳn nhiên, nhưng quan trọng hơn họ sẽ biết được, và thấm được, sự thật này: lịch sử được làm nên không chỉ từ những chiến thắng, vinh quang, bởi những anh hùng, mà còn từ những thất bại, đau xót, bởi những con người thầm lặng, vô danh. Nhìn lên bầu trời hôm nay, đi những chuyến bay hôm nay, đọc cuốn sách này như còn thấy họ - những phi công chiến đấu không trở về mặt đất ngày nào hoá thành mây trắng mang lại bình yên cho quê hương đất nước.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác,

Hà Nội, 9/9/2023


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem